Ngành thương mại điện tử: Tăng tốc đào tạo nhân lực số

Trong bối cảnh sau đại dịch COVID – 19, ngành thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ. Điều này dẫn đến nhu cầu lớn về đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng sức tiêu dùng của xã hội khi chuyển đổi nhanh chóng từ tiêu dùng truyền thống sang tiêu dùng trực tuyến.
nhan-luc-2-1710408354.jpg
Sinh viên ngành thương mại điện tử Trường Đại học Đại Nam đi thực tế tại công ty DB Schenker (Ảnh: Trường Đại học Đại Nam cung cấp)

Triển vọng cơ hội việc làm

Với sự phát triển của công nghệ 4.0, người mua chỉ cần lướt và nhấp chuột để chọn những mặt hàng ưng ý theo nhu cầu và sở thích trên các sàn thương mại điện tử, website bán hàng trực tuyến,... Chính vì những tính năng tiện dụng và nhanh chóng, nên việc mua sắm trực tuyến đang được nhiều người lựa chọn để tích kiệm thời gian thay vì ra trực tiếp cửa hàng. 

Tính tới năm 2022, Việt Nam có khoảng 60% dân số tham gia mua sắm tương đương 57 - 60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng giá trị hàng hóa và tiêu dùng thương mại điện tử tại Việt Nam dự kiến đạt 21,3 tỷ USD năm 2023 và 57 tỷ USD năm 2025. Cùng với đó, Cổng Thông tin Thương mại Điện tử ghi nhận hàng trăm sàn giao dịch thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki sau hai kỳ cung cấp thông tin vào quý 4/2022 và quý 1/2023.

Tốc độ phát triển chóng mặt của ngành thương mại điện tử đã mở ra những tiềm năng và cơ hội mới cho thị trường lao động Việt Nam. Theo ghi nhận của phóng viên, những vị trí  công việc liên quan tới ngành này đang được nhiều nhà tuyển dụng sắn đón như vận hành hành sàn thương mại điện tử, quản trị website bán hàng, chăm sóc khách hàng trực tuyến, livestream bán hàng,... Những vị trí này đều có mức lương khởi điểm giao động khá cao từ 7.000.000 – 10.000.000 đồng. 

Hiện nay, vị trí vận sàn thương mại điện tử đang là một trong những công việc được nhiều sinh viên mới ra trường như Phạm Trà My (22 tuổi, Tây Hồ) lựa chọn: “Mình đang làm nhân viên vận hành sàn thương mại cho một công ty thiết bị nội thất. Mình lựa chọn công việc này vì cũng gần với chuyên ngành marketing mình học, và cũng dễ xin việc hơn tại ngành này đang tuyển nhiều vị trí. Mức thu nhập của ngành này tuy ổn định hơn mặt bằng chung, nhưng mỗi khi đến những ngày giảm giá mình cảm thấy bị áp lực vì chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý số lượng đơn hàng lớn”.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều bạn trẻ lựa chọn việc tự mình khởi nghiệp bằng cách kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Chia sẻ với phóng viên, bạn Nguyễn Ngọc Quyên (23 tuổi, Thanh Xuân) bộc bạch đã gắn bó 4 năm với việc kinh doanh nến thơm trên sàn thương mại điện tử Shopee: “Hằng ngày, công việc chủ yếu của mình là tư vấn, đóng gói sản phẩm đến khách hàng. Cửa hàng của mình chủ yếu bán online nhưng rất may mắn là khách hàng đánh giá rất tốt về các sản phẩm của của mình. Với mình, khó khăn lớn nhất khi bán hàng online qua sàn thương mại điện tử là tình trạng bể hàng.”

Thương mại điện tử đang trở ngày càng phổ biến với mọi người, nhưng vẫn chưa có nhiều cơ sở đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Dù có một khoảng thời gian làm việc lâu trong ngành, nhiều bạn trẻ giống như Quyên vẫn phải tự bản thân học hỏi người đi trước và tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân để xây dựng gian hàng và vận hành việc kinh doanh online. 

