Giả mạo danh tính để lừa đảo là hình thức tội phạm phổ biến nhất thế giới hiện nay. Thống kê của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho thấy từ năm 2017 đến 2021, có gần 1,5 triệu vụ lừa đảo danh tính, tương đương với gần 800 vụ xảy ra mỗi ngày trên mạng internet, đặc biệt là mạng xã hội. Con số các hoạt động lừa đảo khác diễn ra trên mạng thì còn lớn hơn rất nhiều lần gồm các hoạt động lừa đảo từ nhỏ đến lớn. Tuy nhiên, lừa đảo đến độ táo tợn và ngoạn mục như trường hợp của Gilbert Chikli và đồng phạm thì lịch sử tội phạm thế giới chưa từng ghi nhận.
Trong hai năm, từ cuối 2015 tới 2017, các đối tượng lừa đảo gồm 2 chủ mưu là Gilbert Chikli và Anthony Lasarevitsch cùng 4 đồng phạm khác đã sử dụng mặt nạ silicon giả danh Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian để lừa gạt nhiều nạn nhân, trong đó có tỷ phú Aga Khan, ông chủ thương hiệu rượu vang Château Margaux... Trong vụ án hy hữu này, số tiền lừa đảo lên tới 80 triệu Euro (khoảng 90 triệu USD). Các đối tượng khiến các nạn nhân tin rằng họ đang kết nối với Bộ trưởng Le Drian và sau đó vị “bộ trưởng” này đề nghị họ quyên góp tài chính để chi trả tiền chuộc các nhà báo bị phiến quân bắt giữ tại Trung Đông.
Viện dẫn lý do Pháp không chấp nhận trả tiền chuộc một cách chính thức cho các con tin bị bắt cóc bởi các tổ chức khủng bố, vị “bộ trưởng” giả đề nghị những khoản tiền quyên được dành chuộc các con tin phải được chuyển tới một ngân hàng ở ngoài nước Pháp để không bị lần ra dấu vết. Rất nhiều người bị tiếp cận đã nhận ra dấu hiệu lừa đảo và không tiếp tục liên lạc với các đối tượng nữa. Tuy vậy, đã có một số người sập bẫy và như vậy là đủ để vụ việc trở thành một trong những cú lừa ngoạn mục, lạ lùng và thành công nhất trong lịch sử tội phạm thế giới.
Theo Delphine Meillet, luật sư của Bộ trưởng Le Drian, “Mọi chi tiết trong câu chuyện này đều hết sức đặc biệt. Các đối tượng đã mạo danh một vị bộ trưởng đương nhiệm của nước Pháp, liên hệ với giám đốc điều hành các tập đoàn lớn và người đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới, và yêu cầu họ gửi những khoản tiền lớn. Hành động của chúng là hết sức táo tợn”. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao chúng chọn Bộ trưởng Le Drian thì tới nay người ta vẫn chưa hoàn toàn lý giải được. Có lẽ lý do chính để các đối tượng chọn ông là vì Bộ trưởng Quốc phòng Pháp có nhiệm vụ giải quyết các yêu cầu liên quan tới các con tin.
Chân dung siêu lừa thế kỷ
Sau khi bắt giữ Gilbert Chikli, một nhân vật người Israel gốc Pháp được cho là chủ mưu của vụ siêu lừa thế kỷ này, các cơ quan chức năng Pháp đã tích cực điều tra vụ việc với các cáo buộc và án phạt cho 2 tội danh là lừa đảo có tổ chức và giả mạo danh tính người khác.
Gilbert Chikli sinh ra trong một gia đình Do Thái gốc Tunisia và lớn lên trong khu phố của người lao động Belleville, Bắc Paris. Năm 2015, gã đã bị truy tố với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số tập đoàn của Pháp bằng cách giả dạng là giám đốc điều hành của các tập đoàn này. Tuy nhiên, ở thời điểm bị truy tố với tội danh đó, Gilbert Chikli đang sống tại Israel, vốn rất hiếm khi dẫn độ công dân nước mình sang nước khác.
Theo kết quả điều tra, vụ lừa đảo đầu tiên mạo danh Bộ trưởng Le Brian được thực hiện không lâu sau khi Gilbert Chikli bị cáo buộc lừa đảo tiền của các doanh nghiệp. Gã cũng đã tìm cách lừa Chính phủ Tunisia, yêu cầu chính phủ nước này trả tiền cho “thương vụ” mua một số trực thăng Tiger “ma”, vốn chưa từng bao giờ được đặt hàng. Theo bản hợp đồng giả mạo, viên “bộ trưởng” giả đã ký hợp đồng yêu cầu chi trả hàng triệu Euro. Rất may là bản hợp đồng đã bị phát hiện là giả mạo vào phút chót.
Sau thất bại đó, siêu lừa Gilbert Chikli và đồng bọn chuyển hướng, nhắm tới “những người bạn của nước Pháp”, yêu cầu họ quyên tiền để trả tiền chuộc cho các con tin bị các lực lượng Hồi giáo cực đoan bắt giữ. Theo luật sư Delphine Meillet, các đối tượng đã thực hiện rất nhiều cuộc gọi tới các doanh nghiệp, lãnh đạo chính phủ các nước châu Phi, và cả một số cha xứ tại nhiều nhà thờ như ở Tổng giáo phận Bordeaux và một số tổ chức từ thiện khác như Sidaction.
