Bộ LĐTBXH đề xuất tăng trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu

Đinh Thảo
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) bổ sung quy định, công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
luong-huu-1678934092.jpg
Bộ LĐTBXH đề xuất tăng trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu (Ảnh: Báo Điện tử Chính Phủ)

Lần đầu tiên Bộ LĐTBXH dành một chương về trợ cấp hưu trí xã hội nhằm tạo hệ thống BHXH đa tầng, bao phủ đến nhóm hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.

Những người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, và được cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là người từ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (lộ trình nam 62 tuổi vào năm 2028 và nữ 60 tuổi năm 2035), đóng BHXH dưới 15 năm mà không có lương hưu.

Theo dự thảo, người từ 60 đến dưới 80 tuổi, chưa đóng đủ 15 năm BHXH, nếu có nguyện vọng thì được nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng. Nhóm này được cấp bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, hỗ trợ mai táng phí 10 triệu đồng mỗi người khi qua đời. Mức trợ cấp được Chính phủ điều chỉnh dựa trên chỉ số giá tiêu dùng, tình hình kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách.

Thời gian hưởng, mức trợ cấp hằng tháng tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, căn cứ tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Mức trợ cấp hằng tháng được tính bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội 500.000 đồng/người/tháng.

Người từ 80 tuổi trở lên, không đóng BHXH và không có lương hưu, ngân sách nhà nước chi trợ cấp xã hội 500.000 đồng mỗi tháng. Tuổi hưởng trợ cấp có thể thấp hơn, mức hưởng cao hơn và được đề xuất giao cho Chính phủ quy định theo từng thời kỳ tùy vào ngân sách.

Ngoài ra, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng với mức 10 triệu đồng.

Với đề xuất này, trợ cấp xã hội hàng tháng hiện nay theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP sẽ đổi tên trợ cấp hưu trí xã hội áp dụng với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; đồng thời “khoảng trống” từ 60 tuổi đến 80 tuổi sẽ được trợ cấp xã hội hàng tháng với điều kiện đã tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện nhưng chưa đủ điều kiện hưởng. Điểm đáng lưu ý là trợ cấp xã hội hàng tháng này sẽ có BHYT.

Ước tính hiện có khoảng 1,2 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác đang hưởng trợ cấp xã hội. Việc nâng mức trợ cấp này sẽ giúp cho những người 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác có thêm hỗ trợ về kinh tế để cải thiện cuộc sống.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nếu mức trợ cấp cho người trên 80 tuổi nâng từ 360.000 đồng mỗi tháng như hiện nay lên 500.000 đồng thì mỗi năm kinh phí nhà nước chi thêm 2.200 tỷ đồng. Khoản này chưa bao gồm tiền mua thẻ BHYT, gia tăng người thụ hưởng, điều chỉnh mức hưởng hàng năm.

Phương Thảo - TH