Thực hiện di nguyện của đồng đội trước khi ngã xuống
Ở tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn còn đủ sức khỏe xuôi ngược khắp nơi nhằm thực hiện tâm nguyện mà ông hằng đeo đuổi mấy mươi năm nay. Những tháng ngày bản thân nếm trải sự gian khổ, sự hy sinh không kể xiết của đồng đội trên chiến trường đã hun đúc thêm cho ông phẩm chất cao đẹp của người lính khi rời quân ngũ để cầm bút.
Ông là Nguyễn Tiến Dân (1951), sinh ra và lớn lên tại thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1964, ông gia quân ngũ hoạt động tại chiến trường Khu 5 và bị thương năm 1972 (Thương binh hạng 3/4).
Đất nước thống nhất, ông rời quân ngũ ra miền Bắc học. Năm 1983, ông trở về Đà Nẵng nhận công tác ở nhiều đơn vị: Thường trú Đài Truyền hình Việt Nam, Đại diện Báo Đường sắt, Báo Cựu chiến binh…
Năm 2012, ông nghỉ hưu thường trú ở tổ dân phố 40, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê và làm PV thường trú của Tạp chí Văn hóa & Doanh nhân Việt Nam tại miền Trung & Tây Nguyên.
Lúc còn ở chiến trường khu 5, một đồng đội của ông bị thương nặng, biết không qua khỏi đã dặn ông: “Mai này khi cuộc chiến kết thúc! Ai còn sống, nếu có điều kiện hãy giúp những học sinh nghèo. Đừng để chúng không biết chữ như chúng tôi…”.
Vốn dĩ, đồng đội của ông ở chiến khu chẳng có cơ hội để đọc thư người thân gửi vào, bởi lẽ “họ không biết chữ”. Nỗi lòng ông quặn thắt, đau đáu từ di ngôn của bạn năm xưa vẫn mãi khôn nguôi cho đến tận bây giờ.
Thắp sáng ước mơ cho trẻ em nghèo
Hồi tưởng lại bước đầu làm thiện nguyện, ông trải lòng tâm sự: “Năm 2000, tôi mới có điều kiện bắt tay vào cuộc. “Vạn sự khởi đầu nan”, lúc đầu chưa có nguồn tài trợ, tôi tìm đến khoảng 100 nhà hàng ở Đà Nẵng trình bày mục đích nhằm vận động chủ quán bán vỏ lon bia, nước ngọt để mua sách vở cho học sinh nghèo. Họ đồng tình ủng hộ tạo nên một khoản tiền đáng kể. Tôi dùng hết tiền trợ cấp thương binh, một phần tiền quảng cáo từ các hợp đồng thông tin truyền thông, tiền trợ cấp ngày lễ Tết, tiền 30 - 40 năm tuổi Đảng, tiền nhuận bút góp vào làm từ thiện. Mấy chục ngàn nhận được trong mỗi lần đi họp Đảng bộ phường, tôi đều góp vào quỹ thiện tâm này”.
Cuộc sống của ông cũng chẳng khấm khá gì!. Nhưng nhiều năm qua, ông không quản ngại gian nan, lặn lội dặm trường khắp một dải miền Trung tìm đến những mái trường còn nhiều khó khăn…
Ông đến với những học sinh nghèo vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến cũ một buổi tới trường, một buổi theo cha mẹ lên nương kiếm sống… Ông mang đến những cuốn vở, những chiếc áo ấm cho các cháu khi mùa Đông về, góp phần vào bữa cơm đạm bạc để các cháu tiếp bước hành trình tìm con chữ “đầy mồ hôi lẫn nước mắt”.
Những năm kế tiếp, bằng vào sự quảng giao và uy tín của mình; nhiều cá nhân, tổ chức tìm đến đồng hành với ông. Những năm sau này, có năm số tiền ủng hộ lên đến con số 1,4 tỷ đồng.
