Chính vì ý nghĩa đó, nên trong Lời Người biên soạn đặt ở đầu cuốn Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, tôi đã nói đến cái mong mỏi: “tập hợp thật rộng rãi, để gom cho hết những gì đã được viết, từ một tình yêu con trẻ thật đằm thắm và vì một sự nghiệp thiêng liêng là trồng người, có ở tất cả mọi tên tuổi hiện diện ở tập sách này - gồm những người viết chuyên và không chuyên; gồm những người công tác ở thủ đô, ở các thành phố lớn và những người công tác ở những vùng sâu, vùng xa. Tất cả những gì được viết ra ở họ đều rất đáng trân trọng; và với cuốn sách này chúng tôi muốn có một cuộc họp mặt đông đủ, thân mật, bình đẳng, bởi theo tôi nghĩ, như đã được trình bày trong phần Tự bạch của mỗi tác giả: đây là phần viết trong trẻo nhất, lắng sâu nhất, và cũng có thể là cảm động nhất ở mỗi người”.
Nhưng để đến được với bộ sách này, với tôi, cũng là một quá trình phải vượt qua không ít khó khăn và nản mỏi.
Cuối năm 2004, anh Trịnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa đề nghị tôi soạn quyển Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam.
Thật lòng, tôi vẫn chưa tin cuốn sách có thể thực hiện được nên chưa mấy sốt sắng với công việc thú vị nhưng nặng nhọc này.
Nhưng đến tháng 3 - 2005, anh Đạt lại nhắc lại đề nghị trên và nói cho tôi yên tâm là Nhà xuất bản đã quyết định phải hoàn thành cuốn sách này trong quý Ba năm 2005.
Tôi rất vui nhưng có lắm mối lo. Lo vì thời gian quá ngắn mà công việc lại rất bộn bề. Lo vì đối tượng quá rộng, đến hàng trăm người, không biết có liên hệ được không; và nếu liên hệ được thì có được sự hưởng ứng và giúp đỡ tích cực của họ không? Lại còn lo không biết nội dung biên soạn nên như thế nào cho khoa học: tiêu chuẩn chọn lựa, cách sắp xếp, văn phong?
Tôi đến ngay Nhà xuất bản Kim Đồng tìm gặp các bạn trẻ Trần Đình Nam, Lê Phương Liên, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Thị Dắt, Trần Minh... để hỏi ý kiến. Tôi leo lên gác 5 khu tập thể Trương Hán Siêu gặp anh Phong Thu; đến anh Phạm Hổ mới ở bệnh viện về; đến anh Võ Quảng vừa ốm dậy; rồi anh Nguyễn Quỳnh đang bận rộn viết... Lại gọi điện cho các anh Vũ Ngọc Bình, anh Thy Ngọc, Văn Hồng, Trần Hoài Dương, Nguyễn Nhật Ánh...
Tất cả các nhà văn được hỏi, mỗi người một ý, ai cũng khuyến khích, nhưng cũng chỉ gói vào một câu chung chung: “ Vân Thanh cứ mạnh dạn viết đi, cứ cố làm đi, rồi thì nó sẽ có hình thù!…”
Nhà xuất bản đề nghị tôi viết thử một vài tác giả để họ xem thế nào. Tôi vội viết ngay ba tác giả: Võ Quảng, Phạm Hổ và Đoàn Giỏi.
May quá, chỉ sau mấy ngày, anh Trịnh Tất Đạt trả lời đồng ý với cách viết của tôi. Anh chỉ góp thêm nên viết theo cách viết của Từ điển: Tên họ; Bút danh; Ngày sinh; Nơi sinh; Tác phẩm; Giải thưởng (nếu có); Tự bạch; Lời bàn về Tác giả - Tác phẩm.
Tôi cũng đồng ý soạn theo hình thức ấy. Riêng phần Tự bạch và Về Tác giả - Tác phẩm có thể đa dạng trong cách viết cho sinh động, và thích hợp với hoạt động của từng người. (Phần này tôi dựa chủ yếu vào tư liệu của các nhà văn gửi đến).
Một ngẫu nhiên may mắn, vào tháng 4 diễn ra Đại hội Nhà văn Việt Nam. Tôi tranh thủ cơ hội này để gặp và nhờ các nhà văn từng có tác phẩm viết cho thiếu nhi ghi cho phần Lý lịch và Tự bạch.
Tôi lại còn nhờ các đồng chí Chủ tịch các Hội Văn nghệ địa phương giúp tôi liên hệ với các tác giả, và động viên họ sẵn lòng giúp đỡ.
Nói chung các anh chị mà tôi liên hệ đều nhiệt tình ủng hộ. Chỉ riêng một số ít tỏ ra không tin hoặc có vẻ không quan tâm đến công việc này.
Với quyết tâm của bản thân, với sự cộng tác tận tình của biên tập viên Trần Thị Bích Nga, và với sự động viên của lãnh đạo Nhà xuất bản, tôi bắt đầu ngay vào công việc.
Thế là chỉ sau nửa tháng thiết lập xong các mối quan hệ thì thư bảo đảm, bưu phẩm phát nhanh, dồn dập đến, nhiều đến nỗi bác đưa thư cứ tưởng nhà tôi chắc là trụ sở của một Công ty trách nhiệm hữu hạn nào đó!
(Còn nữa)
* Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa; H..Quý I - 2006.