Hệ thống hạ tầng đô thị tại Việt Nam, thực trạng và giải pháp

Trong nhiều đề án Thành phố thông minh, Đô thị thông minh, phần quy hoạch chủ yếu đưa ra các vấn đề như công bố quy hoạch, cập nhật quy hoạch hạ tầng mới… Tuy nhiên, để đảm bảo tính xuyên suốt và thống nhất thì yếu tố thông minh phải được đưa ngay từ khi nghiên cứu lập quy hoạch.

Thực trạng hạ tầng đô thị Việt Nam

z4727136446339-a6e616b89dfaf0022cf1c218cd76d65d-1695699506.jpg
Đô thị thông minh có nhiều yếu tố kết hợp với nhau (Ảnh minh họa)

Trong thời gian qua, giá trị sản xuất ngành Xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Ngành Xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng còn một số vấn đề bất cập, như một số quy hoạch xây dựng còn thiếu tầm nhìn, triển khai chưa đồng bộ giữa các loại và cấp độ quy hoạch dẫn tới việc triển khai chương trình, dự án còn chậm, nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ dự án, công trình trọng điểm quốc gia có những thời điểm còn thiếu và chưa ổn định, thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Riêng đối với lĩnh vực hạ tầng đô thị, thực tế tại các địa phương cũng cho thấy, công tác quản lý phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế đô thị, đặc biệt đối với hạ tầng giao thông, thu gom và xử lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải.

Bên cạnh phát triển nhà ở bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, Hà Nội cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở...

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, đã cân đối bố trí đủ vốn để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư. Triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở cho thuê phục vụ công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra các dự án, tập trung vào các dự án chậm triển khai năm 2022, 2023, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án.

Cần nhiều giải pháp theo xu hướng thông minh hóa đô thị

z4727136452204-dfd2bc71c9cbd03b796f71017f6acf34-1695699506.jpg
Đô thị thông minh kết hợp giữa công nghệ và trí tuệ con người (Ảnh minh họa)

Nhận định và đánh giá về đô thị thông minh trên thị trường, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), ông Đỗ Viết Chiến, chia sẻ: “Việc xây dựng đô thị thông minh đang trở thành một xu hướng tất yếu của thế giới, trong bối cảnh khí hậu biến đổi ngày càng khắc nghiệt”. 

Cũng theo ông Chiến, những dự án đô thị có quy hoạch bài bản, đảm bảo việc có thể hiện thực hóa được những bản vẽ đẹp thành những khu đô thị có thể sử dụng được và cho con người sử dụng sẽ luôn được đánh giá cao và có giá trị vượt trội hơn nhiều so với dự án khác. Ngược lại, những dự án nhỏ lẻ sẽ không còn nhận được sự quan tâm và không tạo được sức hút giống như những dự án lớn đang được ứng dụng các giải pháp thông minh. 

Việc quy hoạch đô thị thông minh thể hiện qua các giải pháp tổ chức cấu trúc đô thị về chức năng sử dụng thuận tiện, tiết kiệm thời gian và quãng đường di chuyển, giữ được các đặc trưng giá trị văn hóa lịch sử, phát huy tiềm năng động lực phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch thông minh khai thác hài hòa các yếu tố tự nhiên về địa hình, địa chất, cảnh quan, khí hậu…giảm chi phí đầu tư xây dựng đô thị, tiết kiệm năng lượng và vẫn tạo được môi trường sống tốt, hài hòa với thiên nhiên.

Đáng chú ý, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Trong khi đó, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên, đại diện Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho rằng đô thị hoá thông minh là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 06-NQ-TW ban hành vào đầu năm 2022 vừa qua.

Trong quy hoạch đô thị thông minh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đóng vai trò nền tảng. Thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh sẽ giảm được chi phí đầu tư xây dựng mà tăng được hiệu quả sử dụng vận hành. Với từng hệ thống ngoài việc thiết kế thông minh hiệu quả, việc áp dụng công nghệ thông tin thu thập dữ liệu, tự động hóa điều phối vận hành để nâng cấp sẽ tăng cao hiệu quả mà không nhất thiết cần đầu tư xây dựng thêm.

Sự kết hợp liên thông hỗ trợ và điều phối giữa các hệ thống hạ tầng với nhau cũng sẽ làm tăng đáng kể hiệu quả hoạt động. Chẳng hạn: kết hợp giữa hệ thống thoát nước với giao thông ngầm, kết hợp giữa thoát nước xử lý nước thải với thoát nước mặt, tái chế các chất thải rắn, lỏng…cho phân bón hoặc tạo năng lượng.

Theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chuyên môn, phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam sẽ được triển khai trên cơ sở giải quyết các vấn đề của quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh, thực hiện các dịch vụ, tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin - cơ sở dữ liệu lớn và xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, phát huy bảo tồn và giữ gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã bắt tay vào xây dựng, phê duyệt và triển khai các đề án, dự án, định hướng phát triển đô thị thông minh, tìm kiếm và triển khai các giải pháp cho xây dựng đô thị thông minh.

Đô thị thông minh với những ưu thế, tiện ích vượt trội là đích đến sẽ dần được hiện hữu tại các địa phương trong tương lai. Tuy nhiên, trong quá trình này việc xây dựng, đưa ra những định hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển trong các đề án đô thị thông minh và lựa chọn các dự án quản lý phát triển đô thị thông minh là nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

Nam Lê - Minh Hòa