Mường Ảng đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, những năm qua, huyện miền núi Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực cũng như thực hiện chương trình xã hội hóa giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
muong-ang-dot-pha-nang-cao-chat-luong-giao-duc-01-1660875465.jpg
Ông Nguyễn Đức Quang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) có 39 trường học, bao gồm 4 trường THPT, 10 trường THCS, 12 trường tiểu học và 13 trường học mầm non với hơn 14.500 học sinh. Các phong trào học tập ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở địa phương.

Trước thềm năm học mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng – ông Nguyễn Đức Quang.

PV: Thưa ông, trong những năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh các phong trào thi đua với nhiều hình thức thiết thực, phong phú, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cụ thể là bằng những phong trào, công việc như thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở địa phương?

Trong thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh, tổ chức có chiều sâu phong trào thi đua: Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập. Đây là phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước ngành GD huyện và các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh, huyện phát động, trong đó trọng tâm là các phong trào như: Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở, cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển, cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19, chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá giai đoạn 2021-2025… và các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Bộ, Sở, ngành, đoàn thể huyện, tỉnh, Trung ương phát động. Như phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập huyện (01/4/2007 - 01/4/2022); phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022)… thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo hằng năm.

Những phong trào thi đua được phát động bằng những việc làm cụ thể như chỉ đạo toàn ngành tập trung, đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập. Hàng năm, khuyến khích nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên nghiên cứu viết sáng kiến; thi đua làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác dạy và học. Thi đua xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, trong các Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện đều tham mưu cho UBND huyện khen thưởng kịp thời cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hội thi để động viên khích lệ, từ đó ngày càng có nhiều giáo viên tham gia Hội thi hơn. Thi các tiết học có ứng dụng CNTT… Qua đó nâng cao được chất lượng đội ngũ, chất lượng học sinh (Cô giỏi - Trò giỏi). Trong các đợt phát động phòng trào thi đua chào mừng các ngày lễ lớn… đều chỉ đạo các đơn vị có những nội dung, phần việc, công trình cụ thể, thiết thực để lập thành tích chào mừng…

muong-ang-dot-pha-nang-cao-chat-luong-giao-duc-02-1660875504.jpg
Giáo viên dạy mẫu trong buổi sinh hoạt chuyên đề cấp tổ, trường Tiểu học Xuân Lao

PV: Hiện nay, 100% giáo viên tại các trường đã xây dựng kế hoạch bài giảng bằng máy vi tính. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cũng không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm. Theo ông, điều này có khó khăn và những thuận lợi gì?

Điều thuận lợi là giúp giáo viên và học sinh dễ dàng thu thập, tổng hợp, lưu trữ được lượng kiến thức phong phú đa dạng và được cập nhật thường xuyên. Hỗ trợ giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng, giáo viên tiết kiệm thời gian xây dựng kế hoạch bài dạy hơn rất nhiều, việc chỉnh sửa và đưa thêm vào những kiến thức cần thiết trong kế hoạch bài dạy cũng trở nên dễ dàng hơn, người dạy có thể điều chỉnh kế hoạch bài giảng của mình bất cứ lúc nào mà không sợ việc phải viết lại và chép lại trên giấy. Hỗ trợ học sinh trong việc học tập, học sinh được tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn hơn phương pháp đọc - chép truyền thống; học sinh được tiếp cận công nghệ thông tin ngay từ khi còn ngồi học trên ghế nhà trường. Tạo hứng thú cho học sinh trong học tập. Kiến thức đa dạng và thường xuyên được cập nhật.

Nếu như trước đây, việc tiếp thu kiến thức được cung cấp từ sách vở và giáo viên thì hiện nay, nguồn kiến thức đa dạng này được cung cấp trực tuyến qua kết nối internet. Người thầy chủ yếu là người có vai trò tổ chức cho học sinh khám phá, tiếp thu kiến thức. Điều này đóng một vai trò to lớn trong quá trình đổi mới phương thức giảng dạy trong tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì những khó khăn trước mắt là: kiến thức, kĩ năng về công nghệ thông tin của một số giáo viên còn hạn chế, chưa thực sự sáng tạo, giáo viên có tuổi đời cao, săp nghỉ hưu có tâm lí ngại ứng dụng công nghệ thông tin.

Để ứng dụng công nghệ thông tin dạy học và dạy học lấy học sinh là trung tâm đạt hiệu quả cao, đòi hỏi mỗi giáo viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung dạy học phù hợp. Bởi giảo viên phải biết cách sử dụng và sử dụng thành thạo thì mới phát huy được tính hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy… Đa số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn chưa có điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin, nên việc tiếp thu kiến thức của học sinh cũng phần nào bị hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị như: camera, máy tính, máy in… dịch vụ internet, đường truyền giữa học sinh, giáo viên và nhà trường chưa thực sự ổn định, đặc biệt các vùng sâu vùng xa có nơi còn thiếu trang thiết bị gây khó khăn cho công tác dạy và học lấy học sinh làm trung tâm.

muong-ang-dot-pha-nang-cao-chat-luong-giao-duc-03-1660875465.jpg
Hoạt động trải nghiệm cho trẻ tại trường Mầm non Ẳng Cang

PV: Xác định đội ngũ là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, huyện Mường Ảng đã triển khai thực hiện các chính sách gì để hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu GD&ĐT?

