Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, đang làm việc tại Đại học UCL Vương quốc Anh, đã giành được giải thưởng do những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu cơ bản về tổng hợp hóa học và các phân tích tính chất vật lí của vật liệu nano plasmonic và từ tính cho các ứng dụng y sinh.
Vật liệu nano đã thể hiện một số tiềm năng trong y sinh. Tính ứng dụng của chúng sẽ được nâng lên khi chúng có các đặc tính vật lý, kèm theo tính ổn định và sự tương thích trong môi trường sinh học. Điều này có thể đạt được bằng cách tổng hợp các hạt nano với các đặc tính quang học, từ tính, điện tử và xúc tác mới, và sao cho chúng tương thích với môi trường sinh học, đồng thời có hoạt tính dưới sự điểu khiển chặt chẽ.
Phát biểu khi được trao giải thưởng, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: “Tôi rất vui, rất vinh dự khi các công trình nghiên cứu liên ngành với các cộng tác viên của mình được công nhận, vì vậy giải thưởng này là dành cho cả nhóm nghiên cứu và các cộng tác viên của tôi”. Giáo sư Thanh cũng rất vui khi nghiên cứu của mình có thể mang lại những lợi ích trực tiếp trong kéo dài tuổi thọ của các bệnh nhân ung thư.
Tiến sĩ Helen Pain, Giám đốc điều hành Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh, cho biết, mặc dù chúng ta đang trong quá trình vượt qua một kỷ nguyên đặc biệt hỗn loạn và đầy thách thức, nhưng điều quan trọng là phải tôn vinh những thành công và tiến bộ trong hiểu biết kiến thức như là những cơ hội thực sự để cải thiện cuộc sống của chúng ta. Nghiên cứu của Giáo sư Thanh là một ví dụ tuyệt vời về lý do tại sao chúng ta tôn vinh khoa học vĩ đại và chúng tôi rất tự hào được ghi nhận sự đóng góp của họ ngày hôm nay.
Giải thưởng của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh là một trong những giải thưởng lâu đời và uy tín nhất trên thế giới, công nhận những thành tựu của các cá nhân, nhóm và tổ chức trong việc phát triển chuyên ngành hóa học. Cho đến nay đã có 60 nhà khoa học được Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh vinh danh sau đó nhận được giải Nobel cho nghiên cứu của mình, như các giáo sư, tiến sĩ Jean-Pierre Sauvage, Fraser Stoddart và Ben Feringa đạt giải Nobel hóa học năm 2016 và giáo sư John B Goodenough đạt giải Nobel hóa học năm 2019.
Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh được thành lập năm 1841, có trụ sở tại London, nhằm kết nối các nhà hóa học quốc tế với nhau và với các nhà khoa học trong các lĩnh vực khác cũng như với toàn xã hội. Hiện Hiệp hội có khoảng 50.000 thành viên quốc tế. Hiệp hội cũng cung cấp sự hỗ trợ và các nguồn lực cần thiết để tạo ra những tiến bộ quan trọng trong kiến thức hóa học.