Mới đây, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 56.591 cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập bộ máy, tổ chức, đơn vị hành chính các cấp.
Kết quả cho thấy mặc dù không nằm trong diện tinh giản nhưng có khoảng 54% cán bộ, nhân viên sẵn sàng nghỉ việc, 42,67% công chức và 33,94% viên chức cũng có lựa chọn tương tự. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra trước thực tế này.

Theo Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM, sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính các cấp, số lượng và áp lực công việc dự kiến sẽ tăng hơn nhiều so với trước đây.
Bên cạnh đó, tinh thần của những người ở lại cũng bị ảnh hưởng nhất định khi họ phải làm quen với môi trường mới, đồng nghiệp mới. Tuy nhiên, ba nguyên nhân chính được nhiều người đề cập đến khi sẵn sàng nghỉ việc là do thu nhập thấp, áp lực công việc và vấn đề sức khỏe.
Qua khảo sát cũng cho thấy, 64,89% cán bộ, nhân viên phản hồi khối lượng công việc mà họ đang phải đảm nhận quá nhiều khiến họ cảm thấy bị quá tải trong quá trình công tác.
Đặc biệt, tỷ lệ này rất cao ở nhóm quản lý, lãnh đạo (gần 80%), nhóm công chức (79,08%) và cán bộ cấp phường/xã (75,46%). Nguyên nhân khiến cho những nhóm đối tượng này cảm thấy quá tải là do khối lượng công việc nhiều, thời gian xử lý gấp và thiếu nhân sự.

Mặc dù nhận thức rõ sau khi sáp nhập áp lực sẽ tiếp tục gia tăng nhưng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vẫn hy vọng việc đổi mới sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Gần 80% cán bộ, nhân viên cho rằng khi thực hiện sắp xếp cũng hạn chế việc trùng lặp chức năng, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý bộ máy dễ dàng hơn.
Đồng thời, nhiều người cho rằng sau khi sáp nhập họ mong muốn được đào tạo để thích ứng với môi trường mới bằng cách mở các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng số, đổi mới sáng tạo và tư duy chiến lược.