Ngành y tế kế thừa và phát triển kết hợp Đông y với Tây y theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đinh Thảo
Đông - Tây y kết hợp đã trở thành định hướng phát triển của các cơ sở đào tạo y học tại nước ta trong nhiều thập kỷ qua. Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), Giáo sư Trương Việt Bình, Nguyên Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam chia sẻ với Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt về hướng phát triển này.
anh-giao-su-truong-viet-binh-1708934466.jpg
Giáo sư Trương Việt Bình

PV: Thưa ông! Mục đích lớn nhất của cả Đông y và Tây y đều là chăm sóc sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật cho con người. Tuy nhiên, ông có thể phân tích sự khác biệt căn bản của 2 nền y học này?

GS Trương Việt Bình: Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế vào tháng 2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: ''Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc Nam, thuốc Bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc '”Đông” và thuốc “Tây””. Tư tưởng, quan điểm của Người về kết hợp Đông y với Tây y thể hiện rõ nét nhất trong bài phát biểu ngày 16/01/1961, nhân dịp đến thǎm Bệnh viện Đông y, nay là Viện Y học cổ truyền. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Thuốc Tây chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được. Thuốc ta chữa được nhiều bệnh nhưng cũng có bệnh chưa chữa được mà Tây y lại chữa được.

Mỗi nền y học có phương pháp tư duy riêng. Phương pháp tư duy của y học hiện đại là “kinh viện”, là khoa học, là cụ thể, “nhìn thấy được”, “sờ thấy được”. Còn y học cổ truyền là trừu tượng, “không nhìn thấy được”, kết hợp rất nhiều yếu tố khác nhau để tổng hợp, để chứng minh tác dụng, bao quát tất cả dấu vết, hiện tượng để quy kết đến bản chất cuối cùng của nó. Y học hiện đại rất chuyên sâu nhưng mang tính chất chữa bệnh, chữa triệu chứng bệnh là chính. Y học hiện đại có thuốc kháng sinh, diệt được vi khuẩn nhưng lại có một số tác dụng không mong muốn đến chức năng gan, thận... Còn y học cổ truyền chữa người bệnh là chính, mục đích là đặt các bộ phận trong cơ thể con người với nhau một cách tổng hòa, tạo nên thể lực, trí lực khỏe mạnh. Cho nên kết hợp 2 nền y học với nhau sẽ tạo nên những phương pháp chữa bệnh toàn diện, bổ trợ cho nhau.

PV: Như ông vừa chia sẻ, trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế vào tháng 2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc "Đông” và thuốc “Tây”. Theo ông, sự kết hợp này có ý nghĩa như thế nào trong quá trình phát triển nền y học nước nhà?

GS Trương Việt Bình: Có thể nói về chiến lược phát triển y tế của lãnh tụ Hồ Chí Minh là không phân biệt cán bộ, bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ tây y mà chỉ có nền y học Việt Nam và thầy thuốc Việt Nam. Quan niệm của Bác là khoa học dân tộc và đại chúng, là kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, kết hợp đông y và tây y, kết hợp thuốc Bắc và thuốc Nam. Đó là quan điểm hết sức biện chứng và chiến lược. Bởi vì một người thầy thuốc không thể không biết y học hiện đại được. Thầy thuốc muốn chữa bệnh tốt cũng không thể bỏ qua những kinh nghiệm chữa bệnh bằng y học cổ truyền đã được đúc kết hàng nghìn năm.

Từ tư tưởng đó, ngành y tế đã chủ trương phát triển cả hai nền y học, tạo nên bản sắc của nền y học Việt Nam. Hiện nay, đất nước ta đã bước vào thời kỳ mới - đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Con người vừa là động lực vừa là mục tiêu, là nhân vật trung tâm của sự nghiệp vĩ đại đó. Cùng với những yêu cầu quan trọng khác, sức khoẻ là một yêu cầu không thể thiếu đối với nhân vật trung tâm của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ý nghĩa lớn nhất của sự kết hợp Đông – Tây y là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho con người. Tùy vào tình trạng, đặc điểm sức khỏe của mỗi người bệnh mà thầy thuốc – bác sĩ có thể lựa chọn, sử dụng nền y học, phương pháp y học tốt nhất cho bệnh nhân, thậm chí có những bệnh nên và cần chữa bằng cả Tây y và Đông y. Đó là ý nghĩa lớn lao mà ngành y tế đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện.

