Tham dự Hội thảo có Ths.BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BVTW Huế, TS. BS. Mai Văn Tuấn- Trưởng khoa Vi sinh, BVTW Huế; TS. Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐH Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Dự án; GS.TS. Blackburn Jason Kenna, Đại học Florida, Hoa Kỳ và PGS.TS. Norris Michael Holt, Đại học Hawaii, Hoa Kỳ; lãnh đạo các đơn vị tham gia Dự án, cùng các cán bộ chuyên môn BVTW Huế, BV Trường ĐH Y Dược - ĐH Huế, BV Bạch Mai, BV Quân Y 103, BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An, BV đa khoa Hà Tĩnh, BV Đà Nẵng, BV đa khoa Bình Định, BV đa khoa vùng Tây Nguyên, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học- ĐH Quốc gia Hà Nội.
Các đại biểu đã nghe giới thiệu tổng quan về dự án, tổng kết kết quả đạt được giai đoạn 9/2023-5/2024; triển khai dự án giai đoạn 5/2024-12/2024; báo cáo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai… nhằm góp phần nâng cao năng lực của nhân viên xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị melioidosis tại các bệnh viện trong khu vực. Báo cáo cho thấy, trong giai đoạn 1, dự án đã góp phần nâng cao tỷ lệ phát hiện bệnh lên 17%. Sáng cùng ngày, trong khuôn khổ dự án đã diễn ra chương trình tập huấn xét nghiệm Melioidosis tại khoa Vi sinh, BVTW Huế.
Melioidosis là bệnh đặc hữu ở các vùng nhiệt đới nhưng ít được báo cáo trên toàn thế giới và chưa được nằm trong danh mục bệnh cần báo cáo ở Việt Nam. Tỷ lệ tử vong ở Melioidosis không được điều trị kháng sinh đặc hiệu có thể >50% và >90% nếu bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn. Ngay cả khi được dùng kháng sinh thích hợp, sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị, chăm sóc tích cực cũng có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong vào khoảng 40% ở nhiều vùng lưu hành dịch. Nếu chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong sẽ giảm <10%. Con người có nguy cơ nhiễm bệnh Melioidosis khi tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, khả năng lây truyền của Melioidosis từ động vật sang người hiện vẫn chưa được tập trung nghiên cứu. Do đó, việc nâng cao năng lực giám sát, năng lực phòng xét nghiệm, cải thiện khả năng chẩn đoán, điều trị, và tăng cường các chiến dịch y tế công cộng trên khắp Việt Nam là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh lý này.
Tại BVTW Huế, từ 2014- 5/2024, có khoảng 267 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn Burkhoderia pseudomallei, trong đó 50% bệnh nhân đến từ các vùng ngoại tỉnh, ở Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...; 50% bệnh nhân đến từ các địa phương của Thừa Thiên Huế. Đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2020, bệnh viện chỉ ghi nhận 11 bệnh nhân nhưng từ tháng 10 đến giữa tháng 11/2020, liên quan đến đợt lũ lụt lớn tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh khu vực Miền trung, bệnh viện ghi nhận đã có 28 bệnh nhân mắc bệnh này. Nhiều bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng..., điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan. Hiện tại khoa Visinh BVTW Huế được trang bị máy móc, trang thiết bị hiện đại: Máy cấy máu tự động BacT/Alert 3D 240, máy định danh và kháng sinh đồ tự động VITEK 2, máy định danh khối phổ VITEK MS (Maldi-Tof)…, đội ngũ nhân viên phòng xét nghiệm được đào tạo bài bản, có thể triển khai các xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nhân Whitmore nhập viện; ngoài ra bệnh viện còn tổ chức nhiều đợt chỉ đạo tuyến, tập huấn, đào tạo cho các bệnh viện tuyến dưới trong khu vực nâng cao năng lực của nhân viện phòng xét nghiệm trong phát hiện bệnh lý này.
Đặc biệt, từ năm 2014, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học hợp tác với CHLB Đức thực hiện Dự án RENOMAB để góp phần tích cực trong cải thiện khả năng xét nghiệm và báo cáo ca bệnh melioidosis.
Lần này, với sự hợp tác, hỗ trợ của Đại học Florida (Hoa Kỳ), Dự án triển khai quy mô lớn trên nhiều tỉnh thành của khu vực miền Trung – Tây Nguyên (từ tháng 8/2023 dự kiến đến năm 2028) hứa hẹn sẽ có được những kết quả rất tích cực trong chẩn đoán, điều trị và giám sát bệnh melioidosis tại Việt Nam góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc bệnh lý này cũng như giảm tỉ lệ bệnh tiến triển nặng, giảm tỉ lệ tử vong do bệnh lý này gây ra.