Vụ lừa đảo bắt đầu bằng một cuộc điện thoại tới một nạn nhân tiềm năng. Người gọi điện tự xưng là đại diện của Bộ trưởng Le Drian, ví dụ như cố vấn đặc biệt của bộ trưởng. Người này nói sẽ sắp xếp một cuộc nói chuyện với “bộ trưởng”. Sau đó, các cuộc gọi từ “bộ trưởng” sẽ bắt đầu. Ban đầu, các cuộc gọi vẫn được thực hiện qua điện thoại. Sau đó, nhằm gia tăng lòng tin của nạn nhân, các đối tượng đưa việc liên lạc lên một mức cao hơn – video call. Lúc này, Bộ trưởng Le Drian giả sẽ xuất hiện, không chỉ có giọng nói giống như Bộ trưởng Le Drian thật mà còn có cả hình ảnh nữa. Để làm được điều đó, các cuộc gọi được thực hiện trên ứng dụng Skype. Kẻ giả mạo đeo mặt nạ silicone và ngồi trong một không gian bố trí giống như trong văn phòng bộ trưởng, có cờ và chân dung Tổng thống phía sau. Nếu để ý kỹ, nạn nhân vẫn có thể phát hiện ra trò bịp này, nhưng các đối tượng đã khôn khéo bố trí cho kẻ đóng thế ngồi ở vị trí thiếu sáng và xa camera. Chúng cũng sắp xếp sao cho đường truyền Internet rất yếu, khiến cho cuộc đàm thoại chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, đủ để chúng giăng bẫy các nạn nhân tiềm năng.
Guy-Petrus Lignac, ông chủ đế chế rượu vang Petrus, một trong những người bị các đối tượng nhắm đến, cho biết: “Giờ đây nghĩ lại tôi phải tự đặt cho mình rất nhiều câu hỏi. Nhưng quả thật trông gã rất giống Bộ trưởng Le Drian! Kẻ giả mạo yêu cầu trợ giúp tài chính vì lợi ích quốc gia. Thật đáng sợ, bởi nếu Gilbert Chikli chỉ cần yêu cầu một khoản tiền ít hơn một chút thôi thì có lẽ tôi đã đồng ý”.
Luật sư Delphine Meillet hiện đang nắm trong tay một danh sách dài các nạn nhân của nhóm lừa đảo. Thế nhưng chẳng ai trong số họ muốn công khai tên tuổi và nói về việc họ bị lừa cả. Trong số 80 triệu Euro bị lừa, hơn một nửa là từ một doanh nhân người Thổ Nhĩ Kỳ (theo The New York Times thì đây là doanh nhân İnan Kıraç). Tỷ phú Aga Khan cũng bị lừa 18 triệu Euro. Một trong những người không sập bẫy của các đối tượng và nhận ra đây là một trò bịp là Tổng thống Senegal Macky Sall. Tổng thống Macky Sall cũng chỉ nhận ra trò bịp khi đối tượng giả mạo gọi ông bằng vous (bạn – từ dùng trong văn cảnh trang trọng) một cách quá lịch thiệp trong khi ông và Bộ trưởng Le Drian, vốn đã quen biết nhau từ lâu, thường lại xưng hô với nhau bằng đại từ tu (bạn – từ thân mật).
Hành trình di lý
Trong lần bị truy tố trước đây vào năm 2015, siêu lừa Gilbert Chikli đã may mắn khi đang ở Israel và không bị dẫn độ. Nhưng trong chuyến hành hương tới viếng mộ một giáo trưởng nổi tiếng ở Ukraine vào tháng 8/2017, gã đã không còn may mắn nữa. Tại Ukraine, gã bị bắt theo yêu cầu từ phía Pháp.
Nhưng ngay cả khi bị bắt ở Kiev, Gilbert Chikli vẫn tỏ ra là một tay ăn chơi, sang chảnh. Tại đây, gã đã chi tiền cho cai ngục để đổi lấy một chiếc tủ lạnh chứa đầy bít tết và rượu vodka, sau đó đăng clip lên mạng xã hội chế nhạo hệ thống tư pháp của Pháp. Đây quả một ý tưởng tồi! Bởi sau khi được thả, Gilbert Chikli gần như bị bắt lại ngay lập tức và lần này thì bị dẫn độ sang Pháp.
Thường thì việc dẫn độ sẽ đóng lại một vụ án như vậy. Nhưng vụ án kỳ lạ này thì khác. Ngay khi Gilbert Chikli bị bắt, câu chuyện lại nảy sinh thêm đoạn kết dị thường. Sau khi Gilbert Chikli chính thức bị tống giam vào đầu năm 2019 thì vụ lừa đảo lại tiếp tục diễn ra. Các báo cáo điều tra cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Pháp giả mạo lại tiếp tục xuất hiện và tìm cách lừa tiền của những “người bạn có ảnh hưởng của nước Pháp”. Vụ việc chỉ kết thúc khi 5 kẻ tòng phạm khác bị bắt ở Tel Aviv với kết cục Gilbert Chikli và Anthony Lasarevitsch lần lượt nhận 11 năm và 7 năm tù giam cùng khoản tiền phạt lần lượt là 2 triệu và 1 triệu Euro. Những kẻ tòng phạm còn lại chịu mức án nhẹ hơn. Trong số khoảng 80 triệu Euro bị lừa đảo, một số giao dịch đã kịp bị đóng băng, nhưng thông qua giao dịch của nhiều tài khoản trao đổi qua lại, đã có tới 50 triệu Euro biến mất không còn dấu vết.
Vụ lừa đảo cho thấy nó không chỉ do một kẻ chủ mưu mà là cả một tập thể gồm nhiều đối tượng tập hợp lại và tất cả đều được huấn luyện để đóng giả Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian. Gilbert Chikli chỉ là một trong số đó. Vụ án đã đóng lại nhưng không gì có thể phủ nhận được một sự thật: Đây là một trong những vụ lừa đảo dị thường, oái oăm và táo tợn nhất trong lịch sử tội phạm học.
Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.