Dự và chủ trì kỳ họp có bà Ngô Thị Mỹ Lợi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Lạt; ông Nguyễn Văn Tới - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Lạt. Cùng sự tham dự có ông Đặng Quang Tú - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt và đông đảo Đại biểu HĐND TP. Đà Lạt khóa XII.
Tại kỳ họp, đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Đà Lạt đã thông qua báo cáo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 TP. Đà Lạt, trong đó có chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đến năm 2030 so với hiện trạng sử dụng đất năm 2020. Theo đó, tổng diện tích hiện trạng 2020 là 39.114,92 ha, quy hoạch năm 2030 là 39.114,92 ha, đảm bảo tỷ lệ 100%. Cụ thể đất nông nghiệp hiện trạng sử dụng đất 2020 là 33.483,99 ha, quy hoạch năm 2030 là 33.071,06 ha, giảm 112,93ha. Hiện trạng sử dụng đất 2020 đất phi nông nghiệp: 5.149,85 ha, quy hoạch năm 2030 là 6.043,86 ha, tăng 894,01ha. Đất chưa sử dụng hiện trạng 2020 là 481,07ha, đến năm 2030 sẽ sử dụng toàn bộ 481,07 ha.
Cũng tại kỳ họp, cac đại biểu đã thông qua Tờ trình của UBND TP. Đà Lạt về việc đề nghị HĐND TP. Đà Lạt xem xét ban hành Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021- 2030 TP. Đà Lạt. Theo đó, diện tích cơ cấu các loại đất, với diện tích đất nông nghiệp đến năm 2030 là 33.071,06 ha, giảm 412,93 ha so với năm 2020; diện tích đất phi nôngg nghiệp đến năm 2030 là 6.043,86 ha, tăng 894,01ha so với năm 2020, do chuyển từ đất nông nghiệp; đến năm 2030 trên địa bàn TP. Đà Lạt không còn quỹ đất chưa sử dụng.
Trên cơ sở đó, Kỳ họp tiếp tục, xem xét đánh giá để HĐND TP. Đà Lạt sớm ban hành Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 TP. Đà Lạt. Theo đó thực hiện quy hoạch sử dụng đất đảm bảo nguyên tắc phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai; Quy hoạch phân bổ đất đai sử dụng tài nguyên đất được thực hiện theo quan điểm hệ thống, tổng hợp và đa ngành; bố trí sử dụng đất không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn trước mắt (từ nay đến năm 2030) mà phải tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển lâu dài. Ưu tiên đất cho xây dựng các công trình trọng điểm có vai trò tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, bảo vệ môi trường; sử dụng đất tiết kiệm, thiết thực, hợp lý, hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ đất đai làm giảm hiệu quả sử dụng đất và phân tán nguồn lực đầu tư. Khai thác và phát huy cao thành quả xây dựng kết cấu hạ tầng khu dân cư và đô thị để làm động lực cho phát triển mạnh mẽ kinh tế- xã hội, phát huy cao lợi thế của từng vùng. Chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương ./.