16 trường đại học, cao đẳng dừng tuyển sinh ngành sư phạm

Bộ GD&ĐT vừa có công văn đến 16 cơ sở đào tạo về việc xác định chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên năm 2023. Trong đó, Bộ GD&ĐT không giao chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng sư phạm mầm non cho 16 trường (14 cao đẳng, 2 đại học).
giao-vien-th-15764662514351643539830-1653031554794901312068-1685072966.jpg
Năm 2023, Bộ GD&ĐT không giao chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng sư phạm mầm non cho 16 trường (Ảnh: VGP)

Cụ thể, theo Công văn số 2330/BGDĐT- GDĐH do Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đạo học (Bộ GD&ĐT) ký ngày 23/5, việc xác định số lượng chỉ tiêu tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên của các trường do Bộ GD&ĐT căn cứ nhu cầu của các địa phương về nhân lực giáo viên trình độ đại học, cao đẳng chính quy năm 2023 để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu đào tạo, tuyển sinh.

16 cơ sở đào tạo trực thuộc các địa phương đã có văn bản đề nghị không có nhu cầu đào tạo giáo viên, hoặc đã sáp nhập với các cơ sở đào tạo khác, hoặc chưa đăng ký chỉ tiêu đào tạo năm 2023.

Do đó, Bộ GD&ĐT không có căn cứ để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên của các cơ sở này theo quy định.

Các địa phương không có nhu cầu đào tạo giáo viên mầm non ở các trường trên địa bàn gồm: Bến Tre, Cà Mau, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Vĩnh Long.

Có bốn trường cao đẳng đã sáp nhập với cơ sở đào khác gồm: Hà Tây, Hà Giang, Bình Thuận và Hải Dương. Trường còn lại không được giao chỉ tiêu là Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế do chưa đăng ký chỉ tiêu đào tạo.

Bộ GD&ĐT xác định nguyên nhân của tình trạng trên là việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh. Việc bố trí, điều động, phân công giáo viên cũng chưa phù hợp. Một phần khác do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn.

Thời gian qua, nhiều trường cao đẳng sư phạm đã bị sát nhập vào trường đại học do tuyển sinh kém.

Đặc biệt khoảng vài ba năm trở lại đây, các trường đại học đa dạng phương thức xét tuyển thì các trường cao đẳng, trung cấp chỉ hồi hộp chờ người học đến cuối mùa tuyển sinh.

Sự phân tầng "người giỏi vào đại học, học lực trung bình vào cao đẳng" bị phá bỏ, bậc học cao đẳng, trung cấp ngày càng khó khăn trong việc tìm người học.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, đến hết năm 2022, nước ta thiếu 94.700 giáo viên nhưng ngành giáo dục cũng thừa cục bộ hơn 10.300 người.

Theo Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền học phí và 3,63 triệu đồng một tháng chi phí sinh hoạt. Các tỉnh căn cứ thực trạng thừa - thiếu giáo viên để xác định nhu cầu, bố trí ngân sách đặt hàng các trường đào tạo. Những sinh viên theo diện này không phải bồi hoàn nếu làm trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp dù ở đâu.

Bộ trưởng và nhiều nhà quản lý nhận định, lương "quá thấp" là nguyên nhân chủ yếu khiến giáo viên bỏ nghề, khiến ngành giáo dục kém thu hút, khó tuyển dụng.

Việc giáo viên vừa thiếu, vừa bỏ việc nhiều khiến công tác triển khai chương trình mới gặp nhiều khó khăn. Trường học không đủ người dạy các môn mới, giáo viên phải cùng lúc dạy nhiều môn học. Điều này khiến không ít giáo viên băn khoăn về việc đảm bảo chất lượng dạy học theo yêu cầu của chương trình mới.

Phương Thảo - TH