Nam sinh ngành Luật Thương mại Quốc tế Đại học Ngoại thương chia sẻ bí quyết trở thành thủ khoa

Với điểm GPA ấn tượng 3.88/4, Trần Đại Dương – Cựu sinh viên Đại học Ngoại thương đã xuất sắc là thủ khoa K59 ngành Luật Thương mại Quốc tế.
nam-sinh-luat-thuong-mai-quoc-te-chia-se-bi-quyet-thanh-thu-khoa-1-1724819264.jpg
Trần Đại Dương tốt nghiệp Thủ khoa ngành Luật Thương mại Quốc tế với GPA ấn tượng 3.88/4

Sinh ra trên mảnh đất hiếu học Ý Yên (Nam Định), ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường Đại học, Trần Đại Dương đã có ý chí nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức để hoàn thành các chương trình đạo tạo của nhà trường một cách tốt nhất. 4 năm học tại Trường Đại học Ngoại thương, Dương đã có nhiều thành tích xuất sắc, cống hiến sức trẻ cho các phong trào của lớp, của khoa và nhà trường.

Dương tâm sự về những áp lực khi bước chân vào giảng đường: “Khi bước chân vào Trường Đại học Ngoại thương, em đã ý thức được rằng em đang bước vào một môi trường học tập đầy thử thách và cạnh tranh.

Trường Đại học Ngoại thương luôn nổi tiếng với những tiêu chuẩn cao trong đào tạo và sự năng động của sinh viên. Với ngành Luật, điều này càng rõ rệt hơn khi khối lượng kiến thức và yêu cầu về tư duy pháp lý không hề đơn giản. Em phải học cách đối mặt với những khó khăn này và sử dụng chúng như động lực để phấn đấu, thay vì để chúng trở thành áp lực tiêu cực”.

Trong những năm học tại Đại học Ngoại thương, ngoài là thủ khoa tốt nghiệp Chương trình Tiêu chuẩn Luật Thương mại quốc tế năm 2024, thì trong số 7 kỳ học tại trường, có tới 4 kỳ Dương được nhận học bổng.

Với điểm trung bình chung ấn tượng 3.88/4.0, Dương không chỉ tỏa sáng trong học tập mà còn ghi dấu ấn mạnh mẽ trong các hoạt động thể thao, chính trị và ngoại khóa. Dương chia sẻ cũng thường xuyên tham gia các cuộc thi, các hoạt động ngoại khóa.

Năm 2022, Dương tham gia cuộc thi Hòa giải Thương mại Việt Nam - Vietnam Mediation Moot 2022 và xuất sắc giành được Huy chương Vàng và Huy chương Đồng. Đồng thời nhận được học bổng toàn phần tham dự Khóa học Cơ bản về Hòa giải thương mại tại Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) và giải thưởng đội được yêu thích nhất trong cùng cuộc thi này.

Lê Đức Chiển - bạn cùng lớp của Dương kể: “Mình có cơ hội gặp và làm bạn với Dương từ năm nhất Đại học cho tới nay. Cảm nhận từ những ngày đầu gặp mặt thì Dương là người khá thân thiện và năng động (đôi khi mình còn thấy cậu này hơi hiếu động thái quá).

Những cũng chính nhờ Dương mà mình dễ dàng hòa nhập với tập thể ngôi nhà FTU đồng thời cũng có nhiều thay đổi tích cực về tính cách. Quá trình 4 năm học tập trôi qua với bao kỷ niệm từ ngủ qua đêm ngoài ghế đá sân trường, những chuyến đi chơi,… Được làm bạn với Dương là cái duyên của mình.”

Ngành Luật không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về các quy định pháp luật, mà còn yêu cầu khả năng phân tích, suy luận và áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế. Khối lượng kiến thức khổng lồ từ các môn học như Luật Doanh nghiệp, Công pháp Quốc tế, Luật Cạnh tranh,… khiến Dương phải dành nhiều thời gian để học tập và nghiên cứu.

