Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính trị: Kỳ vọng lớn, quyết tâm cao, triển khai mạnh mẽ

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống. Bên cạnh quyết tâm, nhiệm vụ chính trị, đó còn là những kỳ vọng lớn lao mà nhân dân mong đợi, góp phần tạo nền tảng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc.

Bộ máy chính trị là trụ cột của quản lý nhà nước. Không chỉ giữ vai trò định hướng và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bộ máy hoạt động hiệu quả, hiệu lực còn đảm bảo ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Một bộ máy hoạt động có hiệu quả, hiệu lực hay không vừa phản ánh sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vừa là thước đo sự tiến bộ của một quốc gia.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế, bộ máy chính trị đứng trước thách thức cần đổi mới mạnh mẽ. Từ thực tiễn cho thấy, vẫn còn tồn tại sự chồng chéo trong chức năng -  nhiệm vụ; tình trạng lãng phí nguồn lực và quan liêu đã cản trở quá trình vận hành hiệu quả của bộ máy chính trị. Điều này đặt ra nhiệm vụ cấp bách là phải sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng hệ thống chính trị minh bạch, hiện đại, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển chung của thời đại.

“Muốn phát triển, bộ máy phải nhẹ mới bay được cao”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của bộ máy chính quyền, của hệ thống chính trị trong việc phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: Bộ máy Nhà nước phải được tổ chức sao cho gọn nhẹ, hiệu quả, “việc gì có lợi cho dân thì làm, việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Theo Người, “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người”.

Trong việc tổ chức bộ máy, Người căn dặn: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, là nền tảng của thi đua ái quốc. Cần, Kiệm, Liêm, Chính là bốn đức tính cần thiết của người cách mạng”. Người khẳng định rằng bộ máy chính trị chỉ có thể vững mạnh nếu được xây dựng trên nền tảng đạo đức và trách nhiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống chính trị. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Người cảnh báo rằng tham nhũng, quan liêu và lãng phí và những “giặc nội xâm” nguy hiểm, cần loại bỏ triệt để. “Quan liêu, tham ô, lãng phí là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Nó làm hại đến công việc, làm hại đến nhân dân, làm hại đến Chính phủ và Đoàn thể”.

Đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về việc xây dựng bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu quả vẫn còn nguyên giá trị. Triết lý ‘chính phủ là công bộc phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhân dân là chủ xã hội’ chính là kim chỉ nam trong việc định hướng xây dựng bộ máy chính trị dân chủ, nguyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo, liêm chính phục vụ nhân dân ở nước ta hiện nay.

Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được… Chỉ còn 30% ngân sách thì tiền đâu để quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong khi các nước khác chi có hơn 40%, dù bộ máy của họ rất khổng lồ. Ít nhất phải được trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... thì mới được”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra dẫn chứng ngân sách đang chi khoảng gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động.

Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong công tác cải cách hành chính, kiện toàn và tinh gọn bộ máy.

Vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Tại Đại hội VI của Đảng (1986), khi tiến hành công cuộc đổi mới, bên cạnh đổi mới về kinh tế, chúng ta đã ý thức được việc phải đổi mới bộ máy nhà nước. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngày 25/10/2027, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW (Nghị quyết 18) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

anh-1-tong-bi-thu-to-lam-phat-bieu-ket-luan-phien-hop-thu-nhat-ban-chi-dao-trung-uong-ve-tong-ket-viec-thuc-hien-nghi-quyet-so-18-nqtw-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-khoa-xii-ngay-1911-1738166344.JPG
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ngày 19/11/2024 (Ảnh: Tạp chí Xây dựng Đảng)

Mới đây, trong phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Do đó, phải thật khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương không chờ cấp tỉnh; cấp tỉnh không chờ cấp huyện; cấp huyện không chờ cơ sở. Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phải chủ động không chờ đợi các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

“... Để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị...” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh thêm.

