Phát triển nhân lực ngành Xây dựng: Đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0

Một trong những nhiệm vụ quan trọng công tác đào tạo nhân lực ngành Xây dựng trong thời gian tới là xây dựng trường nghề hoặc trường đại học, cao đẳng có trung tâm dạy nghề đạt chuẩn quốc tế, từ đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là với những chuyên ngành, nghề tiên tiến, công nghệ cao.
xd-1-1704266688.jpg
Các trường cần tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Xây dựng

Phấn đấu 75% nhân lực ngành qua đào tạo vào năm 2025

Báo cáo đánh giá thực trạng chất lượng nhân lực ngành Xây dựng của Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, cả nước đang có hơn 7 triệu người lao động làm việc trong ngành. Trong bối cảnh nhu cầu xây dựng ở nước ta ngày càng tăng cao, số lượng lao động của ngành Xây dựng sẽ còn tăng cao hơn nữa. Các chuyên gia dự báo mỗi năm ngành Xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400.000 - 500.000 lao động. Số lượng lao động làm việc trong ngành Xây dựng vào năm 2030 có thể đạt 12 - 13 triệu người.

Tuy nhiên, số lượng lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ 11,8%. Số thợ bậc cao (bậc 6, 7) chiếm khoảng 7% nhân lực Ngành. Đáng nói hơn nữa là cơ cấu bình quân giữa kỹ sư - trung cấp chuyên nghiệp - công nhân học nghề ở nước ta hiện nay lần lượt tương ứng với tỷ lệ 1 - 1,3 - 0,5, trong khi các nước trên thế giới bình quân là 1 - 4 - 10. Tỷ lệ này đã phản ánh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” tại Việt Nam.

Như vậy, nhân lực ngành Xây dựng nước ta đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây là thách thức lớn khiến năng suất lao động của nước ta còn thấp so với một số nước trong khu vực. Thực tiễn này đòi hỏi ngành Xây dựng Việt Nam cần phát triển toàn diện về đào tạo, nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng nhân lực, hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng; gắn đào tạo với giải quyết việc làm; xây dựng một số cơ sở đào tạo đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành Xây dựng trong nước và cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường xây dựng quốc tế.

xd-2-1704266688.jpg
Nhu cầu nhân lực của ngành Xây dựng ngày càng tăng cao

Mặt khác, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2022 - 2030 đã xác định mục tiêu đưa nguồn nhân lực ngành Xây dựng trở thành lợi thế quan trọng để phát triển bền vững đất nước nói chung và phát triển ngành Xây dựng nói riêng. Để làm được như vậy, nhân lực ngành Xây dựng cần nâng cao trình độ, có tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế, đồng thời phù hợp chính sách phát triển của ngành Xây dựng và mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, đến năm 2025, ngành Xây dựng phấn đấu đạt 75% nhân lực Ngành đã qua đào tạo; 30% tổng số người lao động trực tiếp được đào tạo từ trung cấp trở lên; 45% được đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên; khoảng 85% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và 95% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng nâng cao trình độ hàng năm.

Đến năm 2030, phấn đấu 80% nhân lực của Ngành đã qua đào tạo; 32% số người lao động trực tiếp được đào tạo từ trung cấp trở lên; 48% được đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên; khoảng 90% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và 100% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng nâng cao trình độ hàng năm.

Đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế

Ngành Xây dựng Việt Nam rất cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề xây dựng vì thực trạng nhân lực Ngành hiện nay đang là “thừa thầy, thiếu thợ”. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ LĐTB&XH và các địa phương quy hoạch xây dựng mạng lưới các trường nghề, mở rộng quy mô đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực được đào tạo nghề của ngành Xây dựng.

Trong đó, Bộ xác định sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề chất lượng cao, nghề chuyên biệt, đặc thù (như lắp máy, hàn ống áp lực, thủy công, công trình ngầm, công trình công nghiệp, thi công cơ giới đặc thù...) và công nghệ xây dựng mới (như công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân) nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và của toàn Ngành. Để làm được như vậy, rất cần xây dựng và chuẩn hóa chương trình, đào tạo, tài liệu bồi dưỡng nâng cao tay nghề, thợ bậc cao đạt chất lượng quốc gia, khu vực và quốc tế, thống nhất trong toàn bộ hệ thống các trường nghề.

Việc xây dựng các trường nghề đạt chuẩn quốc tế hoặc các trường đại học, cao đẳng có các trung tâm dạy nghề đạt chuẩn quốc tế là hết sức cần thiết. Các trường cần phải liên kết với các trường nghề trên thế giới, thu hút chuyên gia giỏi, đặc biệt là đối với hệ thống trường nghề tại địa phương. Việc đào tạo, trao đổi giáo viên, giảng viên với trường đạt chuẩn quốc tế sẽ giúp đội ngũ giảng viên, giáo viên tại các trường nghề nâng cao kiến thức, qua đó truyền đạt kiến thức cho học viên giúp họ nâng cao tay nghề và tính kỷ luật lao động. Mặt khác, việc mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút và sử dụng có hiệu quả tiềm năng của nước ngoài sẽ giúp các đơn vị trong nước đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là với những chuyên ngành, nghề tiên tiến, mũi nhọn, công nghệ cao.

xd-3-1704266688.jpg
Ngành Xây dựng cần phát triển toàn diện về đào tạo, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng nguồn nhân lực

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã có kế hoạch quy hoạch, đầu tư nâng cấp và mở rộng quy mô đào tạo các trường đại học thuộc Bộ; xây dựng thành các trung tâm đào tạo đại học, sau đại học đạt trình độ tiên tiến khu vực và thế giới; thành lập thêm một số trường đại học công nghệ xây dựng, phân hiệu đại học tại các vùng trong cả nước, đáp ứng nhu cầu đào tạo đại học phù hợp với các đối tượng vùng, miền, địa phương.

Nội dung đào tạo đang được đổi mới mạnh mẽ, dần dần hướng tới đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời mở thêm ngành học theo các lĩnh vực, ngành nghề thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng cả về công nghệ, kinh tế và quản lý, nhất là các lĩnh vực mới như quản lý và phát triển đô thị, bất động sản...

Muốn có trò giỏi thì không thể thiếu thầy hay, nhiệm vụ xây dựng, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên trong các cơ sở đào tạo cũng rất quan trọng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, số giảng viên đại học ngành Xây dựng có trình độ thạc sĩ khoảng 60% và khoảng 40% có trình độ tiến sĩ và tiến sĩ khoa học.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng rất quan tâm đến việc nâng cấp, đầu tư năng lực cơ sở vật chất tại các trường nghề, sửa chữa và xây dựng thêm nhà xưởng thực hành phù hợp, đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục, phát triển đào tạo công nghệ thông tin, BIM, nhà và đô thị thông minh. Các trường cần phải xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn phù hợp với xu hướng thực tế của xã hội trong thời kỳ hội nhập, mở rộng hình thức liên kết đào tạo với doanh nghiệp mạnh, đào tạo theo nhu cầu xã hội, xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng.