Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng

Nhiều chuyên gia trong ngành đưa ra dự báo, nhu cầu nhân lực của ngành Xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400 - 500 nghìn lao động mỗi năm. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì số lượng lao động làm việc trong ngành Xây dựng vào năm 2030 có thể đạt khoảng 8 triệu người. Không chỉ gia tăng về số lượng, mục tiêu của Ngành là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
3620240202132951-1707466798.jpg
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trao Bằng khen cho tập thể Học viện AMC có thành tích xuất sắc.

Mục tiêu phát triển nhân lực ngành Xây dựng

Có thể nói, giai đoạn 2022 - 2030 là giai đoạn phát triển mới mang tính bứt phá của Việt Nam, nhu cầu nhân lực của ngành Xây dựng trong thời gian tới sẽ rất lớn. Việc xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng là hết sức cần thiết, đáp ứng kịp thời sự phát triển của Ngành và đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước.

Bộ Xây dựng đã giao cho Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị nghiên cứu soạn thảo Chiến lược. Ngày 30/12/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1413/QĐ-BXD về việc ban hành “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 - 2030”.

Quan điểm và mục tiêu phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 - 2030: Phát triển nhân lực ngành Xây dựng theo quan điểm “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” và định hướng “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Phát triển nhân lực ngành Xây dựng đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu và phân bổ hợp lý theo lĩnh vực, vùng miền đảm bảo chủ trương phân quyền, phân cấp. Phát triển nhân lực ngành Xây dựng gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu chung phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 - 2030 là đưa nguồn nhân lực ngành Xây dựng trở thành lợi thế quan trọng để phát triển bền vững đất nước nói chung và phát triển ngành Xây dựng nói riêng; nâng cao trình độ nhân lực Ngành có tính cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế, đồng thời phù hợp chính sách phát triển của ngành Xây dựng và mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3720240202135710-1707466798.jpg
Hội nghị Kết nối công nghệ phát triển đô thị và hạ tầng thông minh tại Việt Nam năm 2023 thuộc Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (VKC) do Học viện AMC phối hợp thực hiện.

Học viện AMC thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Ngành

Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng có chức năng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị những năm qua luôn là địa chỉ hàng đầu của các địa phương, DN trên cả nước. Năm 2023 là một năm nhiều biến động, trong bối cảnh cả nước đối mặt với những khó khăn và thách thức đan xen, hoạt động đào tạo bồi dưỡng của ngành Xây dựng cũng bị ảnh hưởng theo. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, đưa ra những chính sách, giải pháp giúp Học viện thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ đã đặt ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cùng sự đồng thuận, ủng hộ, nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động, trong năm 2023, Học viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Học viện đã tổ chức đào tạo bồi dưỡng được 247 lớp, với 18.341 học viên. So với kế hoạch đăng ký với Bộ năm 2023 vượt 19% (247/208 lớp) về số lớp, vượt 91% về số học viên (18.341/9.600).

Công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống luôn được Học viện quan tâm và chú trọng hàng đầu. Năm qua, Học viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ này với 2.016 học viên, vượt 25% so với kế hoạch Bộ giao.

Năm 2023 là năm ngành Xây dựng có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và triển khai thực hiện, do vậy, Học viện đã chủ động phối hợp với các Cục, Vụ, Viện chức năng của Bộ Xây dựng để tổ chức tập huấn văn bản quy phạm pháp luật trên phạm vi cả nước, triển khai được 55 lớp với 5.429 học viên.

Đổi mới chương trình tài liệu là công tác được Học viện tiến hành thường xuyên, liên tục. Trong năm 2023, Học viện đã xây dựng được 15 chương trình mới và chỉnh sửa bổ sung một số chương trình hiện có phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của địa phương và đối tác. Hình thức đào tạo đa dạng, kết hợp cả đào tạo trong nước và nước ngoài là hướng đi mới và phát triển lâu dài của Học viện.

Đặc biệt, trong năm 2023, Học viện đã phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện 2 dự án nước ngoài và một số dự án tư vấn trong nước. Điển hình là Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (VKC) do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và Dự án: “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực phát triển đô thị ở Việt Nam” (SECO) do Thụy Sĩ tài trợ thông qua UN-HABITAT. Hai dự án đã hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.

Thời gian tới, để triển khai thực hiện chiến lược phát triển nhân lực ngành Xây dựng đạt mục tiêu đề ra, đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo bồi dưỡng của Ngành có nhiệm vụ và trách nhiệm xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 - 2030. Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành một số chính sách để kịp thời thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực ngành Xây dựng, cụ thể như: Sớm ban hành các chính sách cụ thể về vị trí việc làm gắn với tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2023 - 2030 và các năm tiếp theo” theo tinh thần Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW tại nhiệm vụ số 20. Giai đoạn 2021 - 2020 thực hiện Đề án này (Đề án 1961) Học viện đã bồi dưỡng được hơn 32.000 lượt người trên 63 các tỉnh thành. Kết quả đào tạo bồi dưỡng theo Đề án đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên phạm vi cả nước. Ban hành các chính sách ưu đãi phù hợp cho đội ngũ cán bộ viên chức thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo bồi dưỡng; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng.

Bước sang năm 2024, Học viện triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ và phát triển Học viện thích ứng với yêu cầu phát triển mới, trong đó nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức ngành Xây dựng được đặt lên hàng đầu. Bám sát chủ trương chính sách của Nhà nước, Bộ Xây dựng về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ; tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật mới; phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng để triển khai các chương trình đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức viên chức ngay từ đầu năm 2024. Đặc biệt, trong thời đại CMCN 4.0, với sự phát triển công nghệ nhanh chóng, nhu cầu về lao động có trình độ và kỹ năng cao là một yêu cầu tất yếu. Đây cũng là nội dung về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Xây dựng đáp ứng với thời kỳ mới, hướng đến phát triển bền vững các đô thị Việt Nam.