Người (của) Hà Nội (văn) cho cả nước (Phần 1)

Đinh Thảo
Hiếm, hoặc chưa có vùng đất nào sự sống đậm nét và sinh động đến thế trong văn - thơ - nhạc - hoa như Thăng Long, Hà Nội. Lý do thật dễ hiểu: Đây là đất “ngàn năm văn vật”. Là kinh đô, là thủ đô - bao giờ cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước. Là nơi hội tụ cái vốn người, vốn tài năng và tinh hoa của đất nước để đóng góp cho cả nước.
hn-1703907699.jpg

Nét đẹp giản dị của người Hà Nội (Ảnh: Internet)

Nói như thế để thấy việc đi tìm hình ảnh Hà Nội trong văn - thơ - nhạc - hoạ có vẻ là dễ dàng, nhưng lại khó, rất khó, vì biết bắt đầu từ đâu và nói sao cho đủ!

Tôi đành chọn một khu vực đối với tôi là quen thuộc nhất: Hà Nội trong văn thơ. Nhưng rồi lại phải gác bớt phần thơ, vì chỉ mới thoạt nghĩ đến đã thấy dồn dập tụ về trong trí nhớ biết bao là bài, là câu đi suốt cùng mình trong đường đời:

Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy
Là những dòng sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại
Năm cánh xoè trên năm cửa ô.
(Vũ Hoàng Chương)

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
(Nguyễn Đình Thi)

Mái buồn nghe sấu rụng
(Chính Hữu)

Về đến đây rồi, Hà Nội ơi!
Người đi kháng chiến tám năm trời
Hôm nay về lại đây Hà Nội
Ràn rụa vui lên ướt mắt cười!
(Tố Hữu)

Đành lại giới hạn trong văn. Nhưng dẫu chỉ riêng văn vẫn cứ là một đối tượng quá lớn. Thôi thì hãy bắt đầu từ một vài ý tưởng và hình ảnh quen thuộc nhất. Rồi từ đó, làm một khởi động cho cả một hành trình thật dài về Văn Hà Nội - Người Hà Nội; bắt đầu từ năm 2000 kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.

Giờ đây hẳn chẳng còn mấy ai nghĩ: phải là người gốc Hà Nội mới có thể viết hay và có đóng góp xuất sắc cho văn Hà Nội. Bởi lẽ Hà Nội - Thủ đô hôm nay là sự hội tụ, sự họp mặt, sự chung sức của biết bao người không có quê sinh Hà Nội nhưng lại chọn Hà Nội làm quê ở. Tôi quê gốc Hà Tĩnh, nhưng chỉ ở quê sinh chưa đầy mười tám năm. Còn từ năm 1956 đến nay, hơn bốn mươi năm là không rời Hà Nội. Học hành, thi cử, lấy vợ, sinh con, có nhà trong một chung cư ở Hà Nội. Và, lập nghiệp ở Hà Nội.

Cố nhiên, nếu được là người gốc Hà Nội thì hẳn có nhiều điều kiện để đóng góp tốt hơn cho Hà Nội; những điều mình nói và viết về Hà Nội sẽ có thêm sức nặng. Tôi nghĩ đến Nguyễn Tuân - người làng Mọc, và Tô Hoài với quê ngoại và cũng là quê ở, vùng Bưởi; hai bậc đàn anh, hai vị trưởng lão, hai người thực sự đứng ở hàng đầu hiếm hoi những cây bút của Hà Nội viết về người và cảnh Hà Nội, về quá khứ và hiện tại của Hà Nội. Hai người, hơn nhiều người, đã một lần cho ta thấy, với biết bao là tài hoa, cái riêng, thật là riêng của Hà Nội: lại còn thêm một lần cho ta thấy Hà Nội như là sự thâu thái, sự kết tinh những gì là đẹp tốt, những gì như là sự thăng hoa của phẩm cách Việt Nam. Vang bóng một thời rồi Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân; Tự truyện rồi Cát bụi chân ai của Tô Hoài, đó là những cuốn sách tôi thường đọc đi đọc lại không biết chán giữa bộn bề bao nhiêu cuốn sách.

Thế nhưng có những trang hay về Hà Nội, hơn thế, còn có thể được gọi là người viết đặc sắc về Hà Nội, không phải chỉ có Nguyễn Tuân và Tô Hoài. Có nghĩa là việc có quê sinh Hà Nội mới chỉ là cần mà chưa đủ, hoặc cũng có thể đủ mà không cần. Nói cách khác, lại cũng không thành vấn đề. Từ ý tưởng này tôi nghĩ đến Thạch Lam và Nguyễn Huy Tưởng. Thạch Lam - quê nội ở Quảng Nam, quê ngoại ở Cẩm Giàng - Hải Dương; tuổi thơ và tuổi học trò sống ở phố huyện Cẩm Giàng.

Sớm qua đời vào năm 32 tuổi, nên tuổi lập nghiệp làm báo, viết văn của Thạch Lam ở Hà Nội cũng chỉ trên dưới 10 năm, khi ông là thành viên chính thức của Tự lực văn đoàn và viết những truyện ngắn đầu tay sớm in ngay thành sách, năm 1937, trong Gió đầu mùa. Tập Gió đầu mùa có những truyện ngắn rất hay về Hà Nội như Tối ba mươi, nhưng ấn tượng bàng bạc toát ra trên khắp các truyện Cô hàng xén, Hai lần chết, Dưới bóng hoàng lan... lại là một vùng quê heo hút, không xa mấy ánh sáng thành thị, mà chứa đầy bóng tối. Nhưng rồi bỗng dưng Thạch Lam trở thành cây bút Hà Nội sáng giá mà không ai có thể phân vân hoặc nghi ngờ khi ông cho ra mắt những trang Hà Nội băm sáu phố phường, năm 1942, năm ông qua đời, trong ngôi nhà lá lạnh lẽo bên hồ Tây. Tập ký mỏng, xinh xắn và đẹp như tranh này cho ta thấy biết bao là chăm chút, là trân trọng của Thạch Lam trước cái đẹp được ẩn giấu và lưu giữ nơi những thú vui sinh hoạt và sản phẩm bình thường của Hà Nội “nghìn năm văn vật”.

(Còn nữa)

Phong Lê