Bộ đội, dân quân dốc sức giúp dân trong lũ

Lương Đàm
Đêm 13 và ngày 14-10, mưa lớn khiến nhiều khu vực ở TP Đà Nẵng bị ngập úng, chia cắt, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng vạn người dân.

Bộ CHQS TP Đà Nẵng, Tiểu đoàn Đặc công 409, Tiểu đoàn Trinh sát 32 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) đã kịp thời điều động lực lượng, phương tiện khẩn trương hỗ trợ người dân ứng phó với thiên tai, khắc phục hậu quả.

Tại quận Thanh Khê, trong đêm 13-10, bộ đội, dân quân, công an cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động, hỗ trợ, đưa hơn 2.000 người dân sinh sống dọc trục đường Dũng Sĩ Thanh Khê và khu vực chân cầu vượt ngã ba Huế bị ngập nặng đến nơi tránh trú an toàn. Những trường hợp không có người thân để ở nhờ được bộ đội đưa về Trường Tiểu học Lê Văn Tám (phường Thanh Khê Tây) và Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Thanh Khê ở tạm. Sáng 14-10, trời tiếp tục mưa lớn, gây ngập sâu tại khu vực tổ 26 Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây) khiến gần 30 hộ dân sinh sống tại đây không kịp trở tay. Sau gần hai giờ vật lộn giữa dòng nước xiết, lực lượng cứu hộ, cứu nạn do Thiếu tá Nguyễn Nhật Linh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS quận Thanh Khê trực tiếp chỉ huy đã đưa được 142 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

giup-dan-1697337420.jpg
Dân quân phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê sơ tán người dân tổ 26 Khe Cạn ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ảnh: Hùng Việt

Trong khu sơ tán, nhìn đứa cháu ngoại mới tròn 3 tuổi đang ngủ say sưa trong vòng tay anh Trương Minh Tuấn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Thanh Khê Tây, bác Nguyễn Văn Hòa (68 tuổi, trú tại hẻm 23, đường Nguyễn Văn Huề) xúc động: “Đêm qua, do lạ nhà, thằng bé cứ lăn qua, lăn lại mãi mà không chịu ngủ. Sáng nay, nó không ăn cháo, không uống sữa, cứ ôm cổ bà khóc mếu. Chẳng hiểu chú Tuấn dỗ kiểu gì mà chỉ một loáng sau nó đã ăn xong lưng bát cháo rồi lăn ra ngủ. Các chú bộ đội, dân quân, công an nhiệt tình, chu đáo với bà con lắm. Trước khi chúng tôi đi sơ tán, các chú đã chuẩn bị đầy đủ chăn màn, quần áo, xô, thùng, gầu, chậu, nước nóng, mỳ, cháo ăn liền ở đây rồi”. Bác Võ Lam (76 tuổi, trú tại tổ 26 Khe Cạn) tiếp lời: “Đêm qua, trời mưa, gió rít ào ào. Nằm trong chăn ấm nhìn ra cửa, thấy các chú bộ đội, công an, dân quân vừa canh gác, nấu cơm, vừa nhắc nhau đi nhẹ, nói khẽ để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà con, chúng tôi cảm động lắm...”.

Thiếu tá Nguyễn Nhật Linh cho biết: “Để chủ động ứng phó với mưa lũ diện rộng, từ sáng 10-10, Ban CHQS quận đã huy động gần 300 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tỏa về các hướng, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng các phường tiến hành khảo sát, dự báo những khu vực có thể xảy ra ngập úng, chia cắt, từng bước đưa ra phương án ứng phó. Phát huy "4 tại chỗ", bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, hậu cần, ban CHQS các phường còn tích cực giúp dân khơi thông cống rãnh, chằng chống nhà cửa, kê dọn tài sản, đắp bao cát chắn sóng, ngăn không cho nước tràn vào nhà”.

Sau một đêm căng mình cứu hộ, sơ tán nhân dân, sáng 14-10, khi mưa vừa ngớt, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 971 và Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 699 (Bộ CHQS TP Đà Nẵng), Tiểu đoàn Đặc công 409, Tiểu đoàn Trinh sát 32 tiếp tục ra quân, phối hợp với bộ đội, dân quân, lực lượng chức năng quận Liên Chiểu hỗ trợ các hộ dân sinh sống dọc trục đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái và các tổ 45, 56, 47, 48 Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam) thu dọn đồ đạc, tài sản bị nước lũ cuốn trôi. Gần 50 người dân không có nơi tránh trú được bộ đội đón về đơn vị nghỉ ngơi, chăm sóc chu đáo. Theo bà Lê Thị Nhật Diệu, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây, từ những kinh nghiệm đúc rút được sau trận lũ lịch sử cuối năm 2022, trước mùa mưa bão năm nay, lực lượng chức năng phường đã tiến hành rà soát, thống kê, nắm chắc thông tin, số lượng, số điện thoại các gia đình sinh sống dọc bờ sông, khu vực trũng thấp, có nguy cơ ngập úng cao. Nhờ vậy, khi có tình huống xấu xảy ra, lực lượng cứu hộ đã kịp thời có mặt để giúp đỡ bà con, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Sát cánh cùng các lực lượng giúp dân, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã điều động hơn 300 lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân về các địa bàn xung yếu, di dời hơn 200 người dân cùng tài sản đến nơi an toàn. Các đồn biên phòng phối hợp với địa phương tổ chức thăm hỏi, cung cấp đồ ăn, nước uống cho các hộ dân đã được di dời đến khu vực tránh lũ.

Chiều 14-10, qua kiểm tra tình hình mưa lũ và công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn quận Thanh Khê, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá rất cao tinh thần tích cực, chủ động của cấp ủy, chính quyền, LLVT địa phương. Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các lực lượng phát huy hiệu quả "4 tại chỗ"; duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chỉ huy, trực cứu hộ, cứu nạn; huy động lực lượng tham gia cắm chốt, cảnh báo nguy hiểm, điều tiết giao thông tại những vị trí xung yếu, có đông người và phương tiện qua lại; tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ ngập úng đi tránh trú; cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cho bà con tại các điểm sơ tán tập trung, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống của nhân dân.

Tối 14-10, Bộ CHQS TP Đà Nẵng cho biết: Đến 19 giờ ngày 14-10, trên địa bàn thành phố còn 154 điểm ngập úng cục bộ (quận Liên Chiểu 121 điểm, quận Sơn Trà 17 điểm, quận Thanh Khê 10 điểm, quận Cẩm Lệ 1 điểm, huyện Hòa Vang 5 điểm). Trong ngày, Bộ CHQS TP Đà Nẵng và các đơn vị đóng quân trên địa bàn thành phố đã huy động 828 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và lực lượng dân quân, tự vệ cùng 3 xe ISUZU, 2 phao bè cứu sinh tham gia giúp nhân dân ứng phó với mưa lũ. Trong ngày 14-10, các lực lượng đã sơ tán 1.663 hộ với 4.050 nhân khẩu ở khu vực thấp trũng, ngập lụt đến vị trí an toàn. (VĂN CHUNG)