Theo tờ trình dự án luật, Bộ LĐTBXH đã tiếp nhận 158 văn bản góp ý từ các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, các tập đoàn, công ty, hiệp hội doanh nghiệp.
Trên cơ sở Nghị quyết số 28, ban soạn thảo sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.
Như vậy, sẽ khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.
Thực tế tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2022 của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương.
Vì vậy, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Mức cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.
Theo Bộ LĐTBXH, đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;..), đặc biệt cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.
Theo đề xuất này, nếu mỗi tháng lao động có tổng thu nhập 10 triệu đồng bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp có tính chất như lương thì căn cứ tính đóng BHXH sẽ ít nhất là 7 triệu (70%). Người lao động trích đóng 8%, doanh nghiệp đóng 14% của 7 triệu đồng vào Quỹ Hưu trí tử tuất.
Dự thảo luật còn quy định cụ thể hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng BHXH bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.
Sửa quy định gắn tới tiền lương khu vực nhà nước
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27.
Luật BHXH năm 2014 quy định nhiều khoản trợ cấp gắn với "mức lương cơ sở" như: mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng...
Theo Bộ LĐTBXH, để vừa không gây xáo trộn "về mức" so với quy định hiện hành, đồng thời vừa phù hợp với định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27, dự thảo luật sửa đổi các mức trợ cấp gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể.
Đồng thời, cũng quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH, tương tự như điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng trong giai đoạn vừa qua.
Nếu những đề xuất trên được thông qua, tiền lương tính đóng BHXH sẽ tăng, đi liền với đó là mức đóng thực tế của người lao động và doanh nghiệp sẽ tăng theo.
Theo quy định hiện hành, tiền đóng BHXH được tính trên cơ sở tiền lương. Trong đó, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất người lao động 8%, người sử dụng lao động đóng 14%; quỹ bảo hiểm y tế người lao động đóng 1,5%, đơn vị đóng 1%; quỹ bảo hiểm thất nghiệp người lao động đóng 1%, đơn vị đóng 1%; quỹ ốm đau và thai sản người sử dụng lao động đóng 3%; quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp người sử dụng lao động đóng 0,5%.
Ngoài ra, lương tính đóng BHXH còn được làm cơ sở để đóng các khoản phí công đoàn. Trong đó, người lao động đóng 1% phí công đoàn, người sử dụng lao động đóng 2% trên tiền lương tính đóng BHXH.
Trước đó, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã đưa ra xin ý kiến nội dung quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc bằng 2 phương án sau:
Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.