Nhân dịp nước CHDCND Lào đón Tết cổ truyền Bunpimay năm 2022 diễn ra từ 14-16/4, để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, tình anh em giữa 2 dân tộc Việt-Lào thêm bền chặt, Huyện ủy và UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam sang thăm và chúc Tết cổ truyền cán bộ, người dân huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông nước CHDCND Lào.
Sau khi thăm và chúc tết chính quyền huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, nước CHND Lào, đoàn thăm chúc tết của Huyện uỷ, UBND Huyện Nam Giang và cán bộ đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang tham gia buổi lễ buộc chỉ tay, một tục lệ không thể thiếu trong tết cổ truyền của nước CHND Lào nói chung cũng như chính quyền và nhân dân huyện Đắc Chưng nói riêng.
Tục lệ buộc chỉ tay là một nét văn hóa độc đáo của người Lào, nó thể hiện cho lòng yêu mến khách của người dân Lào đối với bạn bè. Buộc chỉ tay kèm với những lời chúc bình an, may mắn là một thông điệp mà mỗi người dân nơi đây dành cho mọi người xung quanh, bạn bè quốc tế rằng: chúng tôi yêu mến các bạn! Người dân Lào thường cầu cho người khác hơn là cầu cho chính mình. Bởi với họ cầu mong tốt lành cho người khác, thì sau đó, người khách sẽ lại mang bình an đến cho họ.
Lễ buộc chỉ tay được chuẩn bị rất chu đáo, ban đầu gia chủ sẽ làm một lâm lễ cho buổi lễ gọi là mâm Khoẳn. Mâm lễ phải có mạc bênh (mâm hồn) làm bằng lá chuối xanh kết thành hình phễu có cắm bông và chỉ trắng trang trí thành một hình tháp và trên đỉnh sẽ cắm một cây nến vàng. Trong mâm lễ còn có típ khẩu (đồ đựng xôi), rượu, gà luộc, trứng luộc, lợn, xôi nếp, bánh kẹo, hoa, trái cây, nước và nến… Người Lào hay dùng bông vàng và trắng để trang trí cho mâm lễ cùng rượu trắng, thể hiện sự tinh khiết, trong trắng.
Đến giờ lành, thường là trước lúc mặt trời lặn (người Lào không làm lễ Sù Khoắn vào buổi tối), bên mâm Khoẳn, tất cả những người tham dự sẽ ngồi xung quanh, người chủ lễ sẽ ngồi đối diện với những người nhận lễ. Chủ nhà sẽ buộc cho người nhận lễ một chiếc khăn truyền thống của người Lào (thông thường thì ở Lào chỉ có sư thầy (thầy cúng, hoặc nhà sư đã thoát tục) mới được dùng khăn.
Sư thầy sẽ kéo các đầu chỉ từ trên mâm xuống để trao cho những người ngồi sát quanh mâm, trao cho chủ nhà, trao cho các vị khách chính nhận lễ. Các sợi chỉ phải đều được buộc vào mâm lễ và đủ dài để người tham dự có thể nắm được. Khi dùng, người tham dự dùng ngón cái của bàn tay kẹp một phần sợi chỉ và phần còn lại cho người ngồi sau. Cứ thế kéo dài cho đến bao giờ hết sợi chỉ mới thôi.
Vào lễ, thầy cúng sẽ châm cây nến trên đỉnh của mâm Khoẳn và khấn vãi. Những người xung quanh, tay trái cầm sợi chỉ, tay phải chạm nhẹ vào mâm. Những người ngồi xa, không với tới mâm thì vẫn chắp tay trái trước ngực, tay phải chạm nhẹ vào khuỷu tay của người ngồi phía trước để truyền lời nguyện của sư thầy tới tất cả các thành viên tham dự và tăng thêm sự gắn kết, tình đoàn kết giữa các thành viên dự lễ.
Sau khi khấn xong, thầy cúng sẽ buộc chỉ tay cho người nhận lễ trước rồi lần lượt đến những người khác. Loại chỉ tay này được tết riêng, buộc thành chùm trên mâm lễ, cắt vừa đủ để buộc vào cổ tay. Sau đó những người khác cũng sẽ lấy những sợi chỉ trên mâm Khoẳn và buộc cho cho nhau để cầu phúc, cầu may. Thông thường, các vị khách chính, người già, gia chủ và phụ nữ sẽ được buộc nhiều nhất.
Kết thúc lễ, gia chủ thường làm một bữa tiệc để mời sư thầy và các vị khách cùng ăn uống (không bắt buộc, tùy gia cảnh). Theo người dân ở nơi đây, để lời chúc được hiệu nghiệm thì trong vòng ba ngày người nhận lễ không được tháo sợi chỉ ra vì bất cứ lý do gì.
Lễ buộc chỉ cổ tay đã cùng song hành với sự phát triển văn hóa từ xa xưa của đất nước Triệu Voi, thể hiện lòng hiếu khách của người dân Lào với bạn bè. Nét đẹp văn hóa này đã và đang tiếp tục được gìn giữ, phát huy.