Làng Cót (hay Kẻ Cót) là tên Nôm của hai làng Yên Quyết có từ lâu đời là Hạ Yên Quyết và Thượng Yên Quyết. Đây từng là vùng quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng, nằm trong “tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh, Cót) với 10 tiến sĩ và gần 30 hương cống thời Hậu Lê và 9 cử nhân thời Nguyễn sau làng Vẽ (Đông Ngạc). Làng Cót ở kinh đô xưa có một chế độ khuyến học thoả đáng.
Ngày ấy làng có lệ: dành ra 3 mẫu ruộng "độc thư điền" để biếu cho người đỗ tiến sĩ trở lên; ngày ông nghè về vinh quy, cả làng đem cờ lọng đón rước và mừng 100 quan. Người đỗ cử nhân, tú tài cũng được làng thưởng đất. Làng Cót hiện còn ngôi đình dựng lại vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832); nhà thờ của dòng họ các Tiến sĩ Hoàng Quán Chi, Nguyễn Như Uyên, Nguyễn Xuân Nham – là biểu tượng cho truyền thống học hành thành đạt của người làng.
Thế nhưng cho đến nay lại có rất ít người biết đến làng Cót với danh hiệu là “làng khoa bảng” thay vì người ta chỉ nghĩ đó là làng “ngân hàng địa phủ”. Sở dĩ, làng Cót được gắn với cái biệt hiệu đó cũng chính khởi nguồn từ cái nghề kiếm cơm xưa của một số người dân trong làng. Bà Nguyễn Thị Huyền, người dân làng Cót kể: “Người dân trong làng làm nghề này từ khá lâu. Từ cái thời ở làng Thượng Yên Quyết có nghề làm giấy, làm quạt. Sau một thời gian do thị hiếu người dân càng nhiều khiến nghề này càng nở rộ”. Theo quan niệm của người xưa, người chết cũng như người sống: nhà cửa, ăn uống, quần áo, xe cộ, và…tiền. Chính vì thế mới sinh ra lễ đốt vàng mã. Vậy nên đến ngày “xá tội vong nhân” cả làng lại nhộn nhịp người xe, hàng mã được gồng gánh ( ti vi, tủ lạnh, xe máy… giấy ) đi khắp nơi tiêu thụ.
Nếu như ngày xưa, người làm vàng mã in theo lối thủ công phết mực lên khuôn, đặt giấy, phơi khô… mới ra một sản phẩm thì nay, người làm nghề chỉ cần bấm máy, máy làm vàng mã ở làng Cót là máy in thứ thiệt. Chỉ trong chốc lát người sản xuất đã cho ra lò hàng chục ngàn sản phẩm đẹp mắt. Ngày xưa ở làng Cót rộng, làm đủ loại hàng mã, từ những những hàng hiến tế truyền thống như ngựa, nón, hài… đến những đồ vật hiện đại như: máy tính, ô tô, xe máy, tủ lạnh, tivi, đô la âm phủ. Mỗi nhà làm một kiểu, có nhà xếp lên tận nóc nhà toàn tiền đô la, có nhà lại xếp toàn máy vi tính. Nay làng đã thành phố nên nhà cửa đâm ra chật hẹp nên sản phẩm của làng cũng bị thu hẹp, những sản phẩm ô tô, xe máy nhường chỗ cho tiền giấy (kiểu truyền thống) và tiền đô la (kiểu hiện đại).
Hiện nay, tiền âm phủ làng Cót đã được phân phối hầu như toàn bộ các tỉnh miền Bắc và tới cả miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình,… Không phải là những khu vực này người dân không kinh doanh các loại tiền âm phủ, mà tiền âm phủ nơi đây họ kinh doanh mẫu mã cũng như màu sắc chất liệu không thể bằng ở làng Cót. Nên họ vẫn thích mua đồ mã từ những tiểu thương ở ngôi làng âm phủ này.
Bà Nguyễn Thị Thanh, một trong những đơn vị sản xuất và kinh doanh mặt hàng tiền âm phủ nổi tiếng nhất tại ngôi làng Cót chia sẻ: “Các mặt hàng vàng mã của gia đình trước thì hay tiêu thụ chủ yếu ở chợ Đồng Xuân nhưng nay mở rộng tiêu thụ ra các tỉnh thành trong cả nước. Hiện nay, lượng công nhân làm vàng mã, in ấn tại gia đình có khoảng hơn chục người. Nói về công thức in ấn thì gia đình được kế thừa từ các cụ 3 đời truyền lại. Ngày nay thì đã có máy móc hiện đại hỗ trợ, nhưng đến khâu cuối cùng vẫn phải làm thủ công như khâu cắt, xén…Mặt hàng này là tâm linh, trước tại làng Cót rất nhiều nhà làm và phát triển, nhưng bây giờ gần như đã bị mai một, nhiều gia đình đã bỏ nghề để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác có thu nhập cao hơn. Hiện nay, làng chỉ còn hơn chục hộ đang làm nghề và họ luôn đâu đáu gìn giữ phát huy nghề”.
Bà Thanh, chia sẻ thêm: “Khó khăn của việc làm nghề hàng mã này là đầu ra của sản phẩm, việc bán được nhiều hàng chỉ vào đầu rằm tháng 7 hàng năm và dịp Tết Nguyên đán. Trong năm thì người dân chỉ mua vào Ngày Rằm, Mùng Một cúng lễ tại gia hoặc đi lễ chùa…Cho nên việc duy trì trả lương cho công nhân gặp nhiều khó khăn, trong khi vốn bỏ ra cũng tương đối lớn, khiến người làm nghề này luôn phải “vắt óc” để làm sao giữ chân thợ và tiêu thụ được sản phẩm…”.