Nền y học Việt Nam là một nền y học có đầy đủ bản sắc dân tộc mà không nước nào có được. Chúng ta có thể tiếp thu Tây y của Mỹ, Pháp và các nước phát triển khác trên thế giới. Nhưng nhiều nước không có nền y học dân tộc như chúng ta để học tập. Chúng ta phải tự bảo tồn và phát triển nó bằng cách nghiên cứu chuyên sâu về những điều mà bậc tiền bối chưa nghiên cứu được và biến nó thành một sức mạnh tổng hợp của y học cổ truyền với y học hiện đại tại Việt Nam.

anh-giao-su-truong-viet-binh-kham-benh-tai-phong-kham-rieng-1708934466.jpg
Giáo sư Trương Việt Bình khám bệnh tại phòng khám riêng

PV: Thưa ông! Đó là lý do mà các trường, cơ sở, trong đó có Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đào tạo sinh viên, học viên theo hướng Đông - Tây y kết hợp?

GS Trương Việt Bình: Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam và nhiều trường vẫn không quên tiếp thu những tinh hoa của y học hiện đại và y học cổ truyền. Ngay năm học đầu tiên sinh viên đã được học các lý luận, lý thuyết, khái niệm cơ bản… của y học cổ truyền để có tư duy của một thầy thuốc. Ngoài ra, sinh viên, bác sĩ y học cổ truyền được học cả y học hiện đại. Nhưng quỹ thời gian rất ngắn thì phải đào tạo như thế nào? Chắt lọc những gì, bỏ qua những nội dùng nào? Đi sâu vào nội dung gì của y học hiện đại? Y học gồm vô vàn kiến thức nên các em sinh viên của các đơn vị đào tạo về y học cổ truyền sẽ có một chương trình đào tạo y học hiện đại mang tính cốt lõi, đó là những điều cần thiết để trở thành một thầy thuốc toàn diện.

Cụ thể, các em sinh viên Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam không học nhiều phẫu thuật thực hành nhưng tất cả kiến thức của Tây y về nội khoa, khoa mắt, răng – hàm - mặt, thần kinh, da liễu... đều phải học rất vững để bổ sung với kiến thức của y học cổ truyền. Chính vì vậy, có thể nói thầy thuốc y học cổ truyền là thầy thuốc đa khoa, điều trị rất tốt y học cổ truyền và y học hiện đại. Đến bây giờ, Học viện vẫn giữ được định hướng đó trong đào tạo thầy thuốc y học cổ truyền.

anh-giao-su-truong-viet-binh-thuong-xuyen-tham-gia-cac-hoi-nghi-hoi-thao-ve-y-hoc-1708934466.jpg
Giáo sư Trương Việt Bình thường xuyên tham gia các hội nghị, hội thảo về y học

PV: Trong Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam có Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Thưa ông! Ngoài học lý thuyết trên giảng đường, tại bệnh viện, các em được thực hành khám chữa bệnh theo định hướng Đông - Tây y kết hợp như thế nào?

GS Trương Việt Bình: Tất cả hệ thống đào tạo ngành y đều học đi đôi với hành. Sinh viên năm thứ nhất học ở trường thì năm thứ 2 bắt đầu đi học, thực hành tại các bệnh viện. Đến năm thứ 6, bắt buộc các em phải học lý thuyết ở trường 1 buổi và thực hành ở bệnh viện 1 buổi. Nếu học một bài thực hành về Tây y trong vòng 2 giờ thì học y học cổ truyền phải trong 6 giờ.

Trong đào tạo về bác sĩ y học cổ truyền, Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị thực hành chuẩn về kỹ thuật, chất lượng, thầy thuốc và chuẩn về các phương pháp tiếp cận. Ngoài ra, sinh viên ở đây còn thực tập trên 28 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh trong khu vực Hà Nội. Khi đi thực tế tốt nghiệp, sinh viên, học viên đi khoảng 30 tỉnh/thành phố khác có bệnh viện, chuyên khoa y học cổ truyền để học tập, thực hành. Khi còn làm Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam, bao giờ tôi cũng gặp sinh viên đầu khóa và khuyên các em rằng: Học ngành y rất vất vả so với học các ngành khác, kiến thức y học rất là sâu và rộng nhưng "Khổ luyện thành tài, miệt mài thành giỏi"./.

PV: Xin cảm ơn GS Trương Việt Bình với những chia sẻ vừa rồi!

Mạnh Sáu