Ở tuổi 24, Yuujin Watanabe có một công việc khá kỳ lạ: Tư vấn... nghỉ việc.
Là nhân viên của công ty Momuri (nghĩa là "Đủ rồi" trong tiếng Nhật), Watanabe hỗ trợ những khách hàng muốn rời bỏ công việc nhưng không đủ can đảm đối diện trực tiếp với cấp trên.
Tại Nhật Bản, nghỉ việc không đơn giản chỉ là nộp đơn xin thôi việc. Nhiều người lao động sợ bị cấp trên nổi giận, bị đồng nghiệp tẩy chay, hay vướng phải những chuẩn mực khắt khe nơi công sở, đến mức họ cho rằng... nghỉ việc là điều không thể.
"Khi thông báo ý định nghỉ việc thay cho khách hàng, đôi khi chúng tôi phải đối mặt với những lời lẽ gay gắt từ phía công ty," Watanabe kể. "Có thể xem đó là hành vi lăng mạ bằng lời nói. Một số người bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng, thậm chí rơi vào trạng thái tuyệt vọng."
Khi “nghỉ việc” cũng cần dịch vụ tư vấn
Sự xuất hiện của các công ty hỗ trợ nghỉ việc từ năm 2017 phản ánh một thực trạng đáng báo động trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản: nơi hệ thống phân cấp cứng nhắc trao cho cấp trên quyền lực quá lớn, còn người lao động thì thường xuyên đối mặt với giờ làm việc kéo dài, làm thêm không lương và khó lòng sử dụng hết kỳ nghỉ phép.

Một khảo sát của chính phủ năm 2023 cho thấy, trung bình nhân viên khu vực tư nhân chỉ sử dụng 62% số ngày nghỉ phép được hưởng.
Không chỉ gây tổn hại về thể chất và tinh thần, văn hóa làm việc độc hại còn được cho là góp phần vào cuộc khủng hoảng dân số tại Nhật Bản. Khi người lao động không còn thời gian dành cho gia đình, tỷ lệ sinh giảm là điều khó tránh khỏi.
"Ban đầu, chúng tôi chỉ nhận vài chục yêu cầu mỗi tháng. Giờ đây, con số đã vượt quá 1.800", Shinji Tanimoto – nhà sáng lập Momuri – cho biết.
Tử vong vì làm việc quá sức: Cái giá của sự tận tụy
Sau Thế chiến II, đạo đức nghề nghiệp tại Nhật được xây dựng trên nền tảng “cống hiến tuyệt đối” – khi làm việc chăm chỉ được xem là con đường thành công cho cá nhân và quốc gia. Tư duy "messhi hoko" (hy sinh bản thân vì lợi ích chung) ăn sâu vào cấu trúc doanh nghiệp đến mức nhiều công ty vẫn áp dụng mô hình tuyển dụng trọn đời, đào tạo nhân viên từ đầu và luân chuyển nội bộ thay vì tuyển theo vị trí cụ thể.
“Rời bỏ công ty – nơi đã dìu dắt từ những ngày đầu – bị coi là phản bội,” ông Ryo Nitta, Giám đốc Viện Đổi mới Phong cách Làm việc, nhận định. “Ngược lại, những ai sẵn sàng làm việc tới kiệt sức sẽ được đánh giá cao, có cơ hội thăng tiến và tiếp tục tái tạo mô hình ấy cho thế hệ sau.”
Kotetsu Genda (tên giả), một giám đốc sáng tạo 36 tuổi, là người hiểu rõ văn hóa làm việc khắc nghiệt tại Nhật. Gia nhập lực lượng lao động năm 2014, anh từng chứng kiến đồng nghiệp làm việc tới chuyến tàu cuối. Sếp thậm chí khuyên anh đi... xe đạp để khỏi bị “ép về” vì hết chuyến tàu.
