Nhiều ngành học mới được ra đời theo xu hướng tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố đề án tuyển sinh năm 2023 với nhiều ngành đào tạo mới, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng thị trường lao động và công cuộc chuyển đổi số. Các thí sinh sẽ có thêm nhiều lựa chọn và tìm ra hướng đi tốt nhất trong tương lai.
cong-nghe-so-1675240058.jpg
Các trường ĐH đào tạo ngành nghề mới theo hướng công nghiệp 4.0 (Ảnh: TTXVN)

Thêm nhiều ngành mới lạ được mở

Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm 2023 sẽ tiếp tục tối ưu hóa với 51 chương trình đào tạo hệ đại học chính quy theo hướng đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, có tính xu thế và tiếp cận quốc tế trong lĩnh vực Kinh doanh, Kinh tế, Luật, Quản lý nhà nước, Công nghệ, Thiết kế.

Đặc biệt năm nay, trường ĐH Kinh tế TPHCM có 5 chương trình hoàn toàn mới gắn liền với kỷ nguyên số, gồm: Công nghệ tài chính (Fintech), Marketing công nghệ (Martech), Kinh doanh số (Digital business), Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI), Kỹ sư Công nghệ Logistic (Logtech). Đáng chú ý, trong năm 2023, trường sẽ cho ra mắt chương trình song ngành, song bằng tích hợp mới là Kinh tế chính trị - Luật và Quản trị địa phương.

Trong khi đó, trường ĐH Công nghệ TPHCM dự kiến xét tuyển 9.900 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy cho 59 ngành đào tạo theo 4 phương thức xét tuyển độc lập. Năm 2023, nhà trường mở thêm 4 ngành học mới, gồm: Công nghệ ô tô điện, Bất động sản, Luật thương mại quốc tế, Quản lý thể dục thể thao với 50 chỉ tiêu mỗi ngành.

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng đã đồng ý chủ trương mở nhiều ngành mới bậc đại học ở các trường thành viên. Chẳng hạn như tại trường ĐH Công nghệ thông tin mở ngành học Trí tuệ nhân tạo; trường ĐH Khoa học tự nhiên có thêm ngành học mới là Quản lý tài nguyên và môi trường, thí điểm mở ngành Công nghệ vật lý điện tử và tin học; ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ngành Thú y tại trường ĐH An Giang; giao nhiệm vụ cho Khoa Y triển khai đào tạo ngành Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng.

Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dự kiến mở 9 ngành đào tạo bậc đại học và sau đại học. Cụ thể, có 5 ngành đào tạo bậc đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Luật, Thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, bậc thạc sĩ có ngành Ngôn ngữ Anh. 3 ngành dự kiến mở bậc đào tạo tiến sĩ gồm: Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật hóa học và Công nghệ sinh học.

Trường Đại học Thuỷ lợi dự định tuyển sinh 39 ngành và chương trình, trong đó 2 ngành mới là Ngôn ngữ Hàn, Trung. TS Trần Khắc Thạc - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thuỷ lợi cho biết, trong 3-5 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đến trường để liên kết hợp tác, đào tạo thực tập sinh. Nhà trường đã nghiên cứu và thấy trong những năm tới, nhu cầu giao lưu văn hóa, hợp tác ngày càng cao, nên quyết định đầu tư mở ngành, nhằm trang bị cho sinh viên thêm kỹ năng hữu ích để hội nhập.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học. 

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tuyển sinh ngành mới thành lập là Y dược cổ truyền, trước mắt là đào tạo bác sĩ y dược cổ truyền.

Hiện các ngành nghề đang có xu hướng thay đổi của công nghiệp 4.0 và gắn liền với kỷ nguyên số nên sự tương tác về ngành nghề đang rất rộng lớn, sự tích hợp nghề đan xen và mở rộng ra. Thị trường lao động đang vận hành với rất nhiều ngành nghề. Theo đó, hệ thống đào tạo cũng đang hoàn chỉnh các ngành nghề mới theo hướng công nghệ số.

tuyen-sinh-1675240058.jpg
Các thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn với nhiều ngành nghề mới (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Để thí sinh có thể chọn được ngành nghề phù hợp

Trên thực tế, các cơ sở giáo dục đại học mở thêm ngành học mới để phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và công cuộc chuyển đổi số. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội học tập cho thí sinh. 

Tuy nhiên, nhiều thí sinh đang rơi vào trạng thái hoang mang, phân vân và lo lắng do chưa đủ khả năng nắm bắt cơ hội để lựa chọn ngành học phù hợp.

Theo ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, trong xu thế hội nhập quốc tế thị trường lao động tự do di chuyển, cùng với đó, tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhận thức về ngành nghề của giới trẻ phải có sự thay đổi lớn mới có thể phát triển trong tương lai.
Ông cho rằng, để chọn được ngành nghề phù hợp, các em phải dựa vào năng lực chính mình. Năng lực đó sẽ được kiểm nghiệm bằng các công cụ trắc nghiệm khoa học; cần bình tĩnh tự đánh giá bản thân để tìm ra được một nhóm ngành nghề phù hợp nhất.

Dành lời khuyên cho thí sinh, TS Trần Khắc Thạc - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá xu hướng phát triển kinh tế - xã hội trong 4-5 năm tới.

Theo ông, trong những năm tới, xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các lĩnh vực rất lớn. Nhiều ngành nghề phải kết hợp với công nghệ để tồn tại và phát triển.

Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế lớn của xã hội hiện đại. Hầu hết các ngành nghề đều cần sự hợp tác quốc tế để có sự phát triển bền vững.

Từ những phân tích điển hình trên, thí sinh có thể lập danh sách các ngành học liên quan, tìm hiểu và đưa ra quyết định cho tương lai.

Đặc biệt, bên cạnh việc xác định năng lực để chọn ngành chọn nghề phù hợp, thí sinh cần khai phóng chính bản thân mình. Nếu chỉ nằm trong vùng an toàn thì không thể tìm ra những điểm mạnh và giới hạn của bản thân. Phải bứt phá, vượt qua khả năng của chính mình mới có thể tồn tại và phát triển trong tương lai. 

Phương Thảo - TH