Chú trọng nâng cao nguồn nhân lực

nlntv-z5248634790524-9d973f105cdd8843faad8d250e447e84-1710493884.jpg
Việc được tiếp xúc sớm với doanh nghiệp giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm khi ra trường (Ảnh: Trường Đại học Đại Nam cung cấp)

Xu thế tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam và toàn cầu ngày càng nhanh chóng sau đại dịch COVID – 19.  Việc đẩy mạnh phát triển và đào tạo nguồn nhân lực trẻ năng động đang là vấn đề cấp thiết để đáp ứng những bước chuyển mình hội nhập kinh tế số hóa tại Việt Nam. Trường Đại học Đại Nam là một trong những cơ cở đào tạo tiên phong về thương mại điện tử tại Việt Nam nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trương Đức Thao - Trưởng khoa Thương mại điện tử và Kinh tế số, Trường Đại học Đại Nam nhấn mạnh vai trò của quan trọng trong việc đào tạo nhân lực trong xu thế hiện đại: “Việc đào tạo thực hành của chúng tôi là thực hành thật, làm thật, kinh doanh thật. Các sinh viên sẽ được thầy cô và chuyên gia doanh nghiệp hướng dẫn mở shop, thực hành bán hàng qua livetream, thực hành bán hàng trên các sàn, các ứng dụng thương mại điện tử khác và hưởng hoa hồng doanh số. Chúng tôi đã ký kết và hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử để cùng nhà trường đào tạo sinh viên.”

Việc đào tạo nhân lực ngành thương mại điện tử cũng cần dịch chuyển mạnh theo hướng thực hành, thực tập, thực tế. Sinh viên cần được trải nghiệm thực tế nhiều hơn, thực hành ngay trên ghế nhà trường. Điều quan trọng là phải “làm thật”. Là sinh viên năm 3 đang theo học chuyên ngành thương mại điện tử tại Đại học Đại Nam, bạn Phạm Quyền Khang (20 tuổi, Hà Đông) đã có kinh nghiệm “thực chiến” sau mỗi kỳ học được làm việc cùng doanh nghiệp: “Việc đã có kinh nghiệm thực tế từ thực tập tại doanh nghiệp hàng đầu trong ngành đã giúp em phát triển kỹ năng cần thiết và có cái nhìn rõ ràng về những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực này. Với chương trình thực tập trải nghiệm ngay từ năm 2 đại học đã giúp em tiến nhanh hơn.”

Đối với sinh viên mới ra trường, PGS.TS Trương Đức Thao đã nhận định: “Bước chân vào thị trường lao động giống như một cú nhảy, các sinh viên cần tiếp đất một cách nhẹ nhàng thay vì cú sốc đầu đời. Muốn vậy, ngay từ khi đi học, các bạn cần tiếp xúc nhiều hơn với thực hành, thực tập, thực tế”. Mức độ gia tăng của thực hành, thực tập, thực tế nó giống như việc tập luyện nhiều “cú nhảy” trước khi nhảy thật. Điều này sẽ giúp sinh viên tự tin hơn khi tham gia vào thị trường lao động cực kỳ năng động của ngành thương mại điện tử. 

Thương mại điện tử và kinh tế số là xu hướng tất yếu trong kinh tế toàn cầu hiện nay.  Đây là cơ hội lớn cho nhân lực ngành thương mại điện tử, nhưng cơ hội chỉ đến với những ai chuẩn bị sẵn hành trang đáp ứng các đòi hỏi của nó. Nhân lực nào chủ động về kiến thức, kỹ năng, năng lực để làm chủ được môi trường kinh doanh số sẽ thắng, ngược lại sẽ bị thay thế bởi máy móc, AI. Xu hướng luôn cập nhật và đổi mới của ngành thương mại điện tử và kinh tế số cũng đang đòi hỏi sự nhạy bén của nguồn nhân lực và doanh nghiệp. 

Quỳnh Anh