“Trong mùa cao điểm, tôi làm từ 8 giờ sáng tới 2 giờ sáng hôm sau. Tôi mang túi ngủ đến công ty và ở lại cả tuần,” Genda kể. Dù làm thêm liên tục, anh không hề được trả công ngoài giờ.
Những công ty như nơi Genda từng làm việc được gọi là “công ty đen” – thuật ngữ chỉ các doanh nghiệp bóc lột nhân viên, lương thấp và phớt lờ luật lao động.
Thậm chí, Nhật Bản còn có một từ riêng cho “chết vì làm việc quá sức”: karoshi.

Một trong những trường hợp nổi tiếng là nữ nhà báo Miwa Sado của đài NHK. Năm 2013, cô qua đời vì suy tim sau khi làm thêm 159 giờ/tháng. Dù NHK sau đó có cải cách, một phóng viên khác vẫn tử vong vì làm việc quá sức vào năm 2019.
Genda sau này chuyển sang một công ty quảng cáo đề cao cân bằng công việc – cuộc sống. Anh mô tả quá khứ của mình bằng từ lóng “shachiku”: “gia súc của công ty” – hay “nô lệ tiền lương”.
Thay đổi cả hệ thống: Khó khăn nhưng là điều bắt buộc
Theo mô hình “shushin koyou” (làm việc trọn đời), nhiều người Nhật chọn trung thành với một công ty để được thăng tiến theo thâm niên, nhận mức lương ổn định và phúc lợi tốt. Tuy nhiên, mô hình này đang trở nên lỗi thời.
"Sinh viên học rất chăm chỉ. Nhưng sau khi tốt nghiệp, họ gần như không học thêm gì nữa,” Yuji Kobayashi – chuyên gia tại Persol Research and Consulting – nhận xét.
Sợ bị đánh giá, nhiều người tránh lên tiếng dù bị đối xử bất công. Văn hóa “hòa hợp tập thể” càng khiến việc thay đổi trở nên khó khăn.
“Nếu chúng ta thay đổi cách làm việc, chẳng khác nào thừa nhận rằng những gì thế hệ trước làm là sai,” Hiroshi Ono – Giáo sư Trường Kinh doanh ĐH Hitotsubashi – nói.
Hệ quả là sự im lặng kéo dài mang lại cái giá đắt. Báo cáo Gallup năm 2024 cho thấy chỉ 6% người lao động Nhật cảm thấy gắn bó với công việc – một trong những tỷ lệ thấp nhất toàn cầu.
Năng suất lao động trung bình năm 2023 chỉ đạt 56,8 USD/giờ, thấp hơn gần 100 USD so với quốc gia dẫn đầu là Ireland. Gallup ước tính các doanh nghiệp Nhật Bản đã thiệt hại khoảng 86.000 tỷ yen (~15% GDP) do thiếu sự gắn kết trong năm qua.
Ánh sáng cuối đường hầm?
Nhằm cải thiện môi trường làm việc, chính phủ Nhật đã ban hành Luật Cải cách Phong cách Làm việc từ năm 2019, áp trần giờ làm thêm ở mức 45 giờ/tháng (trừ một số trường hợp). Các sáng kiến khác bao gồm: thu hẹp khoảng cách thu nhập, khuyến khích làm việc linh hoạt.
Kết quả bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực:
Tỷ lệ cán bộ chính quyền làm việc trên 60 giờ/tuần giảm từ 6,9% xuống còn 5%.
Số giờ làm thêm trung bình hàng tháng giảm từ 26,8 xuống 22,8 giờ vào năm 2023.
Thế hệ trẻ cũng đang thúc đẩy sự thay đổi. Khảo sát năm 2024 ghi nhận 26,4% nhân viên mới sẵn sàng đổi việc nếu có cơ hội; 7,6% dự định khởi nghiệp; ngày càng ít người muốn gắn bó trọn đời với một công ty.
“Trong thời gian dài, các công ty Nhật cực kỳ cứng nhắc,” ông Ono nhận định. “Nhưng bây giờ là lúc tổ chức cần thích nghi với con người – không phải ngược lại.”