Doanh nhân - nguồn lực không thể thiếu trong phát triển kinh tế đất nước

Ngày 13/10 hằng năm được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân vì những cống hiến đóng góp cho phát triển đất nước.

Với việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, khai thác, sử dụng các nguồn lực, doanh nhân Việt Nam đang là lực lượng chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

ngay-doanh-nhan-vietnam2022-1665632101.jpg
7 tỷ phú Việt Nam trong danh sách tỷ phú thế giới 2022

Theo thống kê, cả nước có khoảng 7 triệu doanh nhân, quản lý và điều hành 860.000 doanh nghiệp, trong đó có 7 tỷ phú trong danh sách thế giới: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng; CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo; Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long; Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh; Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn; Chủ tịch Trường Hải Auto Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Về trình độ, 79,9% các doanh nhân có trình độ Đại học, 12% có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. 860 nghìn doanh nghiệp đã tạo việc làm cho 14,7 triệu người lao động, đóng góp 60% GDP cả nước.

Các nhiệm vụ được đặt ra đối với kinh tế tư nhân là:

- Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

- Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

- Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.

- Kiến tạo và hình thành các tiết chế văn hóa của doanh nhân Việt Nam để đảm bảo ngang tầm với các mục tiêu lớn của quốc gia, dân tộc vào năm 2030 và 2045.

- Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 60-65%.

Bích Liên/T.H