Nhựa là một trong những nguyên liệu được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Không khó để bắt gặp những món đồ được sản xuất từ nhựa như chai, lọ nhựa, bát nhựa,.. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, rác thải nhựa là mối nguy hại đối với môi trường và con người, phải mất hàng trăm năm mới có thể tiêu hủy hết. Đặc biệt, rác thải nhựa từ cơ sở y tế còn nguy hơn khi mang mầm bệnh.
Cứ khoảng 4, 5 giờ chiều, hàng chục chiếc xe ba gác, xe tải chở đầy phế thải nhựa tới các cơ sở thu mua trong làng Triều Khúc.
Hôm nay, anh Trần Văn Quang - tay buôn phế liệu ở Hà Nội chở đến cơ sở tái chế nhựa của ông Bùi Văn T. 4 bao tải sắt vụn, phế liệu nhựa, trong đó có cả đồ nhựa đã được sử dụng trong khám chữa bệnh.
“Thu mua từ rất nhiều người dân, nhựa gì cũng mua xong mới mang đến đây bán. Cơ sở tôi thì thu mua với nhiều người, người lang thang họ đi nhặt nhạnh về rồi họ lại bán cho mình rồi mang đến đây thôi” – anh Quang cho biết.
Vào một góc trong kho, chúng tôi mở một bao tải lớn và nhìn thấy hàng trăm ống kim tiêm các loại, chỉ còn phần vỏ nhựa hình trụ, nhiều ống còn dính dung dịch và máu khô. Vài bao tải khác cũng trong tình trạng tương tự. Tất cả bao phế liệu được đổ ra một bãi đất trống trong kho rồi phân loại theo màu sắc. Dây truyền dịch, ống tiêm,.. màu trắng nên ông T yêu cầu công nhân trộn lẫn với các phế thải nhựa khác màu trắng: “Phân loại thì cứ đổ từng bao ra rồi nhặt màu nào đi với màu đó, rồi mới xay để riêng ra rồi phơi khô. Xử lý xong thì bỏ vào bao tải khoảng 40 - 50 cân một bao, ai mua màu nào thì bán cho người ta màu đó” – ông T nói.
Sau khi phân loại xong, phế thải nhựa sẽ được đưa vào khu tái chế. Tại làng Triều Khúc, nhà nào cao cấp thì mới có dây chuyền sản xuất hạt nhựa các loại để cung cấp cho các cơ sở sản xuất đòi hỏi nguyên liệu chất lượng tốt. Cả làng có gần 200 hộ làm hàng nhựa nhưng chỉ gần một nửa có đủ dây chuyền để gia công hạt nhựa. Còn tại cơ sở của ông T, việc xử lý nhựa khá đơn giản, thợ chỉ cần đập vụn rồi cho vào máy là xong. Như vậy, rác thải y tế không qua một bước tẩy rửa, khử khuẩn nào mà cứ thể cho vào máy xay. Sau khi thành các hạt nhựa, ông T sẽ bán cho cơ sở sản xuất đồ nhựa:
Ông T cho biết: “Cơ sở mình xay nhỏ ra rồi lại bán chứ không tái chế. Mình bán cho những người sản xuất thùng, xô, chậu đấy. Ví dụ họ sản xuất ra xô đỏ, lồng bàn chẳng hạn. Nên là nhựa mình tái chế xong thì màu đỏ sẽ phân ra màu đỏ, màu xanh sẽ phân ra màu xanh”.
Làng Triều Khúc phất lên nhờ nghề làm nhựa phế thải khoảng chục năm trở lại đây. Hai xóm làm hàng nhựa của làng là xóm Lẻ và xóm Án, nhà nào làm lớn có ôtô tải chuyên xuất nhập hàng về sản xuất, nhà nào bé thì nhập từ các đầu nậu, rồi cũng xuất cho đầu nậu cung cấp cho các xưởng đồ nhựa, tạo nên một dây chuyền kinh doanh có lãi.
Anh Nguyễn Hoàng Anh và nhiều chủ cơ sở sản xuất đồ nhựa khác tại làng nghề kim khí ở thôn Liễu Nội, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín là khách hàng "ruột" của các sơ sở tái chế nhựa thủ công như ở làng Triều Khúc. Bởi vì nguyên liệu nhựa ở đây có giá thành rẻ hơn so với những cơ sở tái chế được kiểm soát về chất lượng. Còn nguyên liệu đó có an toàn hay không thì anh Hoàng Anh không quan tâm, miễn là sản xuất được đồ dùng trong sinh hoạt và cốc, hộp đựng cơm... theo đơn đặt hàng.
Anh Hoàng Anh nhấn mạnh: “Nếu mà mình muốn nhựa nguyên sinh thì lại phải nhập khẩu rồi. Còn nhiều hàng không yêu cầu cao như là nhựa tái sinh thì bây giờ người ta cũng phục vụ nhiều mà, người ta đến tận nơi để chào hàng, nguồn hàng rất là sẵn. Nói chung nguyên liệu đều tái sản xuất hết”.
Rác thải y tế gồm 5 loại, trong đó bơm kim tiêm, dây truyền dịch dính máu thuộc nhóm chất thải nguy hại, việc dùng những loại nhựa này để tái chế, sản xuất ra những đồ dùng cho ngành thực phẩm bị cấm tuyệt đối. Theo PGS. TS Lê Phước Cường - Giảng viên cao cấp, Trưởng bộ môn Quản lý môi trường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, những loại nhựa kém chất lượng có thể thôi nhiễm ra thực phẩm, gây nguy hại cho sức khoẻ và có thể là nguồn phát tán, làm lây nhiễm những mầm bệnh ra môi trường. Còn nguy cơ trước mắt là khi công nhân tiếp xúc với những rác thải đó trong quá trình tái chế, sản xuất,... có thể bị lây nhiễm dịch bệnh.
Vì vậy, PGS. TS Lê Phước Cường khuyến cáo: Rác thải y tế cần được xử lý theo quy trình nghiêm ngặt. Cơ quan chức năng cần quản lý rác thải y tế chặt chẽ hơn. Quan trọng nhất, người dân cũng cần có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không vứt, tái chế rác thải nhựa từ cơ sở y tế trái quy định.
Nhiều năm nay, câu chuyện rác thải y tế độc hại được tuồn ra ngoài để tái chế thành các vật dụng được phản ánh, dấy lên một mối lo lớn trong dư luận. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để do khâu quản lý rác thải còn lỏng lẻo và một bộ phận người dân, cơ sở tái chế, sản xuất đang đặt lợi ích kinh tế lên trên sự an toàn về sức khỏe, tính mạng con người./.