Ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: Phiên giao dịch việc làm chuyên đề thực hiện Quy chế phối hợp số 2352/QCPH/BTLTĐ-SLĐTBXH ngày 14/8/2015 giữa Sở LĐTBXH Hà Nội với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội về việc tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho bộ đội xuất ngũ và quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong Quân đội trên địa bàn Hà Nội. Phiên Giao dịch việc làm chuyên đề dành cho Bộ đội xuất ngũ nhằm hỗ trợ thanh niên, quân nhân xuất ngũ tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ thất nghiệp cũng như việc động viên những thanh niên yên tâm về tương lai của mình trước khi lên đường nhập ngũ.
Theo Sở LĐTBXH Hà Nội, mỗi năm, thành phố Hà Nội có hơn bốn nghìn thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và cũng có từng đó người xuất ngũ trở về địa phương. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, thời gian qua Sở LĐTBXH đã chỉ đạo các đơn vị liên quan có những giải pháp thiết thực, chủ động định hướng giải quyết việc làm cho các đối tượng này.
“Đây là lực lượng lao động không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn được trải qua quá trình rèn luyện trong quân đội, có sức khỏe tốt, ý thức kỷ luật cao, có trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao. Lực lượng thanh niên này cần được tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, lựa chọn việc làm phù hợp để góp phần xây dựng một nguồn nhân lực lao động chất lượng của Thủ đô”, ông Hoàng Thành Thái cho biết.
Từ năm 2015 đến nay, Sở LĐTBXH Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô hàng năm tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành riêng cho lực lượng bộ đội xuất ngũ. “Số quân nhân tại ngũ và bộ đội xuất ngũ tham gia phỏng vấn tại 8 phiên giao dịch việc làm là gần 3.000 người; trong đó có trên 1.200 người đã được tuyển dụng ngay tại phiên giao dịch việc làm. Từ những phiên giao dịch việc làm này nhiều quân nhân khi xuất ngũ đã tìm được nghề học phù hợp, tìm được việc làm ổn định, nâng cao đời sống kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội” ông Hoàng Thành Thái cho biết.
Thượng tá Nguyễn Thành Song, Phó phòng Quân lực - Bộ tham mưu - Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết: Việc trao đổi thông tin giữa Bộ Tư lệnh Thủ đô và Sở LĐTBXH Hà Nội cần sát sao và sát thực tế để giới thiệu việc làm, dạy nghề cho bộ đội sắp xuất ngũ, tạo việc làm ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tại phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ 2022 có 36 đơn vị tham gia là các doanh nghiệp và trường dạy nghề. Các đơn vị chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, sản xuất, giáo dục – đào tạo, xuất khẩu lao động... với tổng nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh và xuất khẩu lao động là 1.912 chỉ tiêu với đa dạng vị trí, ngành nghề cùng mức lương hấp dẫn.
Quân nhân Hà Thành Phương (20 tuổi, Phú Thọ) cho biết: "Còn gần tháng nữa tôi sẽ xuất ngũ, qua phiên giao dịch việc làm này, tôi định hướng rõ hơn về công việc trong thời gian tới. Sau khi xuất ngũ tôi dự định sẽ tham gia khoá học nghề và dự định theo là nghề dịch vụ du lịch".
Trong khi đó, anh Trần Nguyễn Việt Long (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) ra quân từ tháng 3/2021 cũng tranh thủ đến tìm kiếm thông tin việc làm. Qua tư vấn, anh dự định sẽ tham gia học khoá về an ninh hàng không và ứng tuyển dụng tại Công ty cổ phần cung ứng nhân lực hàng không Việt Nam.
Từ góc độ tuyển dụng, chị Nguyễn Thị Kiều Trâm, Công ty cổ phần Nha khoa Detec cho biết: Đơn vị hiện nhu cầu tuyển dụng 25 ứng viên đào tạo nghề kỹ thuật chỉnh hình làm răng giả. Hiện nghề này trên thị trường rất thiếu nhân lực. Nếu học viên có tay nghề, đơn vị tuyển dụng với mức lương 10-15 triệu đồng/tháng.
Trước phiên giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiến hành tổ chức khảo sát, thu thập thông tin và nguyện vọng tìm việc của 650 quân nhân sắp hoàn thành nghĩa vụ. Từ số liệu của các phiếu khảo sát này có thể thấy tỷ lệ lực lượng quân nhân, bộ đội xuất ngũ có trình độ qua đào tạo là tương đối cao. Đây cũng là cơ sở để Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chủ động tìm kiếm, mời những doanh nghiệp tuyển dụng sát với nhu cầu thực tế.