Cần có nguồn nhân lực bất động sản được đào tạo bài bản

Huyền Văn
Đó là ý kiến của đa số các chuyên gia tại Diễn đàn nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam 2023-2024 với chủ đề "Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển bền vững", do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức vào chiều 12/8 tại TPHCM.
nlntv-img7540-16918412593941910721829-1691971135.jpg
Các chuyên gia nêu quan điểm tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo ông Lê Nhật Thanh, Giám đốc Vận hành An Gia Group, trên thực tế, nhân sự ngành bất động sản (BĐS) đang được đào tạo tự phát, không có sự xâu chuỗi, bài bản, đa phần là nghề truyền nghề.

Điều này đặt ra nhu cầu là phải có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp từ đầu tư, thiết kế sản phẩm, kinh doanh bán hàng, quản lý khai thác BĐS…

Ông Thanh cho rằng, hiện nay, nguồn nhân lực BĐS chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu của doanh nghiệp. Nhân sự mang tính bản năng, thiếu kiến thức pháp luật-xã hội, còn nhiều trường hợp môi giới tâng bốc sản phẩm quá nhiều.

Còn ông Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch VNREA cho rằng, hiện nước ta quá thiếu nguồn nhân lực ở các cấp. Đối với từng ngành và từng lĩnh vực thì đều có chương trình hết sức bài bản đào tạo nguồn nhân lực từ thấp đến cao, ngay từ lúc vào ngồi ở ghế nhà trường. Trong quá trình đào tạo đại học, khi công nghệ ngày càng phát triển, thì đào tạo nhân lực phải đi theo mới kịp. Cái thiếu của chúng ta là nguồn nhân lực ở các các cấp. Nguồn nhân lực cho BĐS cũng vậy.

Ngoài ra, ông Thắng bày tỏ hoan nghênh việc Hiệp hội BĐS Việt Nam đã nhận ra vấn đề này và thành lập Liên Chi hội đào tạo BĐS Việt Nam.

"Tôi hy vọng thời gian ngắn sẽ có kết quả cụ thể. Tôi công nhận Liên Chi hội hoạt động rất bài bản, nhưng để ra kết quả tốt nhất thì đầy gian truân. Chúng ta cần phải quan tâm, phải có khát vọng hơn nữa thì mới ra được hiệu quả tốt nhất", ông Thắng nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Đặng Đình Toàn, Chủ tịch Công ty cổ phần BĐS VieTera nhận định, nguồn nhân lực BĐS chất lượng ở nước ta rất khan hiếm. Có thể thấy năm qua, các sàn môi giới BĐS sẵn sàng đào thải nhân lực, song một số chủ đầu tư lớn vẫn cần hàng nghìn môi giới, đó là sự đối lập. Khi không cần thì họ sẵn sàng cắt, nhưng bây giờ thì lại tuyển dụng ồ ạt để bảo đảm ra hàng.

"Làm thế nào để đánh giá một nhà môi giới chuyên nghiệp, thứ nhất là họ phải nghiêm túc theo đuổi đến cùng, thứ hai là đầu tư về đạo đức, tầm nhìn dài hạn, sau cùng là rèn giũa, phát triển bản thân. Khi thị trường tốt thì ranh giới giữa môi giới chuyên nghiệp và không chuyên rất khó phân ranh, nhưng khi thị trường khó khăn chúng ta sẽ nhìn thấy rất rõ điều này. Do đó, môi giới là phải trang bị kiến thức, đạo đức, kỹ năng và phải chứng minh được giá trị của mình kể cả khi thị trường khó khăn", ông Toàn cho hay.

nlntv-img7680-1691841259528745291234-1691971157.jpg
Các chuyên gia thống nhất cần đào tạo bài bản đối với nhân lực ngành BĐS - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Đào tạo nhân lực BĐS – cần sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường

Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo BĐS, hiện nay, chúng ta nghĩ rằng việc học BĐS chỉ là lý thuyết, không có giá trị thực tiễn, tuy nhiên quan điểm này là sai. Khi có lý thuyết vững thì áp dụng vào thực tế rất sáng. Hiện nay, doanh nghiệp cũng chỉ giải quyết bài toán trước mắt của thị trường, nhưng không đi sâu giải quyết bài toán của xã hội, của đất nước.

Còn ông Duarte Alonso Abel, Trưởng Bộ môn Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT cho rằng, cần học hỏi các bài học ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Australia… Họ có tỉ lệ thay đổi nhân sự ngành BĐS rất thấp. Ông Abel cho rằng có thể tiếp cận ngay từ học sinh cấp 2, cấp 3 để cho các bạn trẻ thấy được giá trị của ngành và am hiểu hơn về BĐS, từ đó có được nguồn nhân lực bền vững và dài hơi hơn trong tương lai.

PGS.TS.LS Nguyễn Thị Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, muốn đào tạo nhân lực BĐS thì phải nắm vững chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, phải có kiến thức về các loại hình, xu thế, nghiệp vụ, kỹ năng, chế tài về BĐS, đó là một vòng tròn đều đòi hỏi phải đào tạo. Hiện nay, chúng ta chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, mà không biết rằng phía sau là pháp luật, là chế tài và thậm chí bỏ qua những điều đó khiến thị trường trở nên méo mó.

Theo bà Phương, cần có sự kết nối thành một vòng tròn giữa nhà trường và doanh nghiệp. Để phối hợp tốt hơn và đào thành nguồn nhân lực bài bản hơn thì doanh nghiệp cũng cần cộng hưởng với nhà trường từ những ngày đầu tiên. Hai bên có trách nhiệm cộng hưởng, hỗ trợ lẫn nhau chứ không chỉ đơn giản là liên kết, để khi đội ngũ nhân lực chất lượng này ra trường thì doanh nghiệp có sẵn đội ngũ này để làm việc.

Trước đó, trong sáng 12/8, Liên chi hội đào tạo BĐS Việt Nam (VNREEA) thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam đã chính thức thành lập và ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023-2027 gồm 20 thành viên. Trong đó, có 14/20 thành viên là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và Viện trưởng các cơ sở đào tạo đại học đã và đang đào tạo nhân lực ngành BĐS tại Việt Nam.

Hiệp hội BĐS Việt Nam kỳ vọng VNREEA sẽ là nơi nghiên cứu, đề xuất các giải pháp và hành động để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực BĐS Việt Nam, từ đó góp phần đưa ngành BĐS Việt Nam trở thành một ngành kinh tế bền vững, có nhiều đóng góp lớn cho xã hội và đất nước.