Để đảm bảo các chế độ chính sách của nhà giáo theo đúng quy định, nhất là nhà giáo đang công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, chúng tôi đã tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng kiến thức về an ninh quốc phòng đối tượng 4; tập trung chỉ đạo bồi dưỡng sử dụng SGK mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 nhằm đảm bảo đến năm 2025, 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định của Luật giáo dục 2019.

Bên cạnh đó, quan tâm công tác thi đua khen thưởng, nhất là cán bộ, giáo viên các trường ở vùng sâu, vùng xa nhằm khuyến khích, động viên nhà giáo làm việc ở nơi khó khăn, đặc biệt là ở các điểm trường, phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, mến trẻ của các thầy cô giáo. Từ các giải pháp nêu trên, đến nay phòng GD&ĐT huyện có 12,9% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

PV: Là một trong những môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12, môn Tiếng Anh không chỉ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn góp phần hình thành và phát triển những năng lực chung, để sống và làm việc hiệu quả hơn và là ngôn ngữ thứ ba sau tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt. Trong năm học 2022-2023, huyện sẽ triển khai và áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với bộ môn tiếng Anh cụ thể như thế nào?

Căn cứ văn bản hướng dẫn của Sở, Phòng GD&ĐT huyện đã xây dựng kế hoạch số 332/KH-PGDĐT ngày 26/4/2022 về triển khai dạy học môn Tiếng Anh, môn Tin học cấp tiểu học năm học 2022-2023. Phương án triển khai thực hiện dạy môn tiếng Anh cụ thể như sau: Trước khi vào năm học mới 2022-2023, Phòng GD&ĐT rà soát, tham mưu sắp xếp lại mỗi trường có ít nhất 01 giáo viên dạy học môn Tiếng Anh (hiện tại có 13 giáo viên bố trí ở 09 trường, còn 3 trường TH Mường Đăng, TH Mường Lạn, PTDTBT TH Bản Bua không có giáo viên dạy Tiếng Anh).

Ưu tiên dạy trực tiếp cho 100% số học sinh lớp 3 (dự kiến có 41 lớp và 1186 học sinh lớp 3) kể cả học sinh tại các điểm trường lẻ theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Còn lại học sinh khối 4, khối 5 nếu nhà trường thiếu giáo viên tiếng anh có thể lựa chọn hình thức giáo viên dạy liên trường, liên cấp hoặc phương án học trực tiếp kết hợp với học trực tuyến (học tập trực tiếp qua lớp học ảo, một giáo viên tại một thời điểm có thể dạy cho nhiều hơn một lớp học ở những vị trí khác nhau).

muong-ang-dot-pha-nang-cao-chat-luong-giao-duc-04-1660875465.jpg
Lễ khánh thành điểm trường Chan III - Mầm non Ngối Cáy

PV: Có một thực tế, với các em dân tộc thiểu số, việc học bất kì ngoại ngữ quốc tế nào cũng trở thành ngôn ngữ thứ ba. Sẽ là thử thách đối với các em khi học ngoại ngữ, tiếp cận tiếng phổ thông quốc tế trong môi trường hội nhập toàn cầu, đồng thời giáo viên cũng bắt buộc phải biết sử dụng tiếng dân tộc của học sinh để giao tiếp với học sinh trong quá trình dạy học. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Việc học ngoại ngữ là thử thách đối với tất cả học sinh nói chung và đặc biệt khó khăn hơn đối với các em học sinh là người dân tộc thiểu số. Vì cùng lúc các em phải học ngôn ngữ thứ 3 và nhiều khi giữa thầy - trò bất đồng ngôn ngữ.

Muốn học tốt môn học này đòi hỏi mỗi giáo viên phải có năng lực, trình độ chuyên môn vững vàng và có kĩ năng rèn học sinh đảm bảo 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết… Do có bất đồng ngôn ngữ, giáo viên khi giảng dạy muốn tương tác giữa thầy và trò hiệu quả hơn phải sử dụng nhiều phương pháp như dùng tranh ảnh, video tình huống trực quan và đặc biệt là sử dụng tiếng mẹ đẻ của học sinh (sử dụng song ngữ) để giảng dạy, giúp giáo viên giải thích, lấy ví dụ cho học sinh dễ hiểu hơn, từ đó học sinh nắm chắc từ mới và sử dụng từ ngữ đúng văn cảnh...

Với yêu cầu trên, nhằm đáp ứng công tác giảng dạy nói chung và dạy học môn ngoại ngữ nói riêng, từ những năm học trước Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường trong huyện quan tâm cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp học tiếng dân tộc tại các Trung tâm GDNN-GDTX huyện, Trung tâm GDTX tỉnh tổ chức.

PV: Những kết quả đã đạt được của ngành GD&ĐT huyện Mường Ảng có đóng góp không nhỏ từ nguồn xã hội hóa. Xin ông chia sẻ thêm về công tác huy động xã hội hóa của địa phương?

Chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các nhà trường. Năm học 2021-2022 đã huy động các tổ chức, cá nhân tài trợ gần 6 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm thiết bị cho học sinh. Trong đó: Ủng hộ hiện vật được quy ra thành tiền tổng trị giá là 2.319.250.000 đồng (học bổng học sinh, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non 1.862.000.000 đồng; vở viết, quần áo, đồ dùng học sinh 457.250.000 đồng); tài trợ xây dựng cơ sở vật chất 3.395.000.000 đồng (xây 9 phòng học, 4 phòng công vụ, 2 nhà vệ sinh, sân bê tông).

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phi Thường - Khánh Loan