Kết nối doanh nghiệp và người lao động bằng nhiều hình thức
Ông Nguyễn Thanh Diệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng cho hay, hiện nay nhu cầu việc làm đang dần đa dạng hơn, ngành du lịch cũng bắt đầu tuyển dụng trở lại. Thông qua trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp thường tuyển dụng lao động phổ thông, công nhân, kỹ thuật. Tuy nhiên thực tế cho thấy, doanh nghiệp ở khu công nghiệp thời gian qua cần rất nhiều lao động nhưng tìm không ra. Nếu trước đây nguyên nhân thiếu lao động là do dịch COVID-19, người dân ở các tỉnh về quê nên có thiếu hụt lao động thì hiện nay tâm lý chung của người dân muốn tìm kiếm việc làm có thu nhập ngay. Đó là lý do vì sao dù đã tổ chức các phiên chợ việc làm nhưng người lao động tìm đến ít hơn trước đây.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, thì Đà Nẵng đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 170.000 - 175.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 34.000 - 35.000 lao động trong giai đoạn 2021 -2025. Còn ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, tính đến nay Ban đang quản lý 500 doanh nghiệp, với 70.000 công nhân, trong đó 129 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện vẫn chưa ghi nhận doanh nghiệp phản hồi về việc thiếu lao động sản xuất sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao là để mở rộng sản xuất chứ không phải thiếu lao động.
Để thực hiện mục tiêu trên, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tạo việc làm mới; tiếp tục thực hiện, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các phiên giao dịch việc làm định kỳ và di động; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực (giai đoạn 2021-2025, đào tạo nghề cho khoảng 250.000 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 50.000 lao động. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 60%).
Việc tìm người lao động cho doanh nghiệp đang là vấn đề khó khăn của Trung tâm, số người đến tìm việc rất ít trong khi nhu cầu cần người thì khá nhiều. Cùng với công tác giải quyết việc làm cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng còn đẩy mạnh kết nối, liên hệ với các doanh nghiệp, đơn vị để thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng và đăng ký tuyển dụng qua Trung tâm với 14.744 lao động; cung cấp thông tin tuyển dụng đa dạng về ngành nghề, yêu cầu, số lượng đến người lao động thông qua website, facebook và niêm yết tại các sàn giao dịch. Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng cho biết: “Thời gian tới, Trung tâm vẫn thường xuyên cập nhật thông tin tuyển dụng qua các kênh, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều lao động. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng duy trì thực hiện kết nối phiên giao dịch việc làm với các tỉnh, thành phố niềm trung, tây nguyên qua hình thức trực tuyến mỗi tháng/một lần/địa phương để người lao động các tỉnh có thêm nhiều sự lựa chọn thuận lợi hơn”.
Đồng thời, Trung tâm thường xuyên tổ chức phiên giao dịch định kỳ vào thứ Sáu hằng tuần tại 3 cơ sở: số 278 Âu Cơ (quận Liên Chiểu), số 21 Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) và số 657 Trường Chinh (quận Cẩm Lệ) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người lao động kết nối với nhau.
Hỗ trợ người lao động
Thực hiện kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm 2022, để có cơ sở báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Toàn thành phố Đà Nẵng có hơn 27.300 doanh nghiệp hoạt động với hơn 363.000 lao động, trong đó có hơn 2.750 doanh nghiệp ngừng hoạt động và 690 doanh nghiệp giải thể, người lao động rơi vào tình trạng mất việc làm. Hơn 223.000 lao động tự do ở lĩnh vực phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 8,3%.
Thành phố đã triển khai các chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ 16 nhóm đối tượng người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng. Thời gian qua, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã xây dựng phương án giải quyết chế độ hợp lý, tổ chức thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và lập thủ tục giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp luôn được Trung tâm thực hiện theo phương châm “đúng chế độ, đúng đối tượng và đúng thời gian”, không có trường hợp sai sót, khiếu nại xảy ra.
Xác định công tác dạy nghề là cơ sở để tạo ra nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng đã chú trọng công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động đặc thù và lao động thất nghiệp. Bên cạnh đó, chủ động thực hiện phương án tổ chức các lớp học nghề trong tình hình mới, đảm bảo an toàn với dịch bệnh; duy trì triển khai tốt việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động…Cùng với đó, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng đã có những hỗ trợ để doanh nghiệp khắc phục sau dịch, tuyển nhân viên, cũng như tiếp cận các chính sách, gói hỗ trợ của Chính phủ.
TP. Đà Nẵng cũng đã có công văn yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tăng cường thực hiện các giải pháp về việc làm, thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời phòng ngừa tranh chấp lao động, hạn chế ngừng việc tập thể đình công xảy ra, góp phần đảm bảo ổn định tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tại công văn, UBND TP Đà Nẵng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố về việc đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, UBND quận, huyện hướng dẫn doanh nghiệp, người sử dụng lao động rà soát và thực hiện đúng chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động, thỏa thuận trong hợp đông lao động,... nhất là các nội dung liên quan đến tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi của người lao động.
UBND thành phố đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở có kế hoạch phối hợp với các đơn vị động viên NLĐ khắc phục khó khăn, chia sẻ với doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn. Kịp thời hỗ trợ, trợ cấp các trường hợp người lao động có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động.
TP. Đà Nẵng cũng giao các địa phương có trách nhiệm khẩn trương công khai và chi trả kịp thời kinh phí hỗ trợ cho người dân, người lao động khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.