Gặp người 'thổi hồn' cho đường hoa Nguyễn Huệ

Lương Đàm
Ở tuổi 71, nghệ nhân Văn Tòng vẫn tất bật tới, lui hướng dẫn thợ tạo hình những chú hổ - linh vật trên đường hoa Nguyễn Huệ.

"Còn đam mê và sức khỏe, mình cứ làm, đến khi nào không còn đủ sức thì nghỉ. Đối với tôi không có tuổi nghỉ hưu, mà theo nghề đến cùng, truyền nghề lại cho thế hệ sau", nghệ nhân Văn Tòng, người gần chục năm phụ trách làm linh vật - con giáp của năm cho đường hoa Nguyễn Huệ, chia sẻ.

Xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, ba là nghệ nhân, nên từ nhỏ, ông Tòng được tiếp cận với nghề vẽ. Ông bắt đầu thiết kế mỹ thuật cho các sân khấu cải lương rồi đảm nhận trang trí chương trình lễ hội ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, để lại nhiều dấu ấn. Từ năm 2016, xưởng của ông được TP HCM chọn làm đơn vị thi công linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ.

nghe-nhan-van-tong-canh-mo-hinh-ho-o-duong-hoa-nguyen-hue-nam-nay-1643599832.jpg
Nghệ nhân Văn Tòng cạnh mô hình hổ ở đường hoa Nguyễn Huệ năm nay

Sau 18 năm kể từ lần xuất hiện đầu tiên vào Tết Giáp Thân 2004, đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, không thể thiếu của người dân TP HCM và cả du khách quốc tế mỗi dịp Tết đến, xuân về. Thế nên, việc thực hiện linh vật đường hoa là vinh dự nhưng cũng không kém phần áp lực với nghệ nhân Văn Tòng vì đây là điểm nhấn của đường hoa.

Tết Đinh Dậu (2017), xưởng của ông thực hiện con gà biết gáy. Tết Tân Sửu năm ngoái, mô hình linh vật của đường hoa là con trâu có đầu biết cử động. Tết Nhâm Dần năm nay, xưởng đảm nhận chế tác 4 con hổ lớn nhất và 20 con hổ nhỏ khác trên đường hoa. "Hổ là con vật dũng mãnh, mang tính chất tâm linh cho nên cách thể hiện phải làm sao toát lên được sự oai vệ, mạnh mẽ", ông Tòng nói.

Linh vật hổ trên đường hoa năm nay không tả thực mà là những đường nét chấm phá để mọi người tưởng tượng và suy nghĩ theo cách riêng. Trong đó, hai con hổ ở đầu cổng bước ra từ rừng ngập mặn, rừng đước nhưng được cách điệu như rừng mai. "Nó là một hình lập thể nhưng vẫn thể hiện được thần thái để khi nhìn vào, người ta có thể mường tượng một con hổ dũng mãnh, mỗi người sẽ một cảm nhận khác nhau", ông Tòng cho biết.

mo-hinh-chua-te-son-lam-cao-46-m-dai-hon-10-m-co-bo-khung-bang-sat-thep-duoc-thuc-hien-tai-xuong-cua-nghe-nhan-van-tong-o-quan-12-1643599832.jpg
Mô hình "chúa tể sơn lâm" cao 4,6 m, dài hơn 10 m có bộ khung bằng sắt thép được thực hiện tại xưởng của nghệ nhân Văn Tòng ở quận 12

Điểm nhấn đặc biệt năm nay là hình ảnh chúa sơn lâm giữa rừng hoa với chú hổ cao 4,6 m, dài hơn 10 m, kết hợp hài hòa giữa kính cường lực, mica và rêu cỏ, tạo nên hiệu ứng thoắt ẩn, thoắt hiện của hổ. "Do kích thước con hổ tương đối lớn nên khi thực hiện, tôi phải tưởng tượng ra không gian, hình ảnh ruộng bậc thang thực tế như thế nào, con hổ ẩn hiện ra sao mới truyền tải sự dũng mãnh vào tiểu cảnh được", nghệ nhân Văn Tòng nói.

Đây cũng là lần đầu tiên, sỏi được chọn làm chất liệu để thể hiện linh vật cho đường hoa, phù hợp với đặc tính "phong thủy" của hổ. Những viên sỏi được chọn lọc kỹ về kích thước, hình dáng, màu sắc bao bọc xung quanh kết cấu thép và xốp, tạo nên linh vật hổ cao 3,5 m, dài 8 m và nặng gần 2 tấn với hoa văn sọc đặc trưng và dáng vẻ oai hùng. "Biểu tượng linh vật này cũng không tả thực, mà là những lát cắt được đính từng viên đá, sỏi lên, thể hiện sự dũng mãnh qua các đường nét cơ bắp và những viên đá gắn trên đó", ông Tòng chia sẻ.

Ảnh hưởng Covid-19, thời gian làm gấp rút hơn, tất cả quy trình đều phải đảm bảo công tác phòng chống dịch. Thêm vào đó, kích thước các linh vật năm nay lớn hơn những năm trước nên việc thực hiện khó khăn hơn. Ngoài đường hoa Nguyễn Huệ, hàng năm, xưởng của nghệ nhân Văn Tòng còn nhận làm thêm mô hình cho vườn hoa ở Cần Thơ. Quy mô vườn hoa ở Cần Thơ nhỏ hơn những năm trước nhưng xưởng vẫn bố trí 2 ê-kíp lắp ráp song song, để đảm bảo tiến độ, kịp cho người dân tham quan, thưởng lãm trước Tết.

duong-hoa-mo-cua-don-du-khach-vao-toi-27-thang-chap-1643599832.jpg
Đường hoa mở cửa đón du khách vào tối 27 tháng Chạp (29/1)

Suốt 7 năm thực hiện linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ, ông Tòng cho biết năm nay xưởng gặp nhiều áp lực nhất vì việc xúc tiến để làm đường hoa rất gấp rút. Xưởng có 60 nhân công, vừa thi công đường hoa Nguyễn Huệ, vừa thực hiện vườn hoa ở Cần Thơ nên gặp khó khăn về nhân sự, khi nhân công về quê lên không được.

"Tôi phải bổ sung người để đáp ứng tiến độ công việc. Đại dịch khiến mọi thứ bị đảo lộn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua, đảm bảo công việc chứ không phải vì dịch mà mình bỏ lỡ hết mọi thứ", ông Tòng chia sẻ.

Ở tuổi "thất thập cổ lai hi", sức khỏe có phần giảm sút nhưng nghệ nhân Văn Tòng vẫn thường xuyên cập nhật thông tin, công nghệ, kỹ thuật mới để hướng dẫn, truyền nghề cho con cháu. Bởi tâm huyết của ông không chỉ thực hiện các công trình để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân và du khách mà còn là nâng tầm mỹ thuật Việt, sánh vai cùng các nước khác.