Mỗi ngày, Dương đều phải làm quen với hàng loạt các văn bản pháp luật, án lệ, và các vụ án thực tế. Điều này đòi hỏi em không chỉ phải chăm chỉ mà còn phải có khả năng quản lý thời gian thật tốt để không bị quá tải.

Một trong những phương pháp mà Dương cho rằng hiệu quả nhất để học tập tuy rằng có tốn thời gian công sức đó chính là phương pháp ghi chép bằng giấy bút.

“Mình thích phương pháp ghi chép bằng tay, dù đây là phương pháp tốn nhiều thời gian, công sức nhưng đối với mình, việc ghi chép bằng bút và giấy sẽ tăng khả năng tập trung của mình vào bải giảng cũng như khả năng ghi nhớ của bộ não với nội dung giảng viên nói.

Hơn nữa việc ghi chép bằng tay giúp mình hệ thống kiến thức rõ ràng, rành mạch với suy nghĩ của bản thân. Từ đây khi mình đọc lại kiến thức đã được ghi chép sẽ dễ gợi lại thông tin liên quan”, Dương nói.

Tạo động lực cho bản thân, khơi dậy niềm đam mê

nam-sinh-luat-thuong-mai-quoc-te-chia-se-bi-quyet-thanh-thu-khoa-2-1724819264.jpg
Trần Đại Dương tại lễ tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương

Dương chia sẻ, một trong những điều quan trọng nhất để có thể đạt được kết quả tốt đó là phải biết tạo động lực học tập cho bản thân và niềm đam mê với việc học cũng như sự bền bỉ, kiên trì không khuất phục trước khó khăn.

“Ngày đầu năm nhất, trong suy nghĩ em đã mặc định rằng những môn liên quan đến chính trị sẽ cực kỳ khô khan và trừu tượng. Tuy nhiên suy nghĩ này của em đã bị thay đổi bởi sự tận tình, tận tâm, tận tụy của các giảng viên FTU khi truyền tải kiến thức cũng như giúp sinh viên tiếp cận bài học một cách gần gũi nhất.

Đây có thể coi là động lực để em học tập và tìm hiểu môn học này bởi em rất trân trọng nỗ lực của thầy cô mà đã nuôi dưỡng niềm yêu thích, đam mê mãnh liệt với bộ môn lý luận chính trị”.

Theo Dương, để học tập tốt môn học mà có thể mới đầu mình không yêu thích, cần phải cố gắng tìm ra những cái mình yêu thích hoặc những điểm mà môn học này có thể áp dụng trong thực tiễn từ đó là động lực để mình nghiên cứu và tìm tòi thêm về nó, đó chính là quá trình xây dựng niềm đam mê với các môn học tại FTU.

Giảng viên Mai Thị Chúc Hạnh - Chủ nhiệm Khóa 59 Luật Thương mại Quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương) tự hào khi nói về Dương: "Là lớp trưởng lớp Anh 3 Luật Thương mại Quốc tế K59, Đại Dương luôn hăng hái tham gia xây dựng bài trong các môn học trên lớp, luôn gương mẫu, gắn kết được các bạn trong lớp xây dựng một tập thể đoàn kết xuất sắc. Bên cạnh đó, Dương còn nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa, là một "cây văn nghệ" nổi bật. Nhiều lần được nghe em hát về các bài hát viết về khoa Luật FTU trên sân khấu, cô cảm nhận được tình yêu rất lớn mà em dành cho khoa Luật, dành cho FTU. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi cảm thấy rất tự hào về Dương".

Lời khuyên đặc biệt của chàng thủ khoa quê Nam Định dành cho các bạn sinh viên học FTU nói chung và Khoa Luật nói riêng chính là hãy luôn cố gắng tham gia các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động ngoại khóa được coi là một phần không thể thiếu, không thể tách rời của Ngoại thương, được ví là cánh buồm của con thuyền Ngoại thương. Các hoạt động ngoại khóa hay các cuộc thi cũng là cơ hội để trau đồi các kỹ năng mềm, mở rộng các mối quan hệ xã hội từ đó có thêm các kênh thông tin khác để được hỏi đáp, chia sẻ kiến thức.

Việt Cường