“Bình quân mỗi năm chi ra khoảng trên 500 triệu đồng. Hàng ngàn phần quà đã được trao cho học sinh nghèo từ Hà Tĩnh trở vào Quảng Ngãi, lên miền ngược Kontum… “, Nhà báo cựu chiến binh chia sẻ.
Ông lần giở tập tài liệu lấy ra bức thư bày tỏ lòng tri ân của cháu Phạm Thị Thu Thảo (cựu học sinh trường THPT Thái Phiên - TP. Đà Nẵng) là học sinh nghèo mồ côi mẹ được ông cưu mang giúp tiền ăn học từ những năm đầu cấp 3 đến khi tốt nghiệp Cao đẳng. Một điều đáng ngạc nhiên là cháu Thảo chưa một lần được diện kiến ân nhân của mình.
Đồng hành với ông trong mỗi chuyến đi có các sinh viên tình nguyện, ông căn dặn các bạn trẻ: “Mình đến giúp người thì không cần nhận món quà “trả nghĩa” nào cả. Một tấm lòng thiện nguyện là đầy đủ ý vị rồi”.
Chặng đường hành thiện của ông có chuyến đi khá vất vả khi gặp trời mưa đường trơn, xe không đi được nữa, ông cùng các thầy cô giáo, tình nguyện viên và học sinh phải nai lưng cõng hàng lội bộ. Khó khăn là thế, nhưng ông vẫn đi và đi… đến những nơi cần đến.
Song song với công tác thiện nguyện, ông còn kiêm nhiệm chức năng Đại diện Tư vấn & Trợ giúp Pháp lý cho gia đình Liệt sĩ (Marin) nhằm kết nối thông tin để tìm kiếm hài cốt Liệt sĩ.
Ghi nhận sự đóng góp của ông, Bộ GD & ĐT đã tặng ông Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, Hội Khuyến học VN tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khuyến học”. Thành ủy Đà Nẵng tặng Bằng khen về tấm gương tiêu biểu “Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2015”. Một vinh dự lớn lao đến với ông là vào dịp 19/5/2019, ông đã được trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Đến chết vẫn tận hiến cho đời
Xuất phát từ suy nghĩ “cái chết không phải là sự kết thúc mà nó chính là khởi đầu cho sự sống mới”. Ông đã thành tâm hiến dâng thi hài cho khoa học khi trái tim ngừng đập và đã được Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng làm thủ tục tiếp nhận.
Ông quan niệm: “Sống là cho đi, chết là hiến dâng cho khoa học để cứu người. Tôi biết mình chẳng thể mang theo được gì, vì vậy tôi muốn hiến xác thân cuối cùng của mình cho ngành Y. Thôi thì còn lại xác phàm có thể giúp ích cho đời”. Bác sĩ Phạm Tiến Bình – Bộ môn Giải phẩu Khoa Y Dược – Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Sự việc này làm chúng tôi thực sự xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của ông đã thể hiện đầy tính nhân văn của con người”.
Thời tiết khắc nghiệt miền Trung vào hè rực lửa. Nhưng, dường như trái tim ông còn nóng bỏng rực lửa yêu thương hơn dành cho học sinh nghèo nơi rẻo cao!. Ông trút cạn nỗi lòng: “Tôi không quên di ngôn đồng đội trước phút lâm chung. Tôi chỉ làm thay bạn tôi, mong sao các cháu đều được đi học!”.
Mấy mươi năm qua, di nguyện của đồng đội tuy “khẩu thuyết vô bằng”. Nhưng, đối với ông đó là một dấu ấn không thể nào quên như một vết cắt hằn sâu vào tâm tưởng. Và đó cũng chính là động lực mạnh mẽ thúc đẩy ông đến… những nơi cần đến.
Sự hy sinh âm thầm lặng lẽ, không có tượng đồng, bia đá khắc ghi… Nhưng đối với tấm lòng đầy nhiệt huyết của Nhà báo, cựu binh, thương binh Nguyễn Tiến Dân thật sự có nghĩa tận hiến cho đời.