Bác Hồ với mùa Xuân của Đảng và dân tộc

Đinh Thảo
Mùa Xuân Canh Ngọ 1930, cách đây 94 năm, nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, đem lại “những mùa Xuân” hạnh phúc, ấm no cho dân tộc…
bac-ho-1-1707118640.png
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp năm 1920 (Ảnh: Internet)

Ngược dòng thời gian, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu vận tải mang tên Amiral Latouche Tréville, từ Bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn đi Marseille (Pháp) với ý chí mãnh liệt tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ thực dân.

Khi đó, với tên mới Văn Ba, Bác làm bồi bàn trên tàu, bắt đầu một hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đi qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia. Trải qua vô vàn chông gai, nhọc nhằn nhưng lý tưởng của Nguyễn Tất Thành luôn cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Suốt 79 mùa Xuân của cuộc đời, Bác Hồ đã trải qua những lần đón mùa Xuân với những dấu ấn đặc biệt trong hành trình tìm đường cứu nước, giành lại độc lập cho dân tộc.

Trong 10 năm ròng, từ năm 1911-1920, Nguyễn Tất Thành đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Mỹ, Anh và Pháp khá lâu, làm đủ nghề để kiếm sống và tích lũy hiểu biết về chính trị, tư sản, sự đấu tranh giữa giai cấp vô sản và tư sản.

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của Nguyễn Tất Thành. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, chàng thanh niên thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Véc-xây yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Dù bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã gây tiếng vang lớn trong dư luận nước Pháp, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa; đồng thời đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức của chính mình.

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Pháp, nghiên cứu Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Người sung sướng thốt lên: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết với chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

bac-ho-2-1707118640.png
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (Ảnh: Internet)

Đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc mà còn là bước ngoặt với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin đã soi rọi tư tưởng cho Nguyễn Ái Quốc, muốn cứu nước phải có Đảng cách mệnh để trong vận động, đoàn kết dân chúng đứng lên đấu tranh, ngoài liên lạc với dân tộc bị áp bức, vô sản giai cấp mọi nơi. Để rồi, từ đó Người ra sức chuẩn bị mọi mặt cho việc thành lập một chính đảng vô sản tại Việt Nam.

Thời gian này, Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp; kêu gọi Đảng Xã hội Pháp hãy hành động để ủng hộ các dân tộc bị áp bức, trong đó có nhân dân Đông Dương. Ngày 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc cùng những người chủ trương gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản. Người trở thành một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời trở thành chiến sỹ cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

bac-ho-3-1707118641.png
Nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam đem lại những mùa Xuân hạnh phúc cho dân tộc (Ảnh minh họa: Internet)

Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người ra sức truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, khơi dậy tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ tự phát sang tự giác, đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản, phát triển lực lượng cách mạng, xây dựng các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách Mệnh”, cùng với việc xuất bản Báo Thanh Niên (21/6/1925), Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người tổ chức hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng đánh dấu bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta, một mốc son chói lọi trên đường phát triển của dân tộc. Sự kiện cũng mang đến cách nhìn mới mẻ về Đảng, Bác Hồ gắn với mùa Xuân. Mùa Xuân là mùa tràn đầy nhựa sống, muôn hoa khoe sắc tươi đẹp báo hiệu sự phát triển. Gắn với sự chuyển mình của dân tộc, từ khi Đảng ta ra đời, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

bac-ho-4-1707118640.png
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (Ảnh: Internet)

Quá trình hoạt động cách mạng tại nước ngoài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gặp nhiều khó khăn, sự kiềm tỏa, khống chế gắt gao của kẻ thù, nhưng Người luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước và đau đáu ý định trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc. Từ đây, Bác trực tiếp lãnh đạo toàn dân đấu tranh để giành lấy những mùa Xuân độc lập, tự do, hạnh phúc.

Những mùa Xuân sau này, Bác luôn dành sự quan tâm, tình yêu thương đến tất thảy nhân dân bằng những việc làm cụ thể. Năm 1969, sức khỏe của Bác giảm sút nhiều, thế nhưng Người vẫn tận tụy làm việc, chăm lo cho đất nước, nhân dân. Và, như thường lệ, Tết năm ấy, tiếng Người đọc thư chúc Tết vang lên làm ấm lòng đồng bào cả nước…

Thái Phong