Phóng viên (PV): Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ là một trong những đơn vị đã nhanh chóng, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) - lực lượng trung tâm của nền kinh tế và hoạt động đổi mới sáng tạo. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
Ông Tạ Việt Dũng: Đổi mới sáng tạo trong DN tập trung vào các nội dung chủ yếu là đổi mới sản phẩm (bắt đầu từ nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới), đổi mới quy trình (bao gồm quy trình sản xuất, quy trình quản lý dựa trên công nghệ), đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức (phương thức) tiếp cận và phát triển thị trường.
Như vậy, đổi mới công nghệ có vai trò và tác động quan trọng đối với các nội dung và hoạt động đổi mới khác. Đối với các DN nói chung, đặc biệt là khối DN vừa và nhỏ hằng ngày phải đối diện với những khó khăn, thách thức cho sự tồn tại lại ít có điều kiện tiếp cận đến các cơ chế, chính sách của nhà nước thì việc giúp họ hiểu được bản chất và cơ hội do đổi mới sáng tạo đem lại cho sự phát triển doanh nghiệp của họ là rất quan trọng.
Do vậy, hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn công nghệ và hỗ trợ xúc tiến đầu tư đổi mới công nghệ là những hoạt động cần thiết, cần được tiến hành thường xuyên có hệ thống và tính chuyên nghiệp. Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ là cơ quan thuộc Bộ KH&CN có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ.
PV: Theo ông, hiện nay thực sự đã có đầy đủ các cơ chế, chính sách để khuyến khích các DN đổi mới sáng tạo hay chưa?
Ông Tạ Việt Dũng: Chủ trương và chiến lược thúc đẩy DN đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Thời gian qua, Bộ KH&CN đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và kết nối đầu tư…
Gần đây, Cục đã chủ trì, tham mưu lãnh đạo Bộ KH&CN trình Quốc hội thông qua nội dung hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ 2017 để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, viện trường, tổ chức KH&CN ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ...
Bên cạnh đó, Cục cũng đã triển khai các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy trực tiếp cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong DN. Qua đó đã góp phần hoàn thiện hành lang, pháp lý và tạo nên chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được các nguồn lực cần thiết trong nước và quốc tế để cùng triển khai các hoạt động hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo.
PV: Xin ông cho biết về định hướng triển khai các chương trình và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo do Cục quản lý triển khai trong thời gian tới?
Ông Tạ Việt Dũng: Trong giai đoạn tới, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ DN chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực KH&CN phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Với vai trò là cơ quan đầu mối, Cục sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các DN, đơn vị nghiên cứu, các tổ chức trung gian, Bộ. ngành, địa phương, tổ chức, mạng lưới chuyên gia quốc tế cùng tham gia, đẩy mạnh triển khai Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025...
Bên cạnh đó, từ hiệu quả đã đạt được của các hoạt động giai đoạn trước đã được các địa phương, doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, Cục sẽ tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai hoạt động kết nối cung cầu công nghệ; tổ chức thường xuyên có hệ thống, chuyên nghiệp đối với hoạt động tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp.
PV: Ông đánh giá như thế nào về các vấn đề đối với quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo hiện nay và một số đề xuất, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo trong thời gian tới?
Ông Tạ Việt Dũng: Hiện nay, cơ cấu thể chế và quản lý đổi mới sáng tạo tại Việt Nam bị phân tán với nhiều bên tham gia và hạn chế về điều phối. Bộ KH&CN trong rất nhiều trường hợp không đủ thẩm quyền để giải quyết một số vấn đề chính sách mạnh về đổi mới sáng tạo.
Nhiều chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo mạnh, mang tính vượt khung luật hiện hành đòi hỏi phải có quyết định liên ngành mà không một ngành riêng biệt nào có đủ thẩm quyền giải quyết. Cơ chế thực hiện chính sách thử nghiệm chưa thịnh hành và chưa được chấp nhận rộng rãi. Hoạt động đổi mới sáng tạo và thực thi chính sách, hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn khá phân tán với nhiều bên tham gia, đôi khi không có sự phối hợp, điều phối và thậm chí còn cạnh tranh với nhau, dễ dẫn đến khả năng trùng lặp và lãng phí nguồn lực...
Do đó, để giải quyết được các vấn đề này, đề xuất nội hàm về đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào việc giải quyết các vấn đề của quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo ở nước ta trong thời gian tới phải được thể chế hóa vào các Luật về KH&CN; trong đó tập trung vào một số nội dung:
Một là, thống nhất quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh mới. Hoàn thiện hành lang pháp lý và công tác quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia...
Hai là, xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo là Bộ KH&CN với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo.
Ba là, tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tháo gỡ các nút thắt, rào cản về luật pháp, chính sách kinh tế, tài chính, thủ tục hành chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!