Đề xuất Nhà nước hỗ trợ khi tham gia BHXH tự nguyện về tai nạn lao động

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang xây dựng dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động (TNLĐ) theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, với 3 chế độ, Nhà nước hỗ trợ mức đóng cao nhất bằng 30% mức chuẩn hộ nghèo.

Theo Bộ LĐTBXH, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động chiếm đa số trong lực lượng lao động của nước ta, tính đến hết quý I/2023 là 33 triệu người. Tuy nhiên, đang có nhiều người lao động trong khu vực này bị tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng trong quá trình lao động. Chỉ tính riêng số người làm việc không theo hợp đồng lao động bị chết do TNLĐ trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm trên 2.000 người, gấp gần 2 lần khu vực có quan hệ lao động.

nlntv-sap-cong-trinh-150520202-1685404655.jpg
Hiện trường trong một vụ tai nạn lao động về xây dựng. Ảnh: TTXVN

Hiện đã có các sản phẩm bảo hiểm thương mại về TNLĐ ở Việt Nam đang được các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp qua hình thức bảo hiểm sức khỏe. Tuy nhiên, do bảo hiểm thương mại với mục tiêu lợi nhuận nên có những hạn chế trong việc thực hiện bảo đảm an sinh cho người bị nạn và thân nhân của họ, như: Thiếu chế độ chi dài hạn để bù đắp tổn thất về thu nhập; người nghèo không có điều kiện tham gia; phải đóng theo thời hạn ngay cả khi không có việc làm…

Do đó, theo Bộ LĐTBXH, bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với TNLĐ ở Việt Nam cần được xây dựng trên cơ sở khắc phục các hạn chế của bảo hiểm thương mại, đồng thời kế thừa tính ưu việt bảo hiểm xã hội bắt buộc về TNLĐ trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

Dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm xã hội TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, được Bộ LĐTB&XH quy định 3 chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; Trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ; Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.

Người lao động được xem xét hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện khi có đủ các điều kiện:

Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do TNLĐ xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện. TNLĐ xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện (trừ các trường hợp: Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật).

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% do TNLĐ thì được hưởng trợ cấp một lần với các mức: Suy giảm 5% khả năng lao động, được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài mức trợ cấp quy định, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, cứ thêm mỗi năm đóng kể từ năm thứ 2 trở đi được tính thêm 0,3 mức lương cơ sở.

Thân nhân người lao động bị chết do TNLĐ được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do TNLĐ thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp hàng tháng được quy định: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Ngoài mức trợ cấp quy định, hàng tháng người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5% mức lương cơ sở, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức lương cơ sở.

Mức đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện hàng tháng bằng 2% mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người lao động đóng theo phương thức: hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần.

Người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm trên mức đóng bảo hiểm TNLĐ hàng tháng gồm: Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn;

Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; hộ nghèo đa chiều thiếu hụt về tiêu chí bảo hiểm y tế;

Bằng 10% đối với đối tượng người lao động khác.