“Để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước, Nhân dân”

Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cả hệ thống chính trị đã bắt tay vào cuộc với quyết tâm cao nhất, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Đến nay, việc triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

5 năm thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18, cả nước đã cắt giảm 25 tổng cục, hiện chỉ còn 13 tổng cục (không tính Bộ Quốc phòng). Trong đó, Bộ Công an đã xóa bỏ 6 tổng cục và 2 đơn vị tương đương tổng cục. Bộ Tài nguyên và Môi trường cắt giảm 4 tổng cục. Bộ Nội vụ sắp xếp lại 2 cơ quan tương đương tổng cục. Bộ Giao thông Vận tải xóa bỏ 1 tổng cục, tách thành 2 cục. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuyển 4 Tổng cục thành cấp cục. Bộ Khoa học và Công nghệ bỏ 1 tổng cục và 1 cơ quan cấp tương đương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chuyển 2 tổng cục thành cục, sắp xếp lại 1 đơn vị cấp tương đương. Bộ Y tế chuyển 1 tổng cục thành cục. “Lần đầu tiên trong lịch sử, bộ máy đã cắt giảm được rất nhiều tổ chức bên trong các bộ ngành từ cấp tổng cục cho đến cấp cục, vụ”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ; một số bộ ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu; nhiệm vụ, quyền hạn giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn chồng chéo... Trong khi đó, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay; được cán bộ, đảng viên và Nhân dân mong chờ, đón nhận với sự ủng hộ mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Trong bài viết quan trọng về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa khẳng định: “Những đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”. 

Theo báo cáo, tính đến 31/12/2023, có 89.576 người được giải quyết tinh giản biên chế theo quy định ở các bộ, ngành, địa phương, vượt mục tiêu 10%. Về tinh gọn bộ máy địa phương, trong 3 năm 2018-2021, toàn quốc cắt giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã, tiết kiệm cho ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Tính riêng năm 2019, cả nước đã cắt giảm khoảng 10.000 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên so với dự toán năm 2018 do thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công.

Tiếp tục hiện thực hóa quyết tâm tinh gọn bộ máy chính trị hiệu lực, hiệu quả, ngày 16/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1403 thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Ban Chỉ đạo).

anh-3-chinh-phu-cung-da-thanh-lap-ban-chi-dao-to-giup-viec-ve-tinh-gon-bo-may-cua-chinh-phu-1738166344.jpg
Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức cơ quan hành chính Nhà nước.

Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031). Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện các nội dung nêu trên.

Tiếp đó, ngày 18/11/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký Nghị quyết số 1297/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

anh-2-quoc-hoi-se-tiep-tuc-doi-moi-sap-xep-to-chuc-bo-may-tinh-gon-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua-tai-cac-co-quan-1738166345.jpg
Quốc hội sẽ tiếp tục tích cực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại các cơ quan (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Theo Nghị quyết, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn với kết quả thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, đề xuất đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tính đến ngày 01/01/2025, đã có 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy: Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Cơ quan Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đối với Chính phủ, dự kiến bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ dự kiến giảm 12/13 Tổng cục và tương đương; 500 cục và tương đương thuộc bộ, tổng cục; 177 vụ thuộc bộ, cơ quan; 190 đơn vị sự nghiệp công lập.

Hưởng ứng sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương, các đơn vị, địa phương, cơ sở trước hết cần quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là cơ chế chung trong quản lý xã hội” mà Đảng ta đã khẳng định tại Đại hội VI (1986). Tiếp tục bám sát các nội dung kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương để triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, tăng cường công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy trong tình hình mới. Đồng thời, khẩn trương ban hành các chính sách bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do cải cách về tổ chức…

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trong đó chú trọng công tác thẩm định, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất để có giải pháp tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động hay sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác. Quán triệt chủ trương không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Tập trung nâng cao chất lượng cán bộ, tiến tới hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đối với cấp cơ sở, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “chính quyền đô thị” gắn với chuyển đổi số. Nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức phục vụ người dân của công chức, viên chức. Gắn trách nhiệm, hiệu quả của cán bộ với lương, thưởng thực tế. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế báo cáo, thẩm tra, đánh giá định kỳ về kết quả hoàn thành nhiệm vụ có kết hợp khảo sát dư luận, ý kiến của người dân để đưa ra mức khen thưởng, kỷ luật phù hợp đối với công chức, viên chức.

Với khí thế, quyết tâm cao, thống nhất về tư tưởng và hành động, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng hành, tin tưởng của nhân dân, cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ đạt được những thắng lợi to lớn, tạo nền tảng để đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới, đột phá vươn lên phát triển ngày càng giàu mạnh, hùng cường.

Bảo Châu