Chiều nay (18/5), tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức Chương trình làm việc về các nội dung phối hợp thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Tại Hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW trong các cấp công đoàn. Theo đó, năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế, đời sống của nhân dân, tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của công nhân, viên chức, lao động.
Cũng trong năm 2021, số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể tăng, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là hơn 1,4 triệu người, tăng hơn 370.000 người so với năm 2020. Số lượng người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng, nhất là các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
Thu nhập bình quân của người lao động năm 2021 là 6,6 triệu đồng, giảm nhẹ so với năm 2020. Nhà ở tiếp tục là vấn đề bức thiết đối với công nhân, lao động, đặc biệt là ở khu công nghiệp. Một bộ phận lớn công nhân, lao động nhập cư phải thuê nhà trọ với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.
Ngoài ra, dịch bệnh bùng phát, gây khó khăn cho người lao động trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, gây ra những xáo trộn, làm thay đổi đời sống tâm lý, tinh thần, thói quen của công nhân, viên chức, lao động nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Những đề xuất kiến nghị của tổ chức Công đoàn đã được Chính phủ ghi nhận trong các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tổng Liên đoàn cũng đã chủ động, kịp thời và nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ đa dạng, quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”, tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do Covid-19…
Phát biểu tại hội nghị, bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã biểu dương những nỗ lực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm qua trong việc quan tâm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai các chương trình hành động của Trung ương rất đồng bộ, chủ động và kịp thời.
Bà Bùi Thị Minh Hoài đề nghị, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tiếp tục tuyên truyền tốt về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người lao động, để người lao động nhận thức được thời cơ, thách thức trong tình hình mới. Cùng với đó, chủ động nắm chắc tình hình, đời sống của người công nhân, người lao động, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, bức xúc của người công nhân, giải quyết được các khúc mắc kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đặc biệt, bà Hoài yêu cầu Tổng Liên đoàn lao động chú trọng quan tâm hơn nữa đến vấn đề nhà ở cho công nhân; xây nhà trẻ, trường học trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, để các công nhân yên tâm làm việc và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, hoạt động công đoàn các cấp năm 2022 sẽ tập trung vào một số nội dụng như: nghiên cứu đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của người lao động, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, về khôi phục và phát triển sản xuất, tham gia phát triển thị trường lao động.
Công đoàn cơ sở tích cực, chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, vận động người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc, đảm bảo các quy định an toàn, thích ứng với dịch Covid-19; hướng dẫn, giám sát việc ký kết hợp đồng lao động, thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể và thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, đảm bảo quyền lợi của người lao động./.