Nhu cầu cao, nguồn cung ít
Thời gian qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách cũng như sự chủ động nắm bắt cơ hội của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những bước phát triển rõ nét. Cùng với đó, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều hiện là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh những khó khăn về thị trường, nguyên liệu..., việc thiếu hụt lao động ở một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là lao động chất lượng cao, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Manutronic Việt Nam Phùng Tuấn Anh cho hay, nhân lực chất lượng cao là bài toán sống còn cho doanh nghiệp nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng, song doanh nghiệp rất khó tìm được nhân lực như mong muốn để vận hành hệ thống khi đầu tư công nghệ mới.
Còn Giám đốc Nhà máy Tomeco An Khang Lê Quý Thành cho biết, do có sự “vênh” giữa chương trình đào tạo và thực tế công nghệ doanh nghiệp đang sử dụng nên doanh nghiệp buộc phải tuyển kỹ sư để đứng máy, dù chuyên môn đào tạo chưa phù hợp.
“Công nghiệp hỗ trợ là ngành có tính hệ thống, theo chuỗi và chuyên nghiệp. Do đó, ngoài những kiến thức chuyên môn, nhân sự làm việc trong ngành này cần am hiểu về hệ thống, về những quy trình, tiêu chuẩn quản trị, công nghệ thông tin”, ông Lê Quý Thành phân tích.
Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Cao Văn Bình chỉ rõ, nguyên nhân thiếu nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ là do sự gia tăng nhu cầu của ngành, bên cạnh sự phát triển ngày càng cao về khoa học, công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Trong khi đó, việc đào tạo kỹ sư chế tạo ở các trường đại học thường ít hơn các ngành khác. Nhiều doanh nghiệp trong nước chưa chủ động liên kết với các trường đại học, cao đẳng để đặt hàng đào tạo...
“Việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao khiến nhiều doanh nghiệp tốn không ít nguồn lực, chi phí đào tạo lại sau khi tuyển dụng để phù hợp với mục tiêu sản xuất, kinh doanh của mình”, ông Cao Văn Bình nhấn mạnh.
Tăng cường liên kết đào tạo
Trở thành “điểm đến” của chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển. Bài toán nguồn nhân lực do đó càng trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực sản xuất, tự tin cạnh tranh nhờ việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chuỗi giá trị.
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Kiều Xuân Thực khẳng định, trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển cần ưu tiên nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ.
“Chúng tôi luôn tích cực và chủ động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp ngay từ khâu thiết kế, xây dựng nội dung chương trình và điều chỉnh chương trình, quy mô để phù hợp với thực tế nhu cầu”, ông Kiều Xuân Thực thông tin. Trường hiện có 12 chương trình đào tạo theo nhu cầu và tuyển dụng trước khi tốt nghiệp với các đối tác doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Vân cho rằng, để hình thành 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025, bên cạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, xúc tiến thương mại…, Hà Nội đang tăng cường đào tạo nhân lực. Phương pháp là kết nối với các doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn trên thế giới; rút ngắn khoảng cách đào tạo, hướng đến việc đạt được các chứng chỉ toàn cầu, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao ý thức trong tìm kiếm nguồn nhân lực, có định hướng trong thu hút nhân tài và phát triển nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần đưa ra quy hoạch tổng thể để phân bố và xác định quy mô không gian phát triển công nghiệp theo địa phương, vùng miền, qua đó tái cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, các ngành chức năng cần có thêm các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, từ đó hỗ trợ đào tạo chuyên sâu, trang bị kỹ năng cho lực lượng lao động.
Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp Cao Văn Bình cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ lõi, công nghiệp hỗ trợ. Bộ cũng phối hợp với các trường đại học xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển nguồn nhân lực chung cho ngành.