Cơ hội cho thí sinh với ngành học đáp ứng chương trình mới

Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tiếp tục mở những ngành học mới đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là dịp để thí sinh yêu thích ngành sư phạm nắm bắt cơ hội việc làm trong tương lai.
hocsinh-1716689667.jpg
Chưa có sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý ở trình độ đại học. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Về cơ hội việc làm với ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, hiện tại, cả nước còn thiếu đội ngũ giáo viên được đào tạo đúng ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý ở các trường THCS. Thực tế, chưa có sinh viên tốt nghiệp ngành này ở trình độ đại học. Hầu hết, đội ngũ giáo viên tốt nghiệp đại học về dạy ở cấp THCS là đơn môn (có thể là ngành Sư phạm Địa lý hoặc Sư phạm Lịch sử).  

TS. Nguyễn Văn Dũng cũng chỉ ra một thực tế, giáo viên được đào tạo tích hợp hai môn Lịch sử - Địa lý dạy ở các trường THCS mới ở trình độ cao đẳng (theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 chưa đạt chuẩn). Nếu giáo viên nào được đào tạo nâng lên trình độ đại học là đơn môn (hoặc Sư phạm Lịch sử, hoặc Sư phạm Địa lý).

"Hiện nay, các trường THCS trên cả nước đang rất thiếu đội ngũ giáo viên được đào tạo chính quy ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý trình độ đại học. Do đó, cơ hội việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp ngành này là rất lớn", TS. Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh. 

Điều kiện để xét tuyển ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là thí sinh phải đảm bảo ngưỡng đầu vào. Trong đó, điều kiện chung, thí sinh đã tốt nghiệp cấp THPT, có hạnh kiểm lớp 10, 11, 12 đạt từ loại khá trở lên; không bị dị hình, dị tật, nói ngọng, nói lắp.

Ngoài ra, thí sinh phải đáp ứng những điều kiện riêng tương ứng với mỗi phương thức xét tuyển. Có 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp THPT (học bạ); xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh; xét tuyển sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo TS. Nguyễn Văn Dũng, trong các năm tuyển sinh trước, có 2 phương thức xét tuyển mà thí sinh lựa chọn nhiều nhất: Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sử dụng kết quả học tập cấp THPT (học bạ).

Điều kiện đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi THPT: Không yêu cầu học lực giỏi; đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên; thí sinh không bị điểm liệt trong kỳ thi THPT (1,0 điểm trở xuống/thang điểm 10 đối với bài thi độc lập, hoặc môn thi thành phần).

Điều kiện đối với phương thức sử dụng kết quả học tập cấp THPT (học bạ): Thí sinh phát đạt điểm trung bình cộng các môn trong tổ hợp đăng ký xét tuyển tối thiểu là 8,0; học lực lớp 12 xếp loại Giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.