Nhận được học bổng toàn phần khi đi du học là mơ ước của nhiều bạn trẻ. Bởi nó không chỉ đơn thuần là hình thức hỗ trợ tài chính, công nhận năng lực của bản thân mà còn trao cho họ cơ hội để bước ra thế giới mới, mở rộng mối quan hệ cũng như tăng thêm vốn kiến thức chuyên ngành.
Mới đây, chàng trai Mạc Thanh Tuyên (28 tuổi) đã trở thành "con nhà người ta" khi xuất sắc giành học bổng toàn phần ngành nhân sự của chính phủ Mỹ. Đáng nói, Tuyên đang có công việc ổn định, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia. Trước đó, chàng trai 9x cũng tốt nghiệp với hai tấm bằng cử nhân của trường Đại học Ngoại thương và Đại học bang Colorado (Mỹ).
Quản lý nhân sự quyết định du học ngay giữa Covid-19
Sau khi lấy 2 bằng cử nhân theo chương trình Tiên tiến của trường Đại học Ngoại thương và trường Đại học bang Colorado (Mỹ), Tuyên quay trở về Việt Nam và chọn thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến bắt đầu sự nghiệp. Mặc dù học trái ngành, song những thành công chàng trai gặt hái được trong lĩnh vực nhân sự khiến nhiều người nể phục. Ở tuổi 28, Tuyên đã có thể tự chủ tài chính cũng như trở thành quản lý tại các tập đoàn đa quốc gia.
Ấy vậy mà sau khi cân nhắc rất kỹ mọi lựa chọn, anh chàng đã quyết định nghỉ việc và chuẩn bị hồ sơ đi du học. Đáng nói, quyết định này được Tuyên đưa ra ngay giữa thời điểm TP.HCM bước vào đợt giãn cách thứ hai. Thời điểm mà có lẽ với nhiều người, việc tìm kiếm một công việc ổn định và duy trì kinh tế đã là điều đáng mơ ước.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 diễn ra đã làm thay đổi rất nhiều suy nghĩ của chàng trai về thị trường lao động. Tuyên nhận thấy, đại dịch Covid bùng nổ khiến thách thức của người làm nhân sự ngày càng tăng lên, khi hầu hết nhân viên trong một công ty đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này. Làm thế nào để mọi đối tượng nhân viên phục hồi hoàn toàn sau Covid-19, làm thế nào để bảo vệ nhóm thiểu số, tạo ra những chính sách đảm bảo đời sống an sinh của họ... là những điều chàng quản lý trăn trở trong 2 năm đại dịch.
"Covid-19 khiến mình bắt đầu nghĩ tới các giải pháp về nhân sự để tiệm cận với xu hướng thế giới, giảm thiểu thời gian lãng phí và tăng hiệu quả công việc trong đại dịch. Trong quá trình đó, mình thấy bản thân chủ yếu tiếp cận công việc theo cảm nhận, kinh nghiệm cá nhân chứ chưa tự tin áp dụng các mô hình và giải pháp nhân sự được nghiên cứu chuyên sâu. Đó cũng là lúc mình nhận thấy bản thân cần phải trau dồi kiến thức và học hỏi thêm", Tuyên chia sẻ.
Bên cạnh đó, với một nhân sự làm trái ngành như Tuyên, việc đi du học 2 năm hoàn toàn có thể khiến anh chàng đi chậm lại trong công việc. Dẫu vậy, ở một góc nhìn khác, Tuyên vẫn cho rằng đó cũng là "bàn đạp" để đạt được những thành công lớn hơn trong sự nghiệp.
"Sau 5-6 năm đi làm, một câu hỏi mà mình luôn tự đặt ra là liệu có nên tiếp tục đi làm để tích lũy kinh nghiệm thực tế, hay quay trở lại trường học để có được kiến thức nền về ngành chuẩn chỉnh. Sau đó mình nhận ra bản thân cần đi học, bởi nếu có nền tảng kiến thức vững chắc, bản thân có thể đưa công việc đi xa hơn".
Hành trình apply học bổng toàn phần ngành nhân sự của chính phủ Mỹ
Tháng 9/2021, Tuyên cùng 20 ứng viên Việt Nam được Hội đồng tuyển sinh thông báo trúng tuyển học bổng Fulbright, với nguồn tài trợ từ Chính phủ Mỹ. Học bổng Thạc sĩ của anh bao gồm toàn bộ học phí, trợ cấp hàng tháng, vé máy bay khứ hồi đến Mỹ và bảo hiểm y tế.
Được biết, từ sau hơn 30 năm chương trình học bổng này được thành lập, Tuyên là người Việt Nam đầu tiên được trao học bổng toàn phần ngành Quản trị nhân sự. Sở dĩ có sự khác biệt này vì ngành nhân sự nằm trong khối ngành kinh doanh - lĩnh vực có tỷ lệ cạnh tranh cao với số lượng rất lớn đơn ứng tuyển hàng năm.
Hồi tưởng lại thời điểm mới chuẩn bị apply học bổng, Tuyên từng gặp nhiều khó khăn khi không có người quen nào từng trúng tuyển học bổng này. Bên cạnh đó, việc apply học bổng giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến căng thẳng, ở nhà trong thời gian dài đã ảnh hưởng khá nhiều đếm tâm lý của Tuyên.
Để nhận được học bổng toàn phần Fulbright, ứng viên sẽ cần trải qua 2 vòng thi đầy cạnh tranh là vòng Application (tạm dịch: vòng đơn) và vòng Interview (tạm dịch: vòng phỏng vấn).
Ở vòng Application, Tuyên cần chuẩn bị bài luận cũng như giấy tờ liên quan mà bên hội đồng tuyển sinh yêu cầu. Tuyên cho hay, bài luận là yếu tố thử thách và khiến anh trăn trở nhiều nhất . Mới đầu, Tuyên chọn chủ đề khá an toàn khi đề cập đến công việc mình đang làm. Thế nhưng sau đó, anh chàng nhận thấy những tác động của đại dịch Covid lên đời sống tinh thần và vật chất của nhân viên. Đặc biệt, những nhóm nhân viên thiểu số như phụ nữ, người khuyết tật, cộng đồng LGBTQ ... chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả.
Tuyên nói về bài luận đã gây ấn tượng mạnh với phía tuyển sinh: "Trong bài luận, mình đã đề cập đến tác động to lớn của đại dịch Covid-19 tới đội ngũ nhân sự và giải pháp giúp đỡ họ. Bao gồm những chính sách để biến môi trường công sở thành một nơi có sự bình đẳng, làm thế nào để các nhóm đối tượng thiểu số được đảm bảo lợi ích tối đa và phương thức giúp doanh nghiệp vực dậy sau đại dịch…
Thời điểm mà mình nộp hồ sơ là vào đợt giãn cách lần 2 của thành phố Hồ Chí Minh nên bài luận được cập nhật tính thời sự. Trong thời điểm đó, rất nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động, cắt giảm nhân sự hoặc cho nhân viên làm việc tại nhà. Bài luận của mình là một phương hướng tiếp cận mà doanh nghiệp có thể áp dụng để duy trì hoạt động trong và sau khi đại dịch Covid-19 qua đi".
Không có quá nhiều mối quan hệ với các du học sinh khác từng giành học bổng của Fulbright, Tuyên chọn cách theo dõi báo đài, tìm hiểu các nghiên cứu về bất bình đẳng trong thị trường lao động. Để bài luận có góc nhìn khách quan và phù hợp với sự biến đổi của thị trường, Tuyên còn tìm gặp các chuyên gia trong ngành, xin tư vấn và có điều chỉnh nếu có.
Những tưởng sau khi nhận được thông báo của phía tuyển sinh mời tham gia vòng thứ hai - vòng Interview, Tuyên có thể nghỉ ngơi đôi chút. Thế nhưng, với anh chàng, đây mới vòng thi khó khăn nhất bởi thời gian chuẩn bị gấp rút mà anh lại không có người đồng hành hay cố vấn đi cùng để đưa ra những lời khuyên thiết thực.
Để khắc phục khó khăn, chàng trai bắt đầu liên hệ với những cựu sinh viên trong trường, để hỏi xin kinh nghiệm và tự chuẩn bị. Một buổi phỏng vấn của Fulbright chỉ kéo dài trong 30-45 phút, với hai nhóm câu hỏi liên quan đến bản thân ứng viên, cùng với câu hỏi về bài luận, chuyên môn. Thế nhưng, Tuyên đã tự mình chuẩn bị đến hơn 30 bộ câu hỏi khác nhau, nhằm đảm bảo không có bất kỳ sai sót đáng tiếc nào có thể diễn ra.
"Trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn, mình đã đọc lại rất kỹ bài luận. Sau đó tự hỏi đâu là 'kẽ hở' mà phía nhà tuyển sinh sẽ muốn hỏi người viết về bài luận này. Mình làm khoảng 30 câu hỏi, rồi sẽ nhờ một người bạn hỏi ngẫu nhiên, để xem phản xạ của mình như thế nào", Tuyên chia sẻ thêm.
Dưới tác động của Covid-19, buổi phỏng vấn của Đại sứ quán Mỹ với Tuyên diễn ra theo hình thức trực tuyến. Nhận thấy những điểm khác biệt của hình thức phỏng vấn này so với hình thức thông thường, anh tự nhận định một điều quan trọng hơn cả là ứng viên cần trả lời sắc bén, súc tích nhất có thể. Điều này được Tuyên thực hiện bằng cách chuẩn bị kỹ càng về mặt tâm lý, cũng như thường xuyên tự luyện tập về giọng nói, tác phong cũng như cách bản thân nhấn nhá câu chữ để thu hút người phỏng vấn.
Nhờ sự đầu tư bài bản, Tuyên đã xuất sắc giành học bổng toàn phần ngành nhân sự và đạt được mục tiêu của bản thân. Hiện tại, chàng trai 9x đang bàn giao công việc còn dang dở ở Việt Nam để chuẩn bị hành trình du học Mỹ bắt đầu vào tháng 8.
Sau khi kết thúc chương trình Thạc sĩ tại Mỹ, Tuyên dự định sẽ về nước và đem kiến thức được học áp dụng cho công việc nhân sự tại Việt Nam, đặc biệt là công tác bảo vệ nhóm người thiểu số trong doanh nghiệp.
"Nước Mỹ là nơi tập trung nhiều trụ sở chính của rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Những trụ sở này là nơi bắt đầu và phát triển những chiến lược về nhân sự, bảo vệ nhân quyền được tiên phong. Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng là quốc gia có tỷ lệ đa dạng về chủng tộc, với nhóm người thiểu số chiếm số lớn.
Đặt trong bối cảnh đại dịch như dịch bệnh Covid-19, điều mình băn khoăn là những nhóm nhân sự này có được bảo vệ không. Và nếu họ được bảo vệ thì đâu là những giá trị mà doanh nghiệp Mỹ tạo nên cho mọi người để tạo dựng sự hài lòng cũng như đảm bảo quyền lợi cho tập thể nhân viên", Tuyên chia sẻ về lý do lựa chọn Mỹ là đích đến du học, cũng như những trăn trở của anh về ngành nhân sự.
Ảnh: Nhân vật cung cấp