Giá vàng trong nước hôm nay
Giá vàng các thương hiệu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng lên ngưỡng 82 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 79,7 triệu đồng/lượng mua vào và 81,72 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều.
Tương tự, DOJI tại khu vực Hà Nội cũng điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 79,7 triệu đồng/lượng và 81,7 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như khu vực Hà Nội.
Giá vàng Vietinbank niêm yết ở mức 79,7 triệu đồng/lượng mua vào và 81,72 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều. Giá vàng miếng thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 79,9 triệu đồng/lượng và bán ra mức 81,9 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng ở cả 2 chiều so với rạng sáng qua.
Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 80,05 triệu đồng/lượng và 81,65 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng chiều mua và 150.000 đồng chiều bán so với rạng sáng qua.
Giá vàng thế giới hôm nay
Giá vàng thế giới tiếp đà giảm nhẹ với vàng giao ngay giảm 5,7 USD xuống 2.155,7 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.159,4 USD/ounce, giảm 8,1 USD so với rạng sáng qua.
Giá kim loại màu vàng giảm nhẹ và ghi nhận tuần giảm đầu tiên sau 4 tuần do các nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất sau khi các báo gần đây cho thấy áp lực giá tăng mạnh hơn dự báo. Vàng thỏi đã mất 0,8% trong tuần, tuần giảm đầu tiên kể từ giữa tháng 2 sau khi đợt phục hồi trong tuần trước đưa vàng chạm mốc cao kỷ lục 2.194,99 USD/ounce.
Dữ liệu công bố trong tuần này cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 2 đã tăng cao hơn kỳ vọng và giá sản xuất cũng cho thấy lạm phát đang dai dẳng.
Theo chuyên gia phân tích thị trường Everett Millman của Gainesville Coins, lạm phát bắt đầu tăng cao trở lại, điều đó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách sẽ phải duy trì chính sách tiền tệ hạn chế hơn trong thời gian dài hơn. Chuyên gia này nói thêm rằng, mặc dù môi trường lãi suất cao không phải là môi trường thuận lợi cho vàng, nhưng nếu lý do khiến lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao là lạm phát tăng nóng… thì đương nhiên mọi người sẽ lại tìm đến vàng.
Mặc dù vậy, các nhà giao dịch vẫn tiếp tục đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất trong tháng 6. Theo công cụ FedWatch CME, sau báo cáo lạm phát, các thị trường vẫn dự báo 59% khả năng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 6. Con số này trước dữ liệu CPI được công bố là 72%.
Trong ghi chú mới đây, Ngân hàng Goldman Sachs đã tăng dự báo giá vàng trung bình trong năm 2024 từ 2.090 USD/ounce lên 2.180 USD/ounce và kim loại qúy này sẽ chinh phục 2.300 USD/ounce vào cuối năm nay.
Trong khi đó, chuyên gia Stefano Pascale của Barclays lại cho rằng, đà tăng giá của vàng có thể bị hạn chế trong thời gian tới. Theo Pascale, vàng đã định giá trước việc cắt giảm lãi suất của Fed và điều đó đã kích hoạt đợt phục hồi kéo dài 9 ngày ấn tượng của vàng vừa qua. Tuy nhiên, các dữ liệu vừa rồi cho thấy, Fed vẫn khó có thể đưa ra quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ.
Với giá vàng trong nước tăng và giá vàng thế giới neo ở mức 2.155,7 USD/ounce (tương đương gần 64,7 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 17 triệu đồng.