Khởi sắc ở làng nghề dệt ra những sản phẩm đẹp như tranh vẽ

Huyền Văn
Sau nhiều năm gần như "lãng quên", thì nay làng nghề dệt thổ cẩm cổ của người Thái

Làng dệt thổ cẩm cổ bên dòng Nậm Tắm

Bản Na Loi, xã Na Loi, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An có 88 hộ, 418 khẩu với 95% là đồng bào người Thái. Nơi đây có địa hình dốc, dễ bị sạt lở mỗi khi có mưa lũ về, trong khi người dân chủ yếu canh tác nương rẫy dễ bị ảnh hưởng, khiến đời sống nhân dân nơi đây còn khó khăn.

Bên cạnh đó, có một nghề đặc biệt được lưu giữ lâu đời, đã trở thành cứu cánh cho bà con nhân dân nơi đây đặc biệt trong những mùa giáp hạt, nông nhàn. Đó là nghề dệt thổ cẩm cổ của người Thái.

Từ xa xưa, phụ nữ Thái luôn tự dệt cho mình những bộ váy để mặc thường ngày và trưng diện trong các dịp lễ hội, Tết hay mùa lúa mới. Nếu mặc không hết họ bán lại cho những người trong và ngoài bản có nhu cầu. Cũng từ đó nghề nuôi tằm kéo tơ, dệt thổ cẩm của người Thái ra đời và được lưu giữ đến ngày nay.

nlntv-det-tho-camna-loiky-son-1641741449358-1641818937.jpeg
Một góc làng nghề dệt thổ cẩm Na Loi, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn.

Ngoài những lúc lên nương, lo công việc gia đình, thì hễ có thời gian là chị em phụ nữ lại ngồi bên khung cửi sáng tạo nên những họa tiết hoa văn trên bức tranh thổ cẩm của mình.

Bên cạnh công việc dệt để phục vụ bản thân mình, dần dần do nhu cầu của thị trường, chị em dệt bán cho phụ nữ người Khơ Mú rồi xuất bán sang nước bạn Lào để tăng thêm thu nhập. Nghề dệt phát triển mạnh và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Nhưng, một thời gian sau, nghề dệt thổ cẩm có dấu hiệu lắng xuống do sự xâm nhập và giao thoa về kinh tế, văn hóa… Từ năm 2012, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, những khung cửi lại rộn ràng trở lại, làng nghề dệt thổ cẩm bản Na Loi đã phục hồi.

nlntv-det-tho-camna-loi-crop-1641741518175-1641819065.jpeg
Một du khách tìm đến xem thổ cẩm ở làng nghề bản Na Loi, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn.

Đặc biệt, Trung tâm khuyến công tỉnh Nghệ An, UBND huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề và hỗ trợ tư liệu cũng như nguyên liệu để nhân dân bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Hiện nay, bản Na Loi có 88 hộ gia đình tham gia làm nghề dệt thổ cẩm. Thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm của bản Na Loi trong 2 năm liên tiếp gần đây đều đạt trên 2,3 tỷ đồng.

Sản phẩm thổ cẩm ở Na Loi còn được dùng làm sính lễ cho con cái khi dựng vợ, gả chồng. Quà cho con gái mang về nhà chồng, quà mừng con dâu tại lễ thành hôn...

Theo bà Vi Thị Lan, bản Na Loi, nghề dệt thổ cẩm của bản làng được phục hồi trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người dân, có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều. Sản phẩm dệt thổ cẩm của bản sản xuất ra chưa có một tổ chức nào đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm mà chủ yếu bán lẻ hoặc một số người dân trong bản đem sang Lào tiêu thụ.

nlntv-det-tho-camna-loiky-son-1641741585278-1641819277.jpeg
Thổ cẩm ở làng nghề bản Na Loi có truyền thống từ lâu đời.

Việc mở rộng quy mô nghề còn gặp khó khăn, do chưa tìm được thị trường tiêu thụ tiềm năng. Các đợt tìm kiếm thị trường mới chỉ dừng lại ở các phiên chợ triển lãm quảng bá sản phẩm.

Mong vươn tầm khu vực, giải bài toán thoát nghèo cho bà con

Theo bà Pịt Thị Hà - Chủ tịch UBND xã Na Loi - mong muốn của địa phương là đưa sản vươn tầm, đến với những thị trường rộng lớn, tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con.

"Để nghề dệt thổ cẩm trở thành mũi nhọn mang lại thu nhập chính cho nhân dân, địa phương cũng mong muốn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An tìm thị trường tiêu thụ bền vững cho người dân và tiếp tục mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề, đa dạng mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh với thị trường bên ngoài", bà Pịt Thị Hà chia sẻ.

nlntv-tho-cam-na-loi-1641741643550-1641819472.jpeg
Hiện bản Na Loi có 88 hộ gia đình tham gia làm nghề dệt thổ cẩm.

Bà Pịt Thị Hà cũng mong muốn, UBND huyện Kỳ Sơn quan tâm tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm của nhân dân làm ra, bằng việc mở các gian hàng buôn bán, giới thiệu sản phẩm tại một số tỉnh ở nước bạn Lào như: Xiêng Khoảng, Viêng Chăn… hoặc có thể sang Thái Lan. Đồng thời hỗ trợ giống tằm miền xuôi (giống tằm địa phương không nuôi được mùa đông) nhằm đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho bà con.

Hy vọng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cùng với những đôi tay tài hoa, sáng tạo, sự cần cù của bà con làng nghề dệt thổ cẩm cổ ở Na Loi sẽ hưng thịnh, phát triển, trở thành mũi nhọn kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nhân dân trong tương lai không xa.

Bà Pịt Thị Hà phấn chấn: "Bản Na Loi đăng ký về đích nông thôn mới giai đoạn 2011-2025, làng nghề dệt thổ cẩm được nhận bằng làng nghề có tác động lớn đến đời sống và tinh thần người dân, là động lực để duy trì và phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới... Bà con bản Na Loi khởi sắc, nâng tầm đời sống là điều mong ước của tất cả chúng tôi".

nlntv-lang-tho-camna-loiky-son-1641741750635-1641819582.jpeg
Sản phẩm thổ cẩm ở Na Loi làm ra còn được dùng làm sính lễ cho con cái khi lấy vợ, lấy chồng. Quà cho con gái mang về nhà chồng, quà mừng con dâu tại lễ thành hôn.
nlntv-don-nhanlang-nghetho-camna-loi-1641741829859-1641819638.jpeg
Ngày 7/1/2022, bản Na Loi, xã Na Noi, huyện Kỳ Sơn tổ chức Lễ đón Bằng công nhận làng nghề dệt thổ cẩm năm 2021 của UBND tỉnh Nghệ An.
nlntv-lang-nghetho-camna-loictv-1641742129041-1641819771.jpeg
Các hộ gia đình sản xuất nhiều thổ cẩm đã được ngành chức năng tặng Bằng khen.
Ngày 7/1/2022, bản Na Loi, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận làng nghề dệt thổ cẩm năm 2021 của UBND tỉnh Nghệ An. Nhằm hỗ trợ một số chính sách trong phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn, phát huy được hiệu quả kinh tế cao từ nghề truyền thống, thu hút và tạo việc làm cho người dân tại địa phương, ngày 8/11/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm bản Na Loi, xã Na Loi, nâng tổng số Làng nghề trong tỉnh lên 185.

Nguyễn Phê