Mường Nhé là một huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 200km về phía Tây Bắc. Tổng diện tích cả huyện là 156.908,13ha, với trên 49 nghìn nhân khẩu, bao gồm 11 dân tộc sinh sống. Nằm trên ngã 3 biên giới giữa Việt Nam với hai nước láng giềng Trung Quốc và Lào, Mường Nhé có Lối mở A Pa Chải – Long Phú, giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, có 11 xã trực thuộc là các xã Chung Chải, Huổi Lếch, Leng Su Sìn, Mường Nhé (huyện lỵ), Mường Toong, Nậm Kè, Pá Mỳ, Quảng Lâm, Sen Thượng, Sín Thầu và Nậm Vì.
Đặc thù diện tích đất rừng lớn, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn dẫn đến việc tuần tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn vi phạm gặp nhiều khó khăn. Đồng bào dân tộc sống ven rừng và xen lẫn rừng có số lượng bản lớn, bên cạnh đó trình độ dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, vì vậy việc canh tác nương rẫy của nhân dân đã ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng.
Mặc dù có tiềm năng lớn, song đến nay việc phát triển cây đa mục đích vừa có tác dụng phòng hộ vừa có giá trị kinh tế, cây dược liệu dưới tán rừng còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa có chính sách khuyến khích phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây đa mục đích, cây dược liệu trên đất lâm nghiệp...
Trước thực trạng đó, đặc biệt là căn cứ vào các nghị quyết liên quan đến phát triển rừng của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực chỉ đạo giao đất, giao rừng trên địa bàn các xã, xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật và mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật. Tích cực thực hiện việc cắm bổ sung mốc ranh giới 3 loại rừng trên cơ sở kết quả rà soát ba loại rừng theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, khuyến khích các hộ, nhóm hộ dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, đầu tư phát triển kinh tế rừng để phát triển bền vững.
Trên tinh thần nghị quyết của Đảng bộ huyện, sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương; hiện nay, phát triển kinh tế từ rừng là hướng đi đã được nhiều người dân lựa chọn, nhất là mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng. Riêng cây sa nhân tím, toàn huyện có khoảng 134ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Sín Thầu (50ha), Nậm Kè (26ha), Huổi Lếch (20ha), Pá Mỳ (12ha)... Hiện nay cây đang sinh trưởng, phát triển tốt. Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân, cây sa nhân tím dế trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2-3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Rễ cây lan tới đâu thì diện tích sa nhân cũng được mở rộng tới đó; nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10-12 năm. Phát triển cây sa nhân dưới tán rừng đến nay vẫn đang là hướng kinh tế lâm nghiệp phù hợp với địa phương.
Không chỉ phát triển kinh tế từ cây sa nhân, Mường Nhé hiện đang tiếp tục duy trì chăm sóc 600ha cây mắc ca, 1.177ha cây cao su đại điền và 25ha cao su tiểu điền, trên 100 ha cây quế, trên 100 ha cây giổi lấy hạt, 150 ha cây sả chế biến tinh dầu, cấc loại cây thảo quả, gai xanh. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp đề ra là phấn đấu đến năm 2025 thu hút được 2 dự án khai thác quỹ đất lâm nghiệp để trồng 13.500ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất bằng cây trồng đa mục đích (mắc ca, dổi, cây dược liệu, cây trồng khác có giá trị kinh tế cao). Đối với cây mắc ca, theo báo cáo của lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc, hiện nay đất quy chủ tích tụ được 2.700ha; phấn đấu đến hết năm 2022 dự kiến sẽ trồng hơn 700ha và dự kiến năm 2023 trồng được 2.450ha.
Năm 2021, tình hình thời tiết, khí hậu ngày càng phức tạp, nắng nóng, khô hanh diễn biến phức tạp, có chiều hướng khô hanh kéo dài hơn so với các năm trước. Đồng thời, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn nói chung và huyện Mường Nhé nói riêng diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng rất lớn liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cũng như công tác tuyên truyền, tuần tra bảo vệ rừng, hội họp triển khai nhiệm vụ của các lực lượng, việc kiểm tra, giám sát của tỉnh, huyện.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu cuối năm 2022, địa phương tập trung chỉ đạo kiểm lâm trong đơn vị thường xuyên theo dõi điểm cháy từ vệ tinh từ website của Cục Kiểm lâm, tổ chức kiểm tra, xác minh điểm cháy để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng thời, kịp thời tham mưu, huy động lực lượng chữa cháy ngay khi có cháy rừng xảy ra. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của xã, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn xã, tổ chức hiệp bàn để tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn nhân dân. Chỉ rõ vị trí, địa điểm canh tác, sản xuất nương rẫy cho nhân dân để tránh tình trạng người dân không biết vị trí canh tác, phát vào rừng”.
Dưới sự lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy, sự điều hành chính quyền địa phương, có thể thấy rằng, Nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Nhé đang dần đi vào cuộc sống. Đến nay, cơ bản, các mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết đề ra đang đi theo lộ trình dưới sự đồng thuận, nhất trí cao từ nhân dân.