Cà Rốt xuất khẩu - nguồn lực phát triển nông thôn xã Đức Chính

Từ nhiều năm qua, cà rốt được sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao và không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Ở xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương là vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển cây Cà Rốt và đã được phát huy trở thành cây chủ lực của người nông dân nơi đây.

Xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng được coi là thủ phủ cà rốt của tỉnh Hải Dương bởi diện tích canh tác lớn, giá trị kinh tế cao, cà rốt có hương vị riêng, độ giòn và vị ngọt đặc trưng. Người dân địa phương cho biết, nhờ áp dụng kĩ thuật trồng cùng với kinh nghiệm hơn 30 năm, quy trình trồng và giống cà rốt đều đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap với sản lượng ước đạt 1,9- 2,2 tấn/sào Bắc bộ.

ca-rot-21-2-1740196089.jpg
Những ruộng cà rốt thuộc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Đúc Chính vào mùa thu hoạch

Những năm gần đây, cây cà rốt đem lại thu nhập ổn định, hàng năm thu lãi từ 6-9 triệu đồng/sào, đời sống người nông dân được nâng cao. Hiện nay, khi thu hoạch xong cà rốt, các thương lái, chủ của Nhà xưởng chế biến đều đến thu mua tại ruộng. Trước kia, người dân trồng cà rốt chủ yếu theo phương pháp thủ công, làm bằng tay rất vất vả nhưng bây giờ đều bằng máy móc hiện đại, giúp cho nông dân nhàn hơn, chủ yếu là chăm tỉa, dọn cỏ, còn việc tưới cây, làm luống đều cơ giới hóa, nên rất dễ dàng.

ca-rot-4-1740196089.jpg
Những củ cà rốt được nhổ lên với mầu sác đậm và có hàm lượng dinh dưỡng cao

Hiện nay xã Đức Chính trồng hơn 360 ha theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, OCOP với tổng sản lượng ước đạt 18.000 tấn. Ngoài ra, người dân Đức Chính còn thuê mượn hơn 1.000 ha đất tại các địa phương dọc theo triền sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, … v.v  để trồng cà rốt với tổng sản lượng ước hơn 60.000 tấn.

ca-rot-11-1740196305.jpg
Cơ giới hoá nông nghiệp bằng máy móc thiết bị, vận chuyển để người nông dân đỡ vất vả phần nào

Toàn xã Đức Chính có thể nói là hộ nào cũng trồng cà rốt, hiện có hơn 2.000 hộ trồng. Bây giờ bà con áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến vào trồng cà rốt, từ khâu đánh luống, gieo hạt, tưới tự động, … v.v, công sức cũng đỡ vất vả hơn so với trước. 

ca-rot-22-154748-1740196386.jpg
Với chất đất phù hợp cho trồng cây cà rốt nên cho năng suất cao đủ chất lượng xuất khẩu thị trường thế giới

Trên địa bàn Hải Dương hiện có khoảng 24 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, cà rốt sau khi sơ chế đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đến thời điểm này, HTX đã xuất khẩu được hơn 50.000 tấn cà rốt đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, … v.v , và đang triển khai xúc tiến đến một số thị trường các nước khác.

ca-rot-17-1740196482.jpg
Cơ sở chế biến và phân loại cà rốt xuất khẩu

“Tại cơ sở chế biến, cà rốt được rửa sạch qua 5 máy, sau đó qua bồn sục ozone, tiếp đó vào máy thổi để làm khô cà rốt. Sau khi khô, cà rốt sẽ được chuyển ra băng chuyền, được các công nhân chọn lọc để phân loại size từ S, L, 2L, 3L tùy theo thị trường. Cà rốt xuất khẩu đi Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, … v.v , bắt buộc phải bảo quản trong 24h với nhiệt độ từ 6 độ trở xuống, khi lên xe container hoặc tàu xuất khẩu thì để 3-4 tháng thì cà rốt vẫn đảm bảo tươi, đẹp, chất lượng”, ông Nguyễn Đức Thuật – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Đức Chính chia sẻ thêm.

ca-rot-10-1740196089.jpg
Ông Nguyễn Đức Thuật – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Đúc Chính chia sẻ về quy trình trồng cây cà rốt

Hiện có trên 80% sản lượng cà rốt của xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông và Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore, Thái Lan, …v.v , gần 20% còn lại tiêu thụ trong nước. Để đảm bảo chất lượng cho cà rốt xuất khẩu, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Đức Chính đã thực hiện cấp mã số vùng trồng, giám sát chặt chẽ các loại tuyến trùng gây hại và đối tượng kiểm dịch được các nước nhập khẩu cảnh báo; kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; cấp mã QR code cho sản phẩm; Đăng ký nhận diện thương hiệu sản phẩm, … v.v .

ca-rot-5-1740196089.jpg
Cô giáo Chu Thị Hạnh - Giáo viên Bộ môn Ngữ Văn, Trường THCS Đức Chính có tiết học trải nghiệm cho học sinh

Trong vụ thu hái cà rốt đầu Xuân Ất Tỵ năm 2025, Cô giáo Chu Thị Hạnh - Giáo viên Bộ môn Ngữ Văn, cùng các em Học sinh Trường THCS Đức Chính có hoạt động trải nghiệm tại khu mô hình canh tác trồng cà rốt của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp. Các em học sinh được nghe ông Nguyễn Đức Thuật – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Đức Chính chia sẻ về quy trình trồng, thời gian sinh trưởng, mô hình sản xuất và sản lượng thu hoạch, tiêu thụ, …v.v, các em học sinh lĩnh hội được kiến thức về cây cà rốt – nông sản xuất khẩu đem lại thu nhập chính cho người nông dân nơi đây, cảm nhận được những vất vả trên cánh đồng quê hương mà người dân đang canh tác.

ca-rot-3-1740196089.jpg
Cô giáo cùng các em Học sinh tham gia thu hoạch cà rốt sau tiết học trải nghiệm

Nhiều năm qua, cà rốt Hải Dương đã khẳng định được thương hiệu, giúp hàng ngàn người nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thương hiệu cà rốt Hải Dương đã và đang vươn tầm mạnh mẽ, từng bước chinh phục những thị trường khó tính trên thế giới bằng chính chất lượng của mình.

ca-rot-9-1740196088.jpg
Em Nguyễn Phương Liên - học sinh Trường THCS Đức Chính tham gia tiết học trải nghiệm và hăng hái thu hoạch cà rốt
Võ Việt - Hoàng Cường