Bộ công cụ giám sát quản lý rừng

Lương Đàm
Công cụ METT đang được ứng dụng tại 18 Ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ thuộc 7 tỉnh ở Việt Nam để bảo tồn đa dạng sinh học.

Công cụ theo dõi hiệu quả quản lý (Management Effectiveness Tracking Tool (METT) là hệ thống tự đánh giá, giúp các ban quản lý rừng phân tích nguy cơ và thu thập thông tin về tình trạng, xu hướng tại các khu vực cần bảo vệ. Từ đó đề xuất những giải pháp cải thiện công tác quản lý để duy trì, nâng cao độ che phủ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ những loài động, thực vật có nguy cơ bị đe dọa ở Việt Nam.

Phiên bản đầu tiên của METT được WWF phối hợp với Ngân hàng Thế giới phát triển vào năm 2002, cách tiếp cận là dạng bảng câu hỏi. Phiên bản này trở thành công cụ phổ biến, sử dụng tại hơn 2.500 khu bảo vệ có diện tích hơn 4,2 triệu km2, ở ít nhất 127 quốc gia. METT phiên bản thứ 4 (METT4) được cải tiến và giới thiệu vào cuối năm 2020, với phương thức sử dụng đơn giản và dễ tiếp cận hơn.

Bộ công cụ này được thiết kế trên phần mềm Microsoft Excel để thu thập thông tin tổng hợp về hiện trạng quản lý rừng, đánh giá chi tiết 14 nhóm các mối đe dọạ, những nguy cơ mà khu vực rừng đang gặp phải (từ phát triển nông nghiệp, hạ tầng, biến đổi khí hậu đến văn hóa xã hội và quản trị), cùng với 38 lĩnh vực, vấn đề liên quan đến nhân sự, nghiên cứu khoa học, phát triển sinh kế và du lịch...

kiem-lam-quang-nam-tuan-tra-rung-1645159242.jpg
Kiểm lâm Quảng Nam tuần tra rừng

Các phân tích và đánh giá dựa trên bằng chứng do ban quản lý cung cấp, bộ công cụ sẽ hỗ trợ các ban quản lý lập kế hoạch quản lý phù hợp cho các giai đoạn tiếp theo. Để ứng dụng bộ công cụ, cần có sự tham gia của các Ban quản lý rừng kết hợp với cộng đồng địa phương, lãnh đạo UBND xã và Hạt kiểm lâm tại địa bàn, các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và đơn vị nghiên cứu, đào tạo.

Theo ông Bùi Phước Chương, Quản lý kỹ thuật Khu bảo tồn và thực thi pháp luật tỉnh Quảng Trị, thuộc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học (VFBC), sự tham gia của các bên liên quan nhằm đảm bảo các nguyên tắc minh bạch, hợp tác và đồng thuận. "Đây là cũng là yếu tố then chốt để đảm bảo tính khả thi của giải pháp được đề xuất và việc lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo", ông Chương nói.

Để trả lời được các câu hỏi đánh giá và có kết quả tốt nhất từ việc áp dụng METT4, ban quản lý rừng cần chuẩn bị và có kế hoạch, dữ liệu đầu vào. Trong đó cần có phương án quản lý rừng bền vững, vị trí, tọa độ các khu vực được bảo vệ, kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hàng năm, kế hoạch ngân sách hàng năm, các quỹ bổ sung khác và nguồn lực từ các dự án, văn bản pháp luật và quy định được ban hành có liên quan đến khu vực được quản lý và bảo vệ, báo cáo về nghiên cứu và giám sát, hoạt động quản lý bảo vệ rừng hàng năm.

METT4 hiện được WWF-Việt Nam phối hợp với Ban quản lý các Dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ 18 Ban quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Lâm Đồng, áp dụng trong năm 2021. Hoạt động này thuộc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án VFBC do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Kết quả cho thấy, ở 18 Vườn quốc gia, Khu bảo tồn và rừng phòng hộ nhiều khu vực đang gặp phải mối đe dọa ở mức cao. Tại rừng phòng hộ Bắc Hải Vân (Thừa Thiên Huế), Vườn quốc gia Sông Thanh (Quảng Nam), rừng phòng hộ Hướng Hóa-Đakrong (Quảng Trị)... nguy cơ bị lấn chiếm đất rừng (trồng cây ngoài gỗ hàng năm, lâu năm và rừng trồng keo); săn bắt và bẫy trái phép; khai thác gỗ bất hợp pháp và phát triển cơ sở hạ tầng chưa phù hợp (đập thủy điện).

Ông Lê Văn Hướng, Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền cho biết: "Chúng tôi đã nhìn nhận và xác định được cụ thể các mối đe dọa, thực trạng và xu hướng của các loài và môi trường sống tại khu vực bảo tồn, bao gồm nguy cơ lấn chiếm đất rừng, săn bắt các loài động vật hoang dã và khai thác gỗ trái pháp luật".

Ngay sau đánh giá, ông Hướng cho biết, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đã tăng cường tuần tra, bảo vệ và áp dụng các công cụ để giám sát rừng hiệu quả hơn.

Theo dữ liệu đầu ra của bộ công cụ, hoạt động quản lý, bảo vệ tại các khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng của 7 tỉnh có thể cải thiện trong tương lai. Ông Chương cho biết, việc ứng dụng METT4 sẽ tiếp tục được Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học-Dự án VFBC thực hiện từ nay đến năm 2025. Dựa trên kết quả đánh giá, Hợp phần sẽ hỗ trợ việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ các BQL rừng tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Các chương trình hỗ trợ phát triển các mô hình nâng cao sinh kế cho người dân, phát triển du lịch sinh thái, khuyến khích cộng đồng và người dân địa phương mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch cho du khách, và hợp tác với các công ty du lịch có liên quan, cũng như nâng cao nhận thức cho người dân ở vùng đệm các Khu bảo tồn và Vườn quốc gia cũng được triển khai sau đó.

"Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học là hướng tới hỗ trợ 21 Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ trong việc duy trì, nâng cao độ che phủ rừng, kết nối sinh cảnh, bảo vệ những loài động vật đặc hữu, có nguy cơ bị đe dọa ở Việt Nam", ông Vũ Văn Hưng, Phó Trưởng ban, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, kiêm Giám đốc dự án VFBC, cho biết.

Thế giới ghi nhận, Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao với nhiều kiểu hệ sinh thái và nhiều loài đặc hữu, quý hiếm nhưng đang bị suy thoái, nhiều loài động thực vật hoang dã đang dần biến mất.

Hiện Việt Nam có hơn 8 triệu ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ với hơn 168 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, trải dài trên cả nước. Các khu vực rừng thường có diện tích rộng, trong khi lực lượng quản lý lại mỏng. Bên cạnh đó còn có nhiều nguy cơ tác động đến việc thu hẹp diện tích rừng hoặc giảm quần thể động vật của rừng, ví dụ như các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, xây đập thủy điện, nguy cơ từ việc săn bắt các loài động vật hoang dã. Theo đó, giới chuyên môn kỳ vọng bộ công cụ sẽ là giải pháp giúp Việt Nam bảo vệ và cải thiện hệ sinh thái rừng.