Sau khi Polyakov bị kết tội gián điệp, nhiều thông tin đã được hé lộ, đặt ra nhiều câu hỏi điệp viên nhị trùng (điệp viên làm việc cho hai bên đối nghịch) này là ai và đã từng làm những việc gì trong những năm cuối sự nghiệp của mình.
Gia cảnh
Sinh năm 1921 tại Ukraine trong một gia đình có bố là một kế toán viên, Dmitri Polyakov là sĩ quan pháo binh Nga từng tham gia Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, từng được tặng nhiều huân chương vì những cống hiến của mình trong suốt cuộc chiến. Nhìn vào gia thế và vẻ bề ngoài của Polyakov, ít ai có thể nghĩ rằng đây là một điệp viên nhị trùng.
Sau chiến tranh, Polyakov được đánh giá là sĩ quan đầy triển vọng nên được cử đi học tiếp tại Khoa Tình báo, Học viện Frunze, sau đó về công tác tại Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Polyakov được nhìn nhận là sĩ quan có trách nhiệm với công việc và được đánh giá là “tài sản” đáng tin cậy của GRU. Những người tiếp xúc với Polyakov đều ấn tượng bởi sự thông minh, tính kỷ luật và tính cách quyết liệt của sĩ quan tình báo này.
Tháng 5/1951, Dmitri Polyakov được bổ nhiệm vào phái đoàn quân sự Liên Xô tại Liên hợp quốc và làm việc tại New York trong 5 năm. Đây là thời điểm mà mối quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp nhằm chống lại mối đe dọa của Đức quốc xã và Đế quốc Nhật đang dần tan rã và chuyển thành một cuộc chiến tranh giành sự ảnh hưởng kéo dài hàng thập kỷ ở châu Âu và nhiều nơi khác. Bắt đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chỉ những ai trung thành và được kiểm tra nghiêm ngặt nhất mới được lựa chọn để thực hiện các nhiệm vụ ở nước ngoài.
Một số thành viên của phái bộ Liên Xô tại Liên hợp quốc sống tại khu dinh thự cũ của gia đình Pratt ở Glen Cove (Long Island), vốn được xây dựng cho một số gia đình tài phiệt nổi tiếng. Một số khác sống trong các tòa nhà chung cư của Liên Xô, bao gồm một căn hộ ở địa chỉ 680 Park Avenue. Trong suốt 5 năm tại New York, không một ai biết Polyakov đã sống với vợ là Nina và 3 cậu con trai của mình ở đâu.
Năm 1956, Polyakov và gia đình trở lại Liên Xô và tiếp tục công việc của mình tại GRU. Là một sĩ quan quân đội cấp cao, ông ta bắt đầu một loạt luân chuyển thường xuyên từ Moscow đến các đại sứ quán Liên Xô ở nước ngoài. Trong lĩnh vực này, công việc tình báo của Polyakov là tuyển dụng và giám sát những điệp viên ngầm sống bên ngoài Liên Xô. Những điệp viên này thu thập và chuyển những thông tin tuyệt mật về cho GRU. Cũng giống như Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), tổ chức của Polyakov dựa vào một mạng lưới rộng lớn những người chuyển tin như thế này để tìm cách truy cập vào dữ liệu công nghệ quân sự và thu thập thông tin về chính sách đối ngoại nhạy cảm của Mỹ. Trong thập niên 1950, Polyakov làm việc ở Đông Berlin, có trách nhiệm đưa những người này ra và vào thủ đô bị chia cắt của Đông Đức. Năm 1961, với cấp bậc trung tá, Polyakov trở lại New York để làm việc tại Phái đoàn Liên Xô tại Liên hợp quốc và có những cuộc tiếp xúc đầu tiên với các nhân viên tình báo Mỹ.
Hành trình phản bội
Vào thời điểm đó, điệp viên của Liên Xô và Mỹ rải khắp thế giới. Họ được giao nhiệm vụ tìm hiểu mọi thứ về đời sống, những ưu tiên cũng như tiềm lực quân sự của hai bên. Đối với Mỹ, công việc này khó khăn hơn bởi mức độ bảo mật cao của tình báo Liên Xô. Polyakov được GRU giao nhiệm vụ đầu tiên là chỉ đạo các điệp viên của Liên Xô tại New York.
Tại trụ sở Liên hợp quốc, Polyakov đã tiếp cận tướng Lục quân Edward O'Neill và yêu cầu được liên lạc với cơ quan tình báo Mỹ. Tháng 11/1961, tại một buổi tiếp, Edward O'Neill đã sắp xếp một cuộc gặp bí mật giữa Polyakov với John Mabey, một đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) có mật danh là “Operation Courtship” với nhiệm vụ là thu phục các điệp viên Liên Xô tại phái bộ. Đây được xem là một bất ngờ lớn bởi không ai nghĩ rằng Polyakov lại là người chủ động đề nghị cung cấp thông tin tình báo.
Ban đầu Polyakov tỏ ra khá thận trọng và do dự, nhưng với khả năng thuyết phục của một đặc vụ dày dặn kinh nghiệm, Mabey đã khiến viên sĩ quan tình báo Liên Xô mềm lòng tại các cuộc gặp sau đó. Tháng giêng năm sau, công việc bắt đầu. Polyakov được yêu cầu cung cấp mật danh và danh sách nhân sự của các cơ sở điệp báo của Liên Xô. Điệp viên nhị trùng này đã thực hiện yêu cầu một cách nhanh chóng và trở thành đặc vụ của FBI với mật danh là “Tophat” (cũng được gọi với mã 3549S) cho đến mùa thu năm 1962, khi trở về nước.
Trong cuốn “Near and Distant Neighbours: A New History of Soviet Intelligence” (Tạm dịch: Những láng giềng gần xa: Lịch sử tình báo Xô viết mới”, Jonathan Haslam đã miêu tả “cách thức tiếp cận đầu tiên của một quan chức cấp cao Liên Xô như Polyakov là chưa từng có”.
Mùa thu năm 1962, khi Polyakov đang cùng vợ trên tàu chở khách viễn dương Queen Elizabeth II trở về Moscow thì các nhân viên FBI đã bí mật gặp mặt. Tại cuộc gặp gỡ bí mật này, Polyakov tiết lộ tên của 4 sĩ quan quân đội Mỹ được GRU và KGB trả tiền để cung cấp thông tin mật. Trong số các sĩ quan Mỹ bị Polyakov chỉ điểm có Trung sĩ Jack Dunlap, tài xế và người truyền tin cho các lãnh đạo của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) là tướng Robert Coverdale và Thomas Watlington.
Biết mình bị lộ, Dunlap tự sát thành công vào ngày 22/7/1963, sau 2 lần tự sát bất thành. Những người tiếp theo bị Polyakov “chỉ mặt đặt tên” là Trung sĩ Herbert Boeckenhaupt, kỹ thuật viên truyền thông của Không quân Mỹ (bị bắt năm 1966); Trung tá William Henry Wahlen, người đứng đầu bộ phận mật mã tại Bộ Tham mưu liên quân từ tháng 12-1959 đến tháng 3-1961 và sau đó là tại Lầu Năm Góc với tư cách là người được tiếp cận với các kế hoạch quân sự (cũng bị bắt vào năm 1966) và Nelson Drummond, một hạ sĩ quan hải quân Mỹ bị mua chuộc để tiết lộ những dữ liệu kỹ thuật hải quân và thông tin tuyệt mật của NATO.
Với những thông tin mà Polyakov cung cấp, Mabey và các nhân viên tình báo khác của Mỹ đều mong muốn được tiếp cận sâu hơn nữa với những thông tin mật của Liên Xô thông qua điệp viên này. Tuy nhiên, việc gặp gỡ với bất kỳ ai trong chương trình, thậm chí có liên hệ từ xa với các chương trình thu thập thông tin tình báo nước ngoài là quá rủi ro đối với một nhân vật cao cấp như Polyakov. Trong một cuộc phỏng vấn với Cục Lưu trữ an ninh quốc gia của Đại học George Washington năm 1998, Mabey kể lại rằng, bằng tín hiệu được thỏa thuận trước, Mabey và cộng sự đã chạy một quảng cáo rao vặt trên tờ New York Times với nội dung “Moody, Donald F, hãy viết như đã hứa” để kết nối với Polyakov. Mabey ước tính rằng FBI bắt đầu kết nối với điệp viên nhị trùng người Nga này bằng cách chạy các quảng cáo rao vặt vào năm 1963, nhưng các nhà sử học về Chiến tranh Lạnh cho rằng việc này diễn ra từ tháng 5-1964.
Polyakov cuối cùng đã liên lạc được với các đặc nhiệm tình báo Mỹ ngay trước khi được bổ nhiệm làm tùy viên quân sự tại thủ đô Rangoon, Myanmar vào năm 1965. Tại đây, những rào cản về ngôn ngữ buộc FBI phải yêu cầu sự giúp đỡ từ các nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), những người chuyên xử lý thông tin tình báo thu thập từ nước ngoài. Các sĩ quan CIA đã đặt cho Polyakov mật danh “Bourbon” để thay thế cho mật danh “Tophat” mà FBI đã đặt trước đó.
Phải mất nhiều năm Polyakov mới giành được sự tin tưởng của CIA, bởi họ luôn tỏ ra nghi ngờ điệp viên nhị trùng này cố tình cung cấp những thông tin sai lệch cho các nhân viên tình báo Mỹ. Tuy nhiên, những hoài nghi, ngờ vực dần biến mất khi Polyakov cung cấp nhiều thông tin quan trọng chưa từng có. Cụ thể, Polyakov tiết lộ thông tin về việc Frank Bossard, một người đàn ông người Anh làm việc cho Bộ Hàng không Vương quốc Anh, đã bán nhiều tài liệu mật cho các đặc vụ Liên Xô. Năm 1965, Bossard bị bắt và bị kết án 10 năm tù.
Là người có vị trí tốt trong quân đội và được thăng quân hàm nhiều lần trong GRU, Polyakov có quyền truy cập vào nhiều loại thông tin “mật” trong bộ máy tình báo của Liên Xô. Các thông tin tình báo chưa từng có liên tiếp được chuyển đến không những khiến những hoài nghi của CIA tiêu tan mà còn giúp Polyakov được đánh giá là “viên đá quý trên vương miện”.
Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.
(còn nữa)