Trong số nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chỉ còn người Giáy, người Mông và một số dân tộc khác giữ được truyền thống làm nhang. Giờ đây, cây nhang không chỉ đơn thuần là sản phẩm tâm linh mà nó đã trở thành hàng hóa, đem lại thu nhập không nhỏ cho các hộ gia đình còn giữ lại nghề truyền thống, nhất là trong những ngày Tết đến xuân về.
Thông thường mỗi nhóm, mỗi ngành dân tộc ở Lào Cai đều chế ra một loại hương đặc biệt riêng và họ hầu như chỉ dùng những nén hương do chính người dân tộc mình làm ra, đặc biệt là loại hương được tự tay những người già làm và truyền lại.
Người Tày ở Văn Bàn dùng bột vỏ quế cho một loại hương có màu nâu, hương thơm đậm và có vị ngọt. Người Pa Dí ở Mường Khương lại chế ra một loại hương có màu xanh nhạt, có mùi hăng làm từ những lá thảo mộc và hoa cỏ đặc trưng.
Người Mông ở Bắc Hà lại thu nhặt vỏ cây để làm thành một loại hương thơm màu đỏ son, có mùi thơm hăng hắc. Hương của đồng bào dân tộc Giáy ở Bát Xát có mùi thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, nhẹ mà thanh và thơm phảng phất rất lâu.
Người Giáy cũng như nhiều dân tộc khác luôn tâm niệm những đồ dâng lên bậc tổ tiên phải là đồ thanh sạch. Cây hương của người Giáy cũng giống như cây hương của người Kinh, nhưng thẻ to hơn, có màu vàng nâu của vỏ hương và màu đỏ tươi của cán hương. Chiều dài nén hương khoảng 40cm. Cán hương làm từ cây tre hoặc cây mai, bỏ phần cật và ruột, sau đó đem chẻ nhỏ, phơi nắng cho thật khô, có nơi chuẩn bị kỹ hơn còn chọn cây tre nứa gióng dài, thẳng, ngâm vài tháng dưới ao, sau đó vớt lên phơi khô và chẻ nhỏ. Như vậy thẻ hương sẽ cháy tốt và không bị tắt giữa chừng khi thắp hương hành lễ - điều mà đồng bào cho là rất cấm kỵ.
Cũng từ quan niệm kiêng kỵ mà các dân tộc làm nhang đều giống nhau một điểm là khi chẻ tăm hương phải phân biệt đâu là phần ngọn, đâu là phần gốc để tránh khi thắp hương lộn ngược. Để phân biệt điều này, người ta nhuộm phẩm đỏ khoảng 1/3 thẻ hương phần gốc, 2/3 còn lại để sau này lăn bột đốt hương.
Theo bà Hoàng Thị Sìn, thôn Toòng Sành, xã Cốc San (huyện Bát Xát), các nguyên liệu làm hương gồm vỏ của cây kháo và vỏ của một loại cây thuộc họ dây leo dại mọc trên rừng già, vừa có vị thơm, vừa có độ kết dính trộn lẫn với nhau.
Vỏ cây sau khi lấy trên rừng về đem phơi thật khô, giã mịn bằng cối đá rồi được sàng lọc kỹ lưỡng bằng sàng rây. Giờ đây công đoạn này đã đỡ vất vả hơn rất nhiều vì người dân chỉ việc đem nguyên liệu đi nghiền máy thay vì giã bằng tay vất vả như trước kia. Cuối cùng, họ trộn hai loại bột này với nhau theo tỷ lệ 1:3, trong đó cây leo dại là một phần, có tác dụng làm chất keo kết dính, còn cây khảo là ba phần có tác dụng làm chất bột cháy và tỏa mùi thơm khi đốt.
Công đoạn vất vả nhất là lăn hương vì bột hương rất nhặm. Khi lăn hương, người Giáy dùng cán hương nhúng vào xô nước, sau đó đem ra lăn qua lăn lại trên lớp bột đã được trộn sẵn, rồi nhúng nhanh vào xô nước mang ra tiếp tục lăn, cứ làm như vậy cho đến khi được một nén hương to gần bằng chiếc đũa là được.
Sau khi lăn hương xong, họ mang phơi một lần nữa để cho hương thật khô. Bà Sìn cho biết thêm: "Việc hương cháy tỏa mùi thơm dễ chịu; khi cháy xong tàn hương có dạng xoắn ốc đẹp mắt là do chất liệu khi chọn cây làm thẻ hương quyết định. Nhiều người làm hương vì lợi ích kinh doanh mà trộn mùn cưa và các thành phần hóa học khác vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe gia chủ và tàn hương cháy mủn, thậm chí cháy dở nửa chừng, rất không tốt theo quan niệm tâm linh."
Hương do người Giáy tự làm không chỉ được dùng trong gia đình mà còn mang đi bán, được thị trường rất ưa chuộng. Khi đem bán, họ thường bó khoảng 50 nén hương thành một bó, hai bó chập vào thành 100 nén. Khi bán, hương được đặt trong thồ (gùi), họ chỉ dùng 1-2 bó gác lên miệng thồ và đốt một nén làm mẫu để khách hàng biết về chất lượng hương của mình.
Với người Mông ở Si Ma Cai (Lào Cai), nghề làm hương dù đã trải qua thời gian dài nhưng vẫn giữ được những nét riêng biệt với sản phẩm của dân tộc khác, thậm chí với ngay cả sản phẩm của người Mông huyện Bắc Hà. Sản phẩm hương của người Mông Si Ma Cai có màu vàng tươi và mùi thơm dịu mát do nguyên liệu và tỷ lệ trộn khác biệt.
Gia đình chị Sùng Thị Chi (xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai) đã làm hương được hơn 10 năm nay. Chị cho biết: "Trước tiên là chẻ tre thành những thanh nhỏ có chiều dài khoảng 50cm, phơi khô, lấy hai loại lá cây tên lồng tràng và lồng seng (theo tiếng địa phương) vì cây lồng tràng thì có chất nhựa rất dính, còn cây lồng seng thì có mùi thơm dịu, cả hai lá cây này đem phơi khô, giã nhỏ thành bột. Sau đó dùng những que tre đã chẻ nhỏ nhúng vào nước lã cho ướt đều và rắc bột cây lồng tràng vào 2/3 que hương, rồi vừa đập nhẹ kết hợp với xoay vòng tròn để bột bám đều. Tiếp tục nhúng nước và rắc bột cây lồng seng lên, bột này có tác dụng làm cho que hương có màu vàng đẹp mắt và khi đốt có mùi thơm dịu. Công đoạn cuối cùng là phơi khô hoặc cho lên gác sấy."
Nghề làm hương tuy không có giá trị cao về kinh tế, nhưng cũng góp phần tăng thu nhập của các hộ gia đình. Đặc biệt hơn là có ý nghĩa rất quan trọng phản ánh trình độ lao động sản xuất, làm phong phú ngành nghề thủ công truyền thống cũng như đời sống tâm linh các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai.