Dự án Venona vén bức màn bí mật
Hoạt động của “Ngũ quái Cambridge” suôn sẻ cho tới khi thông tin giải mã từ một dự án có tên gọi Venona xác định danh tính một loạt điệp viên người Mỹ, Canada, Úc và Anh làm việc cho cơ quan tình báo Liên Xô, trong đó có các thành viên “Ngũ quái Cambridge”. Kể từ đây, danh tính thật của những “điệp viên vô giá” của Liên Xô dần hé lộ.
Venona là một dự án hợp tác giữa tình báo Mỹ và Anh. Dự án được được Cơ quan Tình báo tín hiệu quân đội Mỹ (SIS, hay còn gọi là Arlington Hall), tiền thân của Cơ quan An ninh quốc gia, khởi động vào ngày 1-2-1943 với mục đích kiểm tra và khai thác các thông tin ngoại giao đã được mã hóa của Liên Xô. Sau khi được chỉ định đến Washington D.C. làm liên lạc viên giữa M16 và CIA, Kim Philby đã thu được thông tin có giá trị về dự án này. Năm 1947, một báo cáo của SIS cho thấy lượng tin nhắn đã được mã hóa của Liên Xô chứa hàng chục, có thể là hàng trăm tên giả, được đặt để che giấu danh tính thật của các đặc vụ, tổ chức, người hoặc địa điểm của Liên Xô.
Hai năm sau, Robert Lamphere, một đặc vụ FBI phụ trách hoạt động phản gián Nga, cùng với các nhà phân tích mật mã từ Arlington Hall, phát hiện ra một nhân viên Đại sứ quán Anh đang gửi tin nhắn cho KGB. Mật danh của người này là “Homer”. Sử dụng phương pháp loại trừ, ba hoặc bốn người đã bị liệt vào danh sách tình nghi. Một trong số đó là Donald Maclean.
Ở địa vị của mình ở Washington D.C., Kim Philby nhanh chóng biết được thông tin Maclean là một trong những người bị tình nghi. Điều này đã gây áp lực rất lớn lên vai Philby, bởi vì nếu Maclean thú nhận, các điệp viên khác của “Ngũ quái Cambridge” cũng có khả năng bị lộ. Bản thân Philby có thể bị liên lụy không vì lý do nào khác ngoài mối quan hệ của ông với Maclean tại Cambridge. Trong thời gian đó, Burgess ngày càng nghiện rượu và Philby đã để Burgess ở dưới tầng hầm căn hộ của mình. Lo ngại về tình trạng nguy cấp của Maclean, Philby và Burgess đã lên một kế hoạch trong đó Burgess sẽ quay lại London để cảnh báo Maclean về việc sắp bị lộ mà không gây nghi ngờ.
Những tuần sau đó, khi Burgess đang lái xe để tham dự một hội nghị ở Nam Carolina, ông đã nhận được ba giấy phạt chạy quá tốc độ chỉ trong một ngày. Hai lần đầu tiên ông được thả nhờ quyền miễn trừ ngoại giao. Lần thứ ba, ông bị cảnh sát giam giữ trong vài giờ và được thông báo tới Bộ Ngoại giao và sau đó là Đại sứ quán Anh. Không lâu sau đó Burgess được gọi trở lại London. Kế hoạch vạch ra là Burgess sẽ đến thăm Maclean ở London để cảnh báo rằng khả năng ông đã bị phát hiện và cần phải đào tẩu sang Nga.
Kế hoạch ban đầu là chỉ Maclean chạy trốn, nhưng điều Philby không ngờ tới là 2 ngày trước khi bị thẩm vấn, Maclean và Burgess cùng chạy trốn đến bờ biển, lên một con tàu đến Pháp và một đi không trở lại. Một số người cho rằng đó là kế hoạch của Liên Xô vì vào thời điểm đó Burgess có lẽ đã không còn hữu ích, nhưng vẫn còn quá giá trị nếu rơi vào tay người Anh.
Cuộc đào tẩu của bộ đôi này gần như đã làm tan rã hoàn toàn “ngũ quái” gián điệp. Trước đó, chỉ có Maclean bị nghi ngờ là gián điệp của Nga. Việc Burgess biến mất đã khiến Philby bị nghi ngờ và bị triệu hồi về London và tạm nghỉ trong khi chờ điều tra. Điều này cũng dẫn đến các cuộc điều tra về Cairncross và Blunt. Blunt là người đã góp tay vào việc đào tẩu khi vờ giúp MI5 điều tra Burgess.
Anh hùng hay kẻ tội đồ
Khó có thể ước lượng tổng thiệt hại mà “Ngũ quái Cambridge” gây ra cho Anh. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng nhóm này đã khiến Chính phủ Anh bối rối và làm tổn hại niềm tin mà Mỹ dành cho tình báo Anh. Về phía Liên Xô, “ngũ quái” được cho là cũng đã cung cấp những thông tin có lợi cho nước này trong một số thời điểm quan trọng.
Việc “Ngũ quái Cambridge” bại lộ đã khiến Anh lúng túng và đặt câu hỏi lớn về “Cơ sở” điệp báo và tính hiệu quả của các hoạt động tình báo của Anh vào thời điểm đó. Liên Xô nhận ra rằng điểm yếu trong chính phủ Anh là mạng lưới của các“Cơ sở”. Đây là lý do KGB nhắm đến Đại học Cambridge, nơi quy tụ các sinh viên xuất thân từ các gia đình danh giá. Một ví dụ điển hình cho việc nơi này dễ dàng bị xâm nhập và khai thác là trường hợp Burgess. Burgess đã dễ dàng bước vào MI6 mà không phải trải qua bất cứ quy trình kiểm tra nghiêm ngặt nào. Thay vào đó, chỉ cần các mối quan hệ cá nhân cùng với sự tiến cử từ các thành viên khác của “Cơ sở” là đủ để giúp Burgess dễ dàng có được một vị trí trong cơ quan an ninh nước ngoài của Anh.
Trong khi Anh đang nỗ lực “tóm” các điệp viên Liên Xô, Kim Philby với vai trò là trưởng bộ phận phản gián của MI6 đã khiến những nỗ lực này của Anh trở nên vô nghĩa. Ông được xem là “mỏ vàng” thông tin của KGB. Những thông tin tối mật từ Philby đã giúp Liên Xô đi trước một bước trong mã thám hoặc kiến thức về mạng lưới gián điệp. Điều này cho phép các điệp viên bị nghi ngờ đào tẩu trước khi họ bị bắt. Tệ hơn nữa, việc Philby nắm được danh tính của hầu hết các điệp viên người Anh và cả người Mỹ đang làm việc tại Liên Xô cũng giúp KGB loại bỏ hoặc cố tình chuyển cho họ những thông sai.
Liên quan đến việc phát triển khả năng răn đe hạt nhân, cả Maclean và Burgess đều có quyền truy cập và chuyển các bản sao tài liệu phát triển vũ khí hạt nhân cho KGB. Điều này có nghĩa là những tiến bộ của Mỹ và Anh trong cuộc chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh đã bị “Ngũ quái Cambridge” làm suy yếu ở một mức độ nào đó.
Trong thời gian làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Washington D.C., Donald Maclean là nguồn cung cấp thông tin chính cho Stalin về thông tin liên lạc và phát triển chính sách giữa Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, và sau này là Thủ tướng Churchill và Tổng thống Mỹ Harry S. Truman. Maclean cũng cung cấp cho Liên Xô thông tin về Dự án Manhattan (dự án nghiên cứu và phát triển bom nguyên tử đầu tiên trong Chiến tranh Thế giới thứ hai). Với tư cách là đại diện của Anh trong Hội đồng Mỹ-Anh-Canada về chia sẻ bí mật nguyên tử, Maclean đã cung cấp cho người Nga thông tin mở đường cho việc phát triển bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô. Những báo cáo của Maclean về việc phát triển và tiến độ phát triển bom nguyên tử đã giúp Liên Xô ước tính lượng uranium có sẵn ở Mỹ. Cùng với thông tin từ các đặc vụ khác, những báo cáo của Maclean tới người phụ trách phía KGB đã giúp Liên Xô không chỉ chế tạo được bom nguyên tử mà còn ước tính sức mạnh tương đối của vũ khí hạt nhân của họ so với Mỹ.
Trong khi đó, với vai trò là thư ký riêng cho Maurice Hankey, một quan chức cấp cao của Anh có liên quan đến Tube Alloys, chương trình nguyên tử bí mật của Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Cairncross đã trao cho Moscow danh sách các nhà khoa học nguyên tử Mỹ và cũng có thể đã làm rò rỉ thông tin về báo cáo đánh giá triển vọng chế tạo bom uranium của Anh năm 1941.
Sau khi vụ “Ngũ quái Cambridge” bị phanh phui, cơ quan tình báo và phản gián hai nước Anh và Mỹ đã đổ lỗi cho nhau về việc thẩm tra và bổ nhiệm đối tác phối hợp chiến dịch tình báo. Trong một thập kỷ sau khi Burgess và Maclean đào tẩu, lực lượng tình báo Anh và Mỹ hạn chế chia sẻ thông tin vì lòng tin của Mỹ đối với Anh đã bị suy giảm. Tuy lòng tin giữa hai quốc gia đã được xây dựng lại theo thời gian, nhưng sự rạn nứt giữa hai quốc gia đã làm chậm quá trình phát triển khả năng răn đe hạt nhân của Anh.
Về phía Liên Xô, những thông tin gián điệp của “Ngũ quái Cambridge” đã giúp nước này trong một số thời điểm quan trọng. Trong các thành viên của nhóm, cả Anthony Blunt và John Cairncross đều làm việc tại Bletchley Park, nơi tình báo Anh phân tích các bức điện mật của Đức quốc xã. Vị trí này cho phép họ thu thập được nhiều thông tin tối quan trọng, đặc biệt là thông tin liên quan tới độ dày vỏ thép của xe tăng và di chuyển của máy bay không quân Đức trước khi trận Kursk diễn ra. Những thông tin tuyệt mật này đã giúp Liên Xô có phương án đối phó và mở đòn tiến công phủ đầu tiêu diệt hàng trăm máy bay của Đức. Trận Kursk thắng lợi cũng đã mở ra một bước ngoặt then chốt trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc của Hồng quân Liên Xô.
Khi đề cập đến gián điệp và phản gián, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các bộ phim James Bonds hay các cuốn tiểu thuyết gián điệp của John LeCarre và Graham Greene. Thế nhưng, cuộc sống và hoạt động của những điệp viên “Ngũ quái Cambridge” được đánh giá là vượt qua sức tưởng tượng về các điệp viên quốc tế và sẽ khó có tác phẩm điện ảnh hay văn học nào có thể lột tả đầy đủ. Cho tới nay, “ngũ quái” này vẫn kích thích không ít trí tưởng tượng của nhiều người bởi nhiều câu chuyện liên quan hoạt động gián điệp của họ vẫn còn là bí mật.
Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.