Bảo tồn, phát triển bền vững Làng nghề truyền thống tại Việt Nam

Nam Lê
Làng nghề truyền thống tại Việt Nam là những làng nghề có lịch sử lâu đời, được nối tiếp qua nhiều thế hệ và có cùng tổ nghề, hội tụ cả không gian văn hóa gắn với sinh kế của người dân bản địa. Chính vì thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề truyền thống. cần có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

Khái quát về làng nghề truyền thống Việt Nam

Với hơn 1.200 làng nghề truyền thống đang tồn tại trên khắp đất nước và sự đa dạng các loại ngành nghề khác nhau thì sự phát triển của làng nghề truyền thống sẽ góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho một số lượng lớn lao động. Các làng nghề ở Việt Nam hiện nay đang thu hút khoảng 11 triệu lao động thường xuyên và không thường xuyên. Điều có ý nghĩa quan trọng hơn là làng nghề tận dụng được các loại hình lao động mà các khu vực kinh tế khác không nhận. Nó khắc phục được tình trạng thất nghiệp tạm thời của người dân trong thời gian nông nhàn như nghề đan lát, nghề bó chổi, dệt chiếu…

Đô thị hóa dẫn đến hệ lụy thấy rõ là quỹ đất nông thôn liên tục bị thu hẹp, kéo theo thiếu diện tích đất dành cho việc chuyên canh nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ và một số mặt hàng khác của các làng nghề. Khi người dân không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào buộc họ phải nhập từ bên ngoài thông qua hệ thống các doanh nghiệp, công ty tư nhân theo hình thức kinh doanh trung gian khiến việc sản xuất của các làng nghề bị phụ thuộc nhiều vào nguồn cung bên ngoài cả về chất lượng, số lượng và giá cả. Ðất cho sản xuất không chỉ là khó khăn đối với các doanh nghiệp hiện có trong làng nghề mà còn là khó khăn lớn đối với việc mở mang thêm các hộ sản xuất và doanh nghiệp làng nghề.

a2-1710118557.jpg
Thủ công chính là yếu tố để phát triển làng nghề truyền thống (Ảnh nguồn Internet)

Làng nghề truyền thống cũng đem lại nguồn thu nhập cao hơn là sản xuất nông nghiệp thuần túy, đặc biệt là khi kết hợp cả sản xuất nông nghiệp và tham gia hoạt động sản xuất của làng nghề thì thu nhập của họ cao hơn hẳn so với chỉ làm nông nghiệp. Thu nhập của người lao động ở làng nghề hiện phổ biến khoảng 600.000 - 1.500.000 đồng, cao hơn nhiều so với thu nhập từ làm ruộng. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực có làng nghề cũng thấp hơn mức chung của cả nước, chỉ chiếm 3,7% trong khi mức bình quân cả nước là 10,4%

Giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững

Nhằm tạo điều kiện phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Có thể kể đến các chính sách tác động trực tiếp như: Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về Phát triển ngành nghề nông thôn và Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030; trong đó, đã đưa nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đào tạo nghề… Từ đó các địa phương đã đặt ra nhiều phương án phát triển, bảo tồn làng nghề, trong đó việc phát triển du lịch làng nghề đang được nhiều tỉnh đẩy mạnh.

Chùm ảnh các làng nghề truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với người Việt (Ảnh: Internet)

a3-1710118652.jpg
 
a5-1710118668.jpg
 
a6-1710118687.jpg
 
a9-1710118721.png
 

Mục tiêu là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; thúc đẩy phát triển sản xuất; nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho sản phẩm; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường; xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Đến năm 2025, khôi phục và bảo tồn được ít nhất 56 nghề truyền thống và 85 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 116 nghề và 40 làng nghề truyền thống, phát triển 181 làng nghề gắn với du lịch; trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); có ít nhất 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Đến năm 2030, khôi phục và bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống, phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Trong tổ chức thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người có công bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa nghề truyền thống. Đồng thời, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch xây dựng các tuyến, điểm, phát triển các sản phẩm du lịch, xúc tiến du lịch gắn với các làng nghề.

Đoàn Hữu - Gia Vũ