Kiến nghị doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động được bố trí nhà ở công nhân thuê lưu trú

ĐBQH kiến nghị, doanh nghiệp nhà nước sử dụng nhiều lao động có quyền sử dụng đất để bố trí nhà ở cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp… trong phiên thảo luận góp ý cho Luật Nhà ở (sửa đổi), tại Tổ 9.

Đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân 

Sáng 5/6, nhiều ý kiến các ĐBQH tại Tổ 9 (gồm 26 ĐBQH của các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre) góp ý hoàn thiện chính sách về nhà lưu trú công nhân, NƠXH.

Theo đó, đại biểu Ngô Hoàng Ngân - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị tại khoản 9 Điều 3 cần quy định nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ, thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế; hoặc doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có quyền sử dụng đất để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp, doanh nghiệp đó.

6-5-to-9-ngo-hoang-ngan-1686018440.jpg
Đại biểu Ngô Hoàng Ngân - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Tại khoản 2 Điều 88 quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân cần bổ sung thêm đối tượng tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có quyền sử dụng đất, có nhu cầu đầu tư nhà lưu trú công nhân thì doanh nghiệp được UBND cấp tỉnh giao đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.  

Đại biểu Ngô Hoàng Ngân nêu rõ, thực tế có nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhưng không nằm trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có các doanh nghiệp của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, ngói...) có nhiều công nhân lao động, có nhu cầu đầu tư nhà ở lưu trú cho công nhân, lao động.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 33 về các loại hình nhà ở phát triển theo dự án và tiêu chuẩn diện tích nhà ở, đề nghị bổ sung loại hình phát triển theo dự án phát triển nhà lưu trú công nhân.

6-5-to-9-do-thi-lan-1686018440.jpg
Đại biểu Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Cùng cho ý kiến đối với quy định về nhà lưu trú công nhân, đại biểu Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cần xem xét, quy định rõ ràng về nhà ở lưu trú cho công nhân do doanh nghiệp nhà nước đầu tư bằng vốn nhà nước thì phải thuộc sở hữu nhà nước.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch đất xây dựng nhà ở công nhân ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải quy định rõ về yêu cầu phù hợp với quy hoạch địa phương, phù hợp với phát triển đô thị và đảm bảo công năng.

Quy định rõ đối tượng được mua NƠXH sau 10 năm thuê

Các ĐBQH ở Tổ 9 cũng cho ý kiến vào nội dung quy định về NƠXH, đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị, tại khoản 2 Điều 84 cần quy định chi tiết về tỷ lệ tối đa đối với công trình kinh doanh dịch vụ thương mại trong dự án NƠXH để tránh việc lạm dụng.

Khoản 7 Điều 85 quy định về chủ đầu tư NƠXH để cho thuê được bán nhà ở sau 10 năm cho đối tượng có nhu cầu, cần xác định rõ các đối tượng và theo thứ tự ưu tiên theo quy định với người được hưởng chính sách ưu đãi về NƠXH.

6-5-to-9-tran-thi-kim-nhung-1686018440.jpg
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị, đối với quy định về điều kiện được hỗ trợ NƠXH tại Điều 75, cần bổ sung nội dung liên quan đến người lao động làm việc tại khu vực ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hưởng chính sách về NƠXH.

Bên cạnh đó, cần rà soát và có chính sách xây dựng nhà ở cho đối tượng là lao động trong các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

6-5-to-9-nguyen-thi-thu-ha-1686018440.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng cho biết, tại khoản 4 Điều 14 về thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở, cần bổ sung nội dung theo quy định về Luật Kinh doanh BĐS để đảm bảo các vấn đề trong quá trình thực hiện mua bán nhà ở.

Đối với Điều 16 về cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, trong khoản 4 quy định UBND cấp tỉnh là chủ sở hữu nhà ở được đầu tư bằng nguồn ngân sách của địa phương và nhà ở được giao quản lý trên địa bàn, đề nghị bổ sung nội dung UBND cấp tỉnh có thể ủy quyền cho UBND cấp huyện là đại diện chủ sở hữu nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách cấp huyện.

Bên cạnh đó, quy định về phát triển nhà ở tái định cư, cần rà soát lại để phù hợp với Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm làm rõ hơn nội dung bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.