Trong văn hoá tín ngưỡng của người Việt, nén hương luôn được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh. Mỗi dịp Tết đến – Xuân về, bên cạnh mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, cành đào thắm thì nén hương không chỉ biểu thị cho mong cầu một năm, mưa thuận gió hoà mà còn là lòng thành kính, biết ơn của con cháu dâng lên để hiếu kính ông bà tổ tiên.
Trước tháng Chạp khoảng 1-2 tháng tại xã Quảng Phú Cầu đã luôn tất bật nhộn nhịp, các gia đình tại đây đang chuẩn bị cho nhưng sản phẩm về Hương để phục vụ tết Nguyên Đán.
Mọi công đoạn để hoàn thành, thành phẩm về Hương ở đây, đều được những người thợ làm rất cẩn thận và tỉ mỉ. Từ khâu chọn tre, nứa, vầu để vót thành những thanh nhỏ dài, sau đó đem nhuộm màu và phơi khô. Tiếp theo đó là công đoạn trộn keo là khó nhất, mỗi gia đình ở xã Quảng Phú Cầu đều nắm giữ những bí quyết trộn keo riêng, mặc dù giờ đây đã có máy móc hỗ trợ, thì người thợ làm hương vẫn phải chỉn chu, tỉ mỉ và cần phải có đôi bàn tay khéo léo, trộn keo trong thời tiết hanh khô trong mùa Đông luôn là thử thách lớn nhất đối với những người thợ làm hương, trộn sao cho keo mịn và có độ ẩm vừa phải thì keo mới có thể bám chặt vào chân hương. Nếu pha trộn không theo một tỉ lệ nhất định thì nén hương sẽ không thơm và không mịn thì nén hương rất dễ bị tắt nửa chừng khi đốt.
Nếu như trước đây nghề làm hương nhọc nhằn thì giờ sự nhọc nhằn đó cũng được giảm bớt một phần nào, nhờ người dân nơi đây đã áp dụng máy móc từ khâu trộn keo đến khâu se hương, sản phẩm ra ít bị lỗi hơn, đẹp hơn và cũng nâng cao được năng suất lao động hơn trước đây.
Những tháng cuối năm, du khách có thể ghé thăm xã Quảng Phú Cầu chỉ cách trung tâm Hà Nội 30km, để có thể thấy sự nhộn nhịp và đổi thay của làng nghề truyền thống độc đáo!