Tết Hàn thực - một ngày lễ quan trọng trong cúng tổ tiên của văn hóa Việt Nam

Đón Tết Hàn thực, chúng ta cần chú ý một số việc cần làm và kiêng kỵ để ngày lễ an lành và mong điều may mắn đến với gia đình.

Tết Hàn thực là một ngày lễ quan trọng trong năm của văn hóa Việt Nam, nhất là các tỉnh phía Bắc. Đây là ngày cả gia đình cùng nhau chuẩn bị lễ cúng tổ tiên, tảo mộ và tỏ lòng biết ơn với người thân đã mất. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý một số việc cần làm để ngày lễ an lành và mong điều may mắn đến với gia đình.

Tảo mộ

Trong văn hóa Việt Nam, Tết Hàn thực còn được biết đến như ngày để nhớ về cội nguồn. Bởi trong ngày này, những gia đình sẽ viếng thăm, tảo mộ và sửa sang lại phần mộ của tổ tiên, ông bà. Điều này không chỉ thể hiện sự biết ơn, lòng kính trọng mà còn cầu mong một năm mới an lành với nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình và bản thân.

tet-han-thuc-4-1648871867.jpg
Tảo mộ là hành động ý nghĩa thể hiện sự biết ơn, lòng kính trọng đối với Tổ tiên trong Tết Hàn thực.
(Ảnh minh họa)

Nhắc nhở con cháu ghi nhớ cội nguồn của dân tộc

Thế hệ con cháu thường sẽ ít nghe và biết nhiều về những người thân đã khuất trong gia đình hay dòng họ mình. Do đó, Tết Hàn thực chính là khoảng thời gian ý nghĩa khi cả gia đình sum vầy, ông bà, cha mẹ sẽ kể cho con cháu nghe các câu chuyện về những người thân đã mất.

Đây là một cách hay bởi cả nhà vừa có thể nhớ lại kỷ niệm tươi đẹp trong quá khứ, lại có thể khuyên dạy con cháu biết "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", biết ơn và tôn trọng những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ để có được chúng ta ngày hôm nay.

Nói lời hay ý đẹp

Trong ngày này, cả gia đình nên tránh gây mâu thuẫn hay những cuộc cãi vã. Nếu có vấn đề tranh chấp, cả hai bên nên ngồi tìm cách giải quyết và giảng hòa nhé. Ngoài ra, bạn cũng đừng nói những lời không may mắn, khiến không khí gia đình trở nên trùng xuống và buồn rầu.

Lúc này, cả nhà hãy ngồi tụ họp bên nhau, đơn giản có thể kể cho nhau nghe những niềm vui, các điều nhỏ nhặt trong cuộc sống nhé. Điều này giúp các thành viên trong gia đình đều tận hưởng một ngày Tết Hàn thực bình yên và ý nghĩa.

Chuẩn bị mâm lễ cúng tươm tất

Đây là nghi thức quan trọng không thể thiếu trong bất cứ lễ cúng nào. Trong dịp này, nhiều gia đình sẽ cùng nhau dọn dẹp bàn thờ, vệ sinh nhà cửa và đặc biệt là chuẩn bị những mâm cỗ cúng tươm tất để dâng lên thần Phật, tổ tiên, ông bà.

Mâm lễ cúng có thể bày biện đơn giản nhưng phải đầy đủ những lễ vật cần thiết nhất như: Nhang, hoa tươi, trầu cau, trái cây, bánh trôi, bánh chay… Một mâm cúng đủ đầy không chỉ để bày tỏ lòng thành tâm đến tổ tiên, mà còn cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân lẫn gia đình.

tet-han-thuc-2-1648871867.jpg
Một mâm cúng lễ với bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực. (Ảnh minh họa)

Trang phục đứng đắn, nghiêm túc

Thắp nhang chính là hành động bày tỏ sự thành tâm của gia chủ đến với thần, Phật và những người đã khuất. Do đó, việc ăn mặc nghiêm túc khi thực hiện lễ cúng rất quan trọng. Tuy nhiên, có nhiều người không coi trọng ngày Hàn thực, họ ăn mặc xuề xòa, không nghiêm trang và nghĩ điều này không sao. Nhưng thực chất, điều này cho thấy bạn có thái độ không tôn trọng và "bất kính" với người bề trên hay người đã khuất.

Vì vậy, dù trong bất cứ ngày lễ cúng nào không không riêng gì Tết Hàn thực, bạn cũng phải ăn mặc trang phục nghiêm túc, gọn gàng, để thể hiện sự thành kính với thần linh, người đã khuất.

tet-han-thuc-1-1648871867.jpg
Trang phục đứng đắn, nghiêm túc (Ảnh minh họa)

Bên cạnh những điều nên làm, trong ngày Tết Hàn thực bạn cũng nên chú ý đến một số vấn đề kiêng kỵ sau đây, để lễ cúng diễn ra tốt đẹp nhé. Đó là:

Kiêng kỵ nổi lửa

Đây là điều đầu tiên mà nhiều người sẽ nhớ đến khi nhắc đến các điều cấm kỵ trong ngày Tết Hàn thực. Xuất phát từ sự tích ngày lễ ở Trung Hoa, mọi người sẽ không được đốt lửa nấu thức ăn trong này. Tất cả đồ cúng hay thức ăn đều được nấu từ ngày hôm trước và ăn nguội đúng với bản chất thật sự của ngày này – ăn đồ nguội.

Tuy nhiên, phong tục này đã thay đổi khi du nhập vào Việt Nam. Vào ngày này, người Việt vẫn có thể nấu nướng bằng lửa, dùng bánh trôi, bánh chay để dâng cúng với hàm ý là thức ăn nguội (hàn thực).

Kiêng làm cỗ lớn, linh đình

Việc làm cỗ linh đình với nhiều món ăn không được ủng hộ trong ngày Tết Hàn thực. Ngoài ra, những gia đình cũng không cần chuẩn bị mâm cỗ cúng cầu kỳ, nhiều món, chỉ cần đảm bảo đầy đủ các món cần có, thanh đạm là được nhé.

tet-han-thuc-3-1648871867.jpg
Mâm cỗ cầu kỳ là không cần thiết vì không đúng tinh thần Tết Hàn thực.

Kiêng chuyển nhà

Đây là một trong những điều kiêng kỵ cần tránh trong ngày Tết Hàn thực. Bởi theo quan niệm từ lâu đời, người thân khi qua đời, vong linh của họ sẽ dõi theo người thân còn sống ở chốn nhân gian. Do đó, việc chuyển nhà vào ngày này là không nên, sẽ khiến vong linh người thân đã khuất bị xáo trộn và không mang lại điều may mắn.

tet-han-thuc-5-1648872549.jpg
Chuyển nhà là việc không nên làm trong Tết Hàn thực vì không mang lại điều may mắn.

Bài viết trên đây đã phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về ngày Tết Hàn thực cùng với ý nghĩa linh thiêng của nó trong văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam. Ngày Tết Hàn thực sắp đến, bạn đừng quên cùng gia đình lau dọn bàn thờ và chuẩn bị mâm lễ cúng tươm tất nhất, dâng cúng tổ tiên, để cầu mong bình yên và những điều may mắn đến với bản thân lẫn gia đình nhé.

Bích Liên (T.H)