Xu hướng trong những ngành mới nổi
Nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp không ngừng gia tăng từ cuối năm ngoái đến nay đã củng cố thêm niềm tin về khả năng phục hồi của nền kinh tế. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2022, riêng TP.HCM cần thêm 280.000 - 310.000 lao động.
Ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho biết, 98% lao động của Công ty đã quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Điều này cực kỳ quan trọng trong việc đáp ứng các đơn hàng mà Thành Công đã ký với đối tác đến quý III/2022. Đồng thời, công ty này đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2, dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 3/2022, tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động.
“Chúng tôi mới tuyển được vài trăm công nhân cho nhà máy mới tại Vĩnh Long và cần thêm nhiều thời gian để tuyển cả ngàn nhân sự, bởi ở tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhà máy đang tăng cường tuyển lao động phổ thông”, ông Tùng chia sẻ.
Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm đến việc tuyển dụng lao động phổ thông với số lượng lớn. Việc này sẽ dẫn tới những thay đổi trong quyết định đặt địa điểm nhà máy, đặc biệt đối với những ngành cần nhiều lao động phổ thông.
Bà Dương Thuý Quỳnh, đại diện Navigos Group cho biết, các nhà đầu tư có vốn nước ngoài đánh giá, Việt Nam được lựa chọn để đầu tư vì nằm trong chuỗi cung ứng trong khu vực châu Á, thuận tiện về giao thông, hạ tầng khá ổn, chính trị ổn định, giá nhân công hợp lý...
Trong mảng sản xuất, các tập đoàn đa quốc gia bắt đầu tìm kiếm các vị trí cấp cao do các ứng viên người Việt đảm trách như giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hay giám đốc khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy năng lực ứng viên người Việt Nam đã tốt hơn để có thể đảm nhiệm những vị trí tầm khu vực.
Thực tế, bên cạnh những ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam như dệt may, sản xuất hàng điện tử, chế biến lương thực - thực phẩm…, nhu cầu tuyển dụng trong những ngành mới nổi như khoa học ứng dụng, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật y sinh, phân tích dữ liệu… cũng đang rất sôi động.
Bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc Bộ phận Tuyển dụng cấp cao và nhân sự thuê ngoài của Công ty Talentnet đánh giá, những ngành mới nổi sẽ thu hút lượng lớn nguồn nhân lực có tay nghề cao và còn dự kiến tăng cao trong thời gian tới.
MLTech Soft, một công ty phần mềm với kinh nghiệm trong việc triển khai các ứng dụng web/app trong doanh nghiệp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, blockchain là một ví dụ.
Thông qua các hội nhóm về cộng động blockchain tại Việt Nam cũng như trang cá nhân, Trần Huy Hoàng, Giám đốc điều hành MLTech Soft đã đưa ra các phương án tuyển dụng để tìm kiếm nhân sự, thực tập viên cho mảng phân tích dữ liệu, tham gia dự án blockchain… Điều kiện đưa ra “không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm, mà chỉ cần có tinh thần chủ động, tự giác để tìm hiểu, nghiên cứu”.
Theo khảo sát của Navigos Group, các doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain đang có nhu cầu lớn về nhân sự. Tuy nhiên, nguồn cung nhân sự cho các mảng này không nhiều, dẫn đến sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp tuyển dụng.
Chi phí tuyển mới gấp 3 lần chi phí giữ lao động
Doanh nghiệp và người lao động đang học cách sống chung với virus. Nhìn chung, người lao động và doanh nghiệp đều đã quen với các chính sách phòng chống Covid-19 và xem nó như một phần của cuộc sống bình thường mới.
Về phía các doanh nghiệp, có thể thấy rõ nhất là sự thay đổi về mô hình làm việc. Đã có nhiều doanh nghiệp dần chuyển qua mô hình làm việc linh hoạt, sử dụng các giải pháp công nghệ giúp hỗ trợ việc quản lý lao động và có các chính sách đối ứng linh hoạt hơn với diễn biến của đại dịch.
Đồng thời, các chính sách phúc lợi cũng được nhiều doanh nghiệp chú trọng thay đổi, tập trung vào những phúc lợi làm việc từ xa như hỗ trợ wifi tại nhà, hỗ trợ xây dựng góc làm việc tại gia… Ví dụ, tại Công ty công nghệ như MLTech Soft, người lao động có thể làm việc từ xa 100%, miễn là hoàn thành tốt các dự án được giao.
Thực tế, tình trạng thiếu hụt lao động của thị trường năm qua cũng đã cho thấy, các công ty rất khó khăn và tốn kém trong việc tuyển lại lao động. Do vậy, các doanh nghiệp phải xây dựng chính sách giữ nhân viên.
“Không có công thức chính xác, nhưng theo kinh nghiệm của tôi trong tuyển dụng và tư vấn giữ chân nhân tài cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, chi phí để tuyển mới thường cao gấp 3 lần so với chi phí để giữ chân người lao động”, bà Lý Ngọc Trân nói.
Thêm vào đó, sau khi tuyển mới, các doanh nghiệp còn mất chi phí không nhỏ cho việc đào tạo để người lao động nắm vững yêu cầu, quy trình của công việc mới. Ngoài ra, cần có thời gian để nhân viên mới thích nghi với môi trường làm việc, làm quen việc, bắt nhịp với văn hóa công ty. Thông thường, người lao động cần 3-6 tháng để làm quen việc và cần thời gian nhiều hơn để thực sự thích nghi với văn hóa công ty.
Tình trạng người lao động “bỏ phố về quê” thời gian qua đã để lại nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu tuyển dụng lớn. Để nhanh chóng bắt kịp đà hồi phục, theo đại diện Talentnet, các doanh nghiệp sản xuất cần có phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong quá trình sản xuất, cũng như xây dựng chính sách phúc lợi, lương thưởng cạnh tranh để thu hút lao